ông Dione

Ông Ousmane Dione trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội nghị PEMNA 2019. Ảnh: T.T.

Bên lề phiên khai mạc Hội nghị toàn thể Mạng lưới quản lý chi tiêu công tại châu Á (PEMNA) năm 2019, diễn ra tại Quảng Ninh, sáng ngày 22/5, ông Ousmane Dione đã trả lời phỏng vấn báo chí, trong đó đã đưa ra gợi ý chính sách cho Việt Nam.

PV: Ông đánh giá như thế nào về các chủ đề được thảo luận tại PEMNA 2019? WB có những hoạt động gì để hỗ trợ các quốc gia thành viên PEMNA triển khai những chủ đề này, thưa ông?

Ông Ousmane Dione: Tôi thấy rằng, những chủ đề lần này của PEMNA đặt ra rất quan trọng và là chủ đề rất đúng và trúng bởi vì quá trình hỗ trợ phát triển của PEMNA cũng sẽ giúp cho các quốc gia thành viên có thể đẩy mạnh hơn nữa quá trình phát triển trong khu vực.

Những vấn đề như quản trị kinh tế và quản lý nợ bền vững và an toàn là những vấn đề quan trọng mà các thành viên của PEMNA sẽ cùng trao đổi trong 2 ngày tới đây. PEMNA cũng sẽ là một khuôn khổ thiết yếu để cùng đảm bảo các quốc gia thành viên có thể chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau.

Chủ đề về huy động thu trong nước là nội dung nghị trình quan trọng đối với nhiều nền kinh tế ASEAN, bao gồm cả Việt Nam. Muốn trở thành quốc gia thu nhập cao, các quốc gia ASEAN phải từng bước nâng cao huy động thu trong nước. Khu vực Đông Á có tỷ lệ huy động thu trên GDP thuộc dạng thấp nhất so với các khu vực khác. Nhưng tăng thu phải được thực hiện minh bạch, công bằng và thuận lợi cho tăng trưởng.

Tôi cho rằng điều tuyệt vời là hai cộng đồng hành nghề của PEMNA là ngân sách và kho bạc đã thấy được tầm quan trọng của việc cần thảo luận về quản lý nợ bền vững. Trong hai hội nghị của IMF và WB gần đây tại Bali và Washington, các bộ trưởng tài chính đã nêu ra quan ngại lớn về bền vững, xét mức nợ công hiện nay.

Tất cả các quốc gia của chúng ta đều muốn tăng trưởng và tăng trưởng cao, vì vậy đều cần huy động cho chi đầu tư. Trong quá trình đó, chúng ta cần đảm bảo các dự án đi vay về để thực hiện, cần phải đảm bảo các điều khoản vay phải minh bạch và bền vững trong dài hạn.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về vai trò của WB trong việc hỗ trợ các quốc gia thành viên PEMNA thời gian qua?

Ông Ousmane Dione: WB đang thực hiện vai trò của mình nhằm hỗ trợ các quốc gia xử lý những thách thức trên. Chúng tôi có văn phòng ở hầu hết các quốc gia ASEAN (trừ Brunei), cũng như tại Đông Ti-mo, Mông Cổ và Trung Quốc. Tại nhiều quốc gia, WB cung cấp tài chính để hỗ trợ các mục tiêu phát triển và tăng cường năng lực thể chế của các quốc gia.

Không chỉ vậy, nhiều người có thể không nhận thấy rằng, WB còn thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho chính phủ. Chúng tôi có các chuyên gia kinh tế vĩ mô, chuyên gia về quản lý công và quản trị nhà nước đang phối hợp với các cán bộ của Chính phủ để chia sẻ thông lệ quốc tế tốt, để phản hồi các phương án chính sách đề xuất. Chúng tôi có những chuyên gia về kế toán dồn tích, chính sách thu, chính sách nợ, quản lý ngân sách, quản lý kết quả thực hiện công việc – đều là những chủ đề được bàn trong hai ngày tới đây.

Tôi cũng tin tưởng rằng, trao đổi kiến thức giữa các đồng nghiệp ở hội nghị này rất có giá trị và bổ sung cho công việc của WB. PEMNA đã tạo ra nền tảng để các chuyên gia hành nghề tài chính công xác định các vấn đề họ quan tâm, nhóm họp để trao đổi thẳng thắn về những gì có tác dụng và không có tác dụng. Họ có thể so sánh không chính thức những thông lệ của họ với các quốc gia khác, có thể thiết lập quan hệ với các chuyên gia hành nghề khác để trao đổi thêm. Vì những lý do trên, chúng tôi tự hào vì đã và đang hỗ trợ tích cực cho PEMNA kể từ khi thành lập đến nay.

PV: Ông có khuyến nghị gì cho các quốc gia PEMNA nói chung và Việt Nam nói riêng về tái cơ cấu ngân sách và quản lý nợ để đảm bảo bền vững tài khóa trong bối cảnh hiện nay?

Ông Ousmane Dione: Không có lời khuyên chung nào phù hợp cho tất cả và áp dụng chung cho tất cả các quốc gia PEMNA. Các quốc gia PEMNA rất đa dạng, điều đó phản ánh qua hiện trạng tài khóa của họ.

Chẳng hạn, tỷ lệ huy động thu trên GDP của Indonesia chỉ vào khoảng 13% so với Trung Quốc là trên 25%. Tương tự, mức nợ cũng rất khác nhau. Vì vậy mỗi quốc gia đều khác nhau và phải tự đối mặt với những thách thức tài khóa của riêng mình.

Tôi nghĩ điểm chung giữa các nước là một số nguyên tắc căn bản định hướng cho quản lý và chính sách tài khóa lành mạnh. Đó là độ tin cậy của ngân sách, minh bạch, hiệu suất phân bổ và thực hiện, kỷ cương tài khóa tổng thể.

Đối với Việt Nam, Chính phủ đã bắt tay thực hiện lộ trình củng cố tình hình tài khóa với mục tiêu giảm bội chi và ổn định nợ công.

Để đảm bảo bền vững trong dài hạn, tôi cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục cải cách hệ thống thuế để vừa ổn định về huy động thu vừa tạo ra môi trường thuế thuận lợi cho đầu tư và tăng trưởng. Về chi tiêu, cần giảm chi thường xuyên, bao gồm cả qua nâng cao hiệu suất chi.

Đồng thời, hiệu suất đầu tư công cũng cần được tăng cường. Quan trọng nhất là tiếp tục củng cố tình hình tài khóa sẽ giúp nâng cao lòng tin của nhà đầu tư đặc biệt trong thời kỳ hội nhập toàn cầu.

PV: Xin cảm ơn ông!

Minh Anh (ghi)