PV: Xin ông cho biết, Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ BA3 lên BA2 dựa trên cơ sở nào?

Ông Trương Hùng Long: Từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 7/2022, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã có 2 cuộc làm việc với các cơ quan liên quan của Việt Nam, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, để cập nhật các chính sách và dữ liệu quốc gia. Đặc biệt, cuối tháng 7/2022, lãnh đạo Bộ Tài chính Việt Nam, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, làm việc với Moody’s nhằm trao đổi thông tin, nắm bắt và cập nhật lại tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2022.

Việt Nam sẽ đạt mục tiêu mức xếp hạng tín nhiệm
Ông Trương Hùng Long

Theo đó, Moody's đã cập nhật những thành quả thực tế về tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam trong các quý gần đây; các dòng vốn đầu tư được phục hồi ngay cả trong điều kiện bối cảnh quốc tế khó lường; ngày càng có nhiều sự chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam; cũng như những tiến bộ được duy trì liên tục trong việc nâng cao năng lực thể chế. Qua đó, Moody’s có thể đưa ra những nhận xét khách quan nhất về mức xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam.

Thực tế, qua đánh giá và công bố của Moody’s ngày 6/9/2022, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và là 1 trong 4 quốc gia trên toàn thế giới được nâng bậc tín nhiệm, kể từ đầu năm đến nay.

Có 2 yếu tố quan trọng trong việc Moody’s nâng hạng cho Việt Nam từ BA3 lên BA2. Trước hết là sức mạnh kinh tế. Sức mạnh kinh tế ngày càng thể hiện rõ nét ở khả năng chống chịu của Việt Nam trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài, được Moody’s đánh giá là tốt hơn so với các nước cùng mức xếp hạng tín nhiệm, thể hiện hiệu quả chính sách được cải thiện. Moody's nhận định xu hướng tích cực này sẽ tiếp tục được duy trì khi nền kinh tế được hưởng lợi từ việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu, đa dạng hóa xuất khẩu và tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến chế tạo.

Yếu tố thứ hai, đó là nền tảng về chính sách tài khóa. Việt Nam đã thực hiện chính sách tài khóa thận trọng, lạm phát, bội chi được hạn chế và giảm xuống, nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Nền tảng tài khóa của Việt Nam được đánh giá là vững chắc hơn do được hỗ trợ bởi chi phí đi vay của Chính phủ được kiểm soát ở mức hợp lý, điều hành chính sách tài khóa thận trọng và tính thanh khoản danh mục của nợ chính phủ được cải thiện. Điều này cũng thể hiện xu hướng Chính phủ chuyển đổi dần từ vay ưu đãi nước ngoài sang huy động vốn vay trên thị trường trong nước với chi phí thấp và kỳ hạn dài hơn.

PV: Những yếu tố để Việt Nam được nâng hạng như ông vừa phân tích cho thấy chính sách điều hành kinh tế của chúng ta đã đi đúng chiều. Vậy, việc Moody’s nâng bậc triển vọng cũng như hạng tín nhiệm có ý nghĩa như thế nào với Việt Nam ở thời điểm này, thưa ông?

Ông Trương Hùng Long: Lần gần nhất Moody’s nâng hạng cho Việt Nam lên Ba3 là tháng 8/2018. Như vậy, sau 4 năm Moody’s đã quyết định tiếp tục nâng hạng cho Việt Nam. Trước đó vào năm 2021, tổ chức Moody’s đã nâng 2 bậc triển vọng của Việt Nam. Việc Moody’s đánh giá nâng hai bậc triển vọng đối với Việt Nam là chưa từng có tiền lệ trong xếp hạng tín nhiệm của tổ chức này trên toàn cầu kể từ đại dịch Covid-19, ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của nước ta vượt xa các quốc gia có xếp hạng tín nhiệm tương đồng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới.

Những kết quả nêu trên thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam để ổn định và phục hồi kinh tế vĩ mô, củng cố nền tảng chính trị - xã hội.

