Khó quản lý nguồn thu, đối tượng người nộp thuế

Để quản lý hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý các hoạt động giao dịch điện tử đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số. Tuy nhiên, với những đặc trưng của nền kinh tế số và tình hình phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đã đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý thuế.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh cá nhân (DNNCN), Tổng cục Thuế cho biết, một trong những thách thức đặt ra trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT là việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế. “Trong điều kiện nền kinh số, các tổ chức, cá nhân có thể tiến hành hoạt động kinh doanh xuyên biên giới mà không thuộc đối tượng đánh thuế của bất kỳ quốc gia nào theo nguyên tắc quản lý thuế truyền thống. Các quốc gia đều căn cứ trên sự hiện diện vật chất của người nộp thuế, trong khi doanh nghiệp, cá nhân có thể phân bổ thu nhập về địa điểm có lợi nhất về thuế, theo quy định của từng nước” - bà Lan Anh chia sẻ.

Nguồn: Tổng cục Thuế Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Tổng cục Thuế Đồ họa: Hồng Vân

Cũng theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, một khó khăn khác đối với cơ quan thuế, đó là không xác định được căn cứ tính thuế. Trên môi trường số, các hoạt động kinh doanh có thể thực hiện thông qua website hiện diện ở một khu vực thị trường nào đó, mà không cần sự hiện diện vật chất của người nộp thuế tại đó. Hay nói cách khác “sự hiện diện trong không gian số” không nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật thuế đang căn cứ vào “sự hiện diện vật chất” của tổ chức kinh doanh - nguyên tắc đánh thuế hiện hành. Điển hình cho hoạt động này là quảng cáo trực tuyến và các hoạt động tương tác thông qua nền tảng các mạng xã hội.

Bên cạnh đó, trong nền kinh tế số rất khó phân biệt một số loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh. “Điển hình là doanh thu liên quan đến phần mềm, sản phẩm nội dung thông tin số, các ứng dụng đăng tải trên mạng... rất khó để xác định số tiền chi trả cho bản quyền, phí dịch vụ hay lợi nhận kinh doanh. Ngoài ra, mô hình kinh tế chia sẻ cũng đặt ra nhiều câu hỏi trong việc xác định ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh làm căn cứ tính thuế giá trị gia tăng (GTGT), nghĩa vụ khai thuế” - bà Lan Anh nói.

Xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý để quản lý thuế

Để quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, hiện ngành Thuế đã triển khai xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý. Đã sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật thuế về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và các luật thuế (GTGT, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân), các văn bản hướng dẫn thi hành luật thuế, Luật Quản lý thuế hướng dẫn theo hướng, quy định các tổ chức trung gian thanh toán, tổ chức là đối tác của các nhà cung cấp nền tảng số nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Cụ thể, các sàn giao dịch cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước; khai thuế, nộp thuế thay cho các cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến.

Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội có liên quan để trao đổi kết nối thông tin. “Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã ký thỏa thuận, phối hợp công tác với Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, đang xây dựng thỏa thuận phối hợp công tác với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an. Theo đó, các bộ, ngành đã thống nhất nguyên tắc phối hợp trong công tác quản lý TMĐT như chia sẻ cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin và phối hợp sửa đổi chính sách pháp luật để tăng cường công tác quản lý TMĐT nói chung và quản lý thuế nói riêng” - bà Lan Anh nói.

Cảnh báo rủi ro bằng trí tuệ nhân tạo

“Trên cơ sở dữ liệu về tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử, cơ quan thuế sẽ phân tích rủi ro, trong đó có sử dụng phương pháp học máy - áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế theo rủi ro đối với hoạt động thương mại điện tử” - bà Nguyễn Thị Lan Anh nói.

Để quản lý thuế trong nền kinh tế số, hiện nay Tổng cục Thuế đang tiếp tục hiện đại hoá công tác quản lý thuế để hỗ trợ nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam thực hiện nghĩa vụ thuế theo hình thức điện tử tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Ngoài ra, Tổng cục Thuế tiếp tục nghiên cứu xây dựng giải pháp kỹ thuật, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối, lưu trữ thông tin từ các sàn giao dịch TMĐT và thông tin từ các cơ quan nhà nước có liên quan để phục vụ cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý thuế đối với TMĐT.

Ngành Thuế đang từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với TMĐT. Thông tin quản lý rủi ro được xử lý tập trung tại Tổng cục Thuế và được thu thập từ các nguồn: hệ thống thông tin trong cơ quan thuế; từ bộ, ngành có liên quan; từ tổ chức, cá nhân, người nộp thuế có liên quan; từ cơ quan thuế các nước, tổ chức hợp tác quốc tế về thuế theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; mua thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế…

* Ông Nhân Huỳnh - Phó Tổng giám đốc Công ty KPMG Việt Nam:

Quy định chi tiết và cụ thể về trách nhiệm của ngân hàng

Theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP, ngân hàng thương mại và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.

Từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý để chống thất thu
Ông Nhân Huỳnh

Quy định trên đã đặt ra một số vấn đề cần được làm rõ và hướng dẫn cụ thể, ví dụ như, trách nhiệm của ngân hàng và trung gian thanh toán trong việc tính toán không đúng số thuế phải khấu trừ và nộp thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký thuế tại Việt Nam. Bởi, việc xác định từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà nhà cung cấp nước ngoài cung cấp để áp dụng đúng tỷ lệ % để tính thuế nhà thầu có thể là một thách thức lớn về mặt thực tiễn đối với các ngân hàng thương mại và trung gian thanh toán.

Việc tính toán số thuế nhà thầu và cơ chế thu thuế trong trường hợp nghĩa vụ thuế phát sinh tại Việt Nam là do cá nhân Việt Nam phải gánh chịu, trên cơ sở hợp đồng giữa cá nhân Việt Nam và nhà cung cấp nước ngoài.

* LS Choi Ji Ung - Nguyên Giám đốc Công ty TNHH Luật ASEAN Law Firm:

Kiểm soát qua ngân hàng là phương thức quản lý hiệu quả

Từ góc độ quản lý thuế, cách tốt nhất để quản lý thuế TMĐT là bất kỳ khoản thanh toán nào cho các doanh nghiệp TMĐT đều phải được thực hiện qua tài khoản ngân hàng thương mại, hoặc tài khoản thanh toán trung gian đã đăng ký trước với cơ quan thuế. Đây được xem là biện pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm việc thu thuế công bằng, hiệu quả đối với tất cả cá nhân, tổ chức thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, ngăn ngừa hành vi né, trốn thuế của các cá nhân có hoạt động trên môi trường TMĐT xuyên biên giới.

Từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý để chống thất thu
LS Choi Ji Ung

Để có thể quản lý thuế TMĐT một cách hiệu quả, ngành Thuế phải phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại để quản lý các nguồn tiền qua tài khoản được sử dụng cho các hoạt động quảng cáo qua Facebook, Youtube, Google,… Qua đó, cơ quan quản lý có thể xác minh được các đối tượng đang thực hiện hoạt động kinh doanh TMĐT; từ đó có thể thực hiện quản lý đối với thu nhập phát sinh từ hoạt động này. Việc kiểm soát các tài khoản tại các ngân hàng thương mại cũng sẽ giúp cơ quan thuế kiểm soát được các luồng tiền ra, vào các tài khoản này để xác định các luồng tiền đó có phải là để chi trả cho việc mua, bán hàng hóa hay không.

Tuy nhiên, để nâng cao công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, cơ quan thuế cần phải phối hợp với cả Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành xác định nhân thân của người nộp thuế. Cùng với đó, bên cạnh ngân hàng thương mại, dữ liệu từ các website TMĐT, công ty trung gian vận chuyển, ví điện tử cũng cần được thu thập để xác định các hoạt động mua bán, các dòng tiền, thực hiện tốt hơn công tác quản lý thuế.

* ThS. Nguyễn Thị Kim Chi - Đại học Tài chính - Marketing:

Thanh kiểm tra, đối chiếu thông tin với hoạt động thương mại điện tử

Từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý để chống thất thu
ThS. Nguyễn Thị Kim Chi

Bộ Tài chính đã có Quyết định 2146/QĐ-BTC ngày 12/11/2021 về việc ban hành kế hoạch tổng thể thực hiện các giải pháp tại đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam”. Kế hoạch được xây dựng để triển khai trong ngắn hạn và dài hạn từ nay đến hết năm 2025. Theo đó, ngành Thuế sẽ phải tập trung các giải pháp tăng cường trong các công tác: tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; hiện đại hoá công tác quản lý thuế; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro; phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội có liên quan để trao đổi kết nối thông tin…; đồng thời thanh tra, kiểm tra, đối chiếu thông tin đối với hoạt động TMĐT.

Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng chính sách thuế áp dụng đối với dịch vụ số xuyên biên giới (DST - Digital service Tax). Việt Nam cần nghiên cứu hoàn thiện chính sách pháp luật về thuế để đánh thuế đối với các tổ chức nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam, nhưng phát sinh hoạt động kinh doanh và thu nhập tại Việt Nam, bởi đây là điều kiện cần để đánh thuế đối với các tập đoàn công nghệ đa quốc gia. Đồng thời, chúng ta tiến hành đàm phán lại các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần để cập nhập, bổ sung các khái niệm về cơ sở thường trú trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số.