Thông tin trên được chia sẻ tại Hội thảo “Dịch vụ Tài chính thương mại quốc tế, logistics và dịch vụ phát triển kinh doanh”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương mại Quốc tế Bangladesh (ICC) phối hợp tổ chức, ngày 21/4.
Chia sẻ thông tin tại hội thảo, ông Vũ Quang Minh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Bộ Ngoại giao cho rằng, Bangladesh là quốc gia xuất khẩu các sản phẩm chủ lực như thực phẩm, xi măng và Việt Nam luôn mong muốn được hợp tác với Bang ladesh, tuy nhiên khung thương mại và các hoạt động cũng cần phải cải thiện hơn nữa để bắt kịp với nhu cầu hợp tác giữa hai quốc gia.
![]() |
Tại hội thảo, Thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Bangladesh cũng đã được ký kết |
“Với tư tưởng này chúng tôi mong muốn thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai quốc gia như là tham gia vào các Ủy ban cấp Bộ trưởng để có thể hợp tác, đồng thời mong muốn hội đồng kinh doanh Bangladesh sẽ tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận hợp tác năng động hơn”, ông Minh cho biết.
Việt Nam và Bangladesh có nhiều điểm tương đồng, đặc biệt có đường biển chính là lợi thế cho thương mại hàng hải và logistics, điều này sẽ mở ra cánh cửa hợp tác mới, tiến tới mục tiêu đạt giá trị kim ngạch 1 tỷ USD vào năm 2016.
Hiện tại, theo ông Mohammad Shahab Ullah, Đại sứ Banglades tại Việt Nam, thương mại hai chiều giữa hai nước đang có xu hướng bị giảm đi, con số này vào năm 2014 là 758 triệu USD nhưng năm 2015 đã giảm xuống chỉ còn hơn 600 triệu USD.
Tuy nhiên, vị Đại sứ Banglades khẳng định: “Mặc dù thương mại có giảm song hai nước còn có rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy quan hệ thương mại. Tôi rất mong muốn VCCI cử đoàn đại biểu đến Bangladesh để có thể khám phá ra cơ hội mà Bangladesh mang lại cho Việt Nam, mở ra cánh cửa mới trong lĩnh vực tài chính thương mại".
Còn theo ông Mahbuhur Rahman - Chủ tịch ICC, Bangladesh luôn mong muốn tăng kim ngạch xuât nhập khẩu và hợp tác với Việt Nam.
“Chúng tôi mong muốn hợp tác nhiều hơn nữa và tăng tỷ trọng con số về kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia, dù còn nhiều vấn đề khác biệt trong lĩnh vực ngân hàng, xuất nhập khẩu… nhưng chúng tôi rất hân hạnh muốn hợp tác với Việt Nam để cùng bàn thảo, đặc biệt là trong giao dịch thương mại, hy vọng tương lai những vấn đề còn khác nhau đó sẽ giảm xuống, tạo tiền đề cho thương mại giữa hai quốc gia cùng tăng trưởng”, Chủ tịch ICC cho biết./.
Mai Đan