Nguồn: Bộ Tài chính  Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung

Còn việc nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam cũng có ý nghĩa hết sức tích cực, tạo hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế. Đối với Chính phủ, trong bối cảnh cần huy động các nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, việc nâng hạng góp phần giúp Chính phủ mở mang các kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển với chi phí hợp lý.

Đối với doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại góp phần đa dạng hóa nguồn tài chính, cải thiện chi phí huy động vốn nước ngoài.

Đối với quốc gia, góp phần nâng cao uy tín của quốc gia, mặt khác gia tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư quốc tế, giúp đẩy mạnh thu hút nguồn đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam.

PV: Ông có thể cho biết một số yếu tố trọng tâm cần tập trung cải thiện để Việt Nam nâng hạng lên mức xếp hạng tín nhiệm “Đầu tư” trong thời gian tới?

Ông Trương Hùng Long: Theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, hai trụ cột Việt Nam cần cải thiện: chất lượng thể chế, quản trị, công khai minh bạch dữ liệu và về khả năng chống chọi đối với các sự kiện bên ngoài.

Về quản trị, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện các chỉ số quản trị đã được công bố toàn cầu, nâng cao các tiêu chuẩn công bố dữ liệu và cải thiện chất lượng, tính kịp thời của dữ liệu cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Trong đó, sức mạnh thể chế thể hiện tính hiệu lực, hiệu quả của các chính sách và thực thi chính sách.

Đối với khả năng chống chọi với các sự kiện bên ngoài, cần cải thiện hơn nữa các vấn đề mang tính cơ cấu ở khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước để đảm bảo hạn chế các rủi ro tiềm ẩn từ nghĩa vụ nợ dự phòng đối với ngân sách nhà nước.

Đối với cải cách khu vực ngân hàng phải nâng cao tính hiệu quả của thực thi chính sách tiền tệ; tăng khả năng giám sát của khu vực ngân hàng và kiểm soát chất lượng tài sản.

Còn đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước, hiện vẫn còn tỷ lệ tương đối lớn, cần kiểm soát khu vực này cũng như giảm thiểu nghĩa vụ nợ dự phòng đối với ngân sách.

Những cải thiện rõ rệt trong xếp hạng tín nhiệm quốc gia

Những cải thiện rõ rệt nhất của Việt Nam trong trụ cột thể chế là việc lập kế hoạch chính sách tài khóa, cải thiện tính minh bạch. Dẫn chứng Moody’s đưa ra đánh giá này là do ghi nhận việc Chính phủ đã thực hiện các báo cáo để lập kế hoạch tài khóa và nợ trung hạn thường xuyên, bao gồm dự kiến bội chi ngân sách nhà nước 5 năm, trình Quốc hội phê duyệt và đã được công bố công khai.

PV: Xin ông nói thêm về những điểm nhấn mục tiêu trong việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam thời gian tới?

Ông Trương Hùng Long: Từ nay đến năm 2030, Chính phủ Việt Nam chủ động có đề án để từng bước tiến tới xếp hạng “Đầu tư” vào năm 2030. Với nền tảng về kinh tế, với quyết tâm về chính trị của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như với với các bước đi đã được định hình, cùng sự quyết tâm bền bỉ, kiên trì chúng ta sẽ đạt được mục tiêu xếp hạng lên mức “Đầu tư” vào năm 2030.

Khi đạt mức "Đầu tư" có nghĩa nhà đầu tư sẽ tin tưởng đủ khả năng trả nợ. Theo thang đánh giá xếp hạng tín nhiệm của Moody’s, mức Ba3 là mức khởi điểm xếp hạng đầu tư. Với việc Việt Nam đạt được mức Ba2 do Moody’s đánh giá, Việt Nam còn cách 2 bậc để đạt mục tiêu của đề án. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P) còn 1 bậc và Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings là 2 bậc.

Tôi tin rằng, trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ, toàn hệ thống chính trị sẽ quyết tâm để đạt được mục tiêu đề ra. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Moody’s, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng như tổ chức quốc tế khác để tiếp tục có đánh giá đầy đủ và cập nhật về hồ sơ tín dụng của Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!