Bộ KHĐT

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn.

Sáng 26/6, Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019 với chủ đề “Vai trò của cộng đồng DN trong phát triển nhanh gắn với bền vững” đã diễn ra tại Hà Nội.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, phát triển nhanh và bền vững là chủ trương, quan điểm nhất quán và xuyên suốt trong chiến lược phát triển của Việt Nam với mục tiêu phải phát triển kinh tế nhanh để tránh tụt hậu, giảm khoảng cách với các nước đang phát triển. Đồng thời phải duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Đánh giá cao chủ đề diễn đàn lần này là “Vai trò của cộng đồng DN trong phát triển nhanh gắn với bền vững”, Phó Thủ tướng cho rằng, DN chính là chủ thể, là lực lượng hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ. Với tinh thần DN đồng hành cùng Chính phủ, Phó Thủ tướng mong muốn lắng nghe các ý kiến góp ý thẳng thắn, xây dựng, những giải pháp cụ thể, thiết thực có các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi để thu hút nguồn lực, khuyến khích DN mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Đẩy mạnh cải cách tư pháp để tăng niềm tin cho DN

TS Vũ Tiến Lộc - đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cộng đồng DN Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực gần đây của Chính phủ trong việc tạo lập được một môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi. Dù vậy, môi trường kinh doanh trong nước vẫn còn những điểm nghẽn, cần có thêm nhiều nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương.

Cụ thể, Chủ tịch VCCI đề nghị cần đẩy mạnh việc cắt giảm gánh nặng thủ tục “hậu đăng ký” cho DN. Kết quả đầu ra PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) năm 2018 cho thấy có 16% DN cho biết phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ tất cả các giấy tờ cần thiết khác ngoài giấy chứng nhận đăng ký DN để chính thức đi vào hoạt động, chỉ tiêu này có dấu hiệu gia tăng trong 5 năm trở lại đây.

Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm như đất đai, thuế, đăng ký đầu tư, bảo hiểm xã hội... Trong khi chưa sửa được luật cần có ngay các hướng dẫn nhất quán, áp dụng thống nhất cho các địa phương và DN không để mỗi địa phương, cơ quan giải thích theo một kiểu.

Chủ tịch VCCI cũng đề nghị tạo thuận lợi hơn cho DN trong tiếp cận vốn. Điều tra PCI cho thấy có 37% DN trong nước hiện khó khăn trong tiếp cận vốn, phần lớn rơi vào nhóm có quy mô vốn nhỏ hoặc vừa. Đồng thời, cải cách hệ thống tư pháp liên quan đến DN để bảo đảm an toàn, an tâm khi kinh doanh.

“Chúng tôi đề nghị Chính phủ cần chủ động phối hợp với Toà án Nhân dân tối cao và các cơ quan tư pháp liên quan đẩy mạnh hơn nữa cải cách tư pháp, bảo đảm thủ tục xét xử các tranh chấp kinh doanh nhanh gọn, minh bạch và hiệu quả. Khuyến khích, mở rộng giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài và hoà giải thương mại. Kiểm soát và giảm thiểu tối đa các vụ việc hình sự hoá các quan hệ kinh tế. Thay đổi phương thức thanh tra kiểm tra DN hiện nay bằng phương pháp quản lý rủi ro, giảm chồng chéo” - TS Vũ Tiến Lộc cho biết.

Năng suất thấp, DN kiến nghị nâng giới hạn giờ làm thêm

Một vấn đề nữa được nhiều DN trong và ngoài nước quan tâm là giới hạn về làm thêm giờ. Theo TS Vũ Tiến Lộc, cần sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng mở rộng khung giờ làm thêm lên 400 giờ, không sử dụng hệ thống trả công luỹ tiến với thời gian làm thêm của người lao động, tăng lương tối thiểu ở mức hợp lý bảo đảm phù hợp với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Ông Kim Han Yong - Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho rằng, quy định về giới hạn số giờ làm thêm nghiêm ngặt đang làm cản trở cả người lao động và người sử dụng lao động. DN gặp nhiều vướng mắc do giới hạn số giờ làm thêm là 4 giờ/tuần, 30 giờ/tháng, 200 giờ/năm, chỉ với một số ngành nghề cần tập trung nhiều lao động như may mặc, dệt may, giày dép được mức 300 giờ/năm. Trong khi đó, năng suất lao động Việt hiện còn khá thấp, không đảm bảo sản xuất cho các DN có tính thời vụ, phải đảm bảo tiến độ hợp đồng.

Tại Hàn Quốc, số giờ làm thêm được công nhận khoảng 600 giờ/năm, tức 12 giờ/tuần, trong khi Việt Nam lại áp trần mức 200 giờ/năm, ông Kim Han Yong cho biết.

Đồng thời, Chủ tịch KoCham cũng kiến nghị sửa đổi phương án tính tiền làm thêm giờ. Quy định phải chi trả tiền lương làm thêm giờ ít nhất 300% đối với ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hưởng lương, và theo điều khoản này thì tiền lương làm thêm giờ không bao gồm trong tiền lương của ngày làm việc vào ngày lễ, tết, ngày nghỉ hưởng lương này.

Do đó trên thực tế, vào ngày nghỉ lễ, DN phải chi trả mức tiền lương 400% dẫn tới DN phải chịu gánh nặng chi phí lớn. Do đó, Hiệp hội DN Hàn Quốc kiến nghị nên loại trừ điều khoản này để tiền lương làm thêm giờ của các ngày này bao gồm cả tiền lương của ngày đó giống như tiền lương làm thêm giờ vào ngày thường, ngày nghỉ theo tuần.

Bên cạnh đó, ông Kim Han Yong cũng cho rằng bảng lương theo Bộ luật Lao động hiện nay tạo giới hạn lớn trong việc điều hành nhân lực của DN. Trên thực tế, sự chênh lệch về mức lương cấp trên và cấp dưới có khoảng cách rất lớn. Do đó, để đảm bảo tính tự chủ trong điều hành DN, cần phải sửa đổi theo hướng xóa bỏ bảng lương hoặc áp dụng tự do.

Mới đây, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã đề xuất nâng mức giới hạn giờ làm thêm lên 300 giờ/năm. Tuy nhiên, các DN, đặc biệt DN thâm dụng nhiều lao động cho rằng khung giờ làm thêm này chưa đủ bù đắp thiếu hụt về năng suất lao động thấp.

Báo cáo của Nhóm công tác Nguồn Nhân lực của VBF 2019 cho rằng, việc nới lỏng mức trần của số giờ làm thêm là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, giới hạn này vẫn còn thấp hơn mức trung bình của khu vực. Do đó, Nhóm Công tác đề xuất các văn bản hướng dẫn thực hiện không cấm nhân viên làm việc thêm giờ vượt quá mức trần này nếu họ có nguyện vọng như vậy để tăng thêm thu nhập.

Hoàng Yến