Rừng

Rừng thường xanh ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: Khánh Linh

Ngày 22/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Ngân hàng Thế giới (WB) - cơ quan nhận ủy thác của Quỹ Đối tác Cacbon trong Lâm nghiệp (FCPF) sẽ ký kết "Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ". Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã trả lời báo chí xung quanh nội dung thỏa thuận chi trả này.

*PV: Thưa Thứ trưởng, được biết ngày 22/10, Bộ NN&PTNT và WB sẽ ký kết "Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ". Thứ trưởng đánh giá như thế nào về sáng kiến này?

- Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc (LHQ) năm 2015, Việt Nam đã tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong đó cam kết giảm phát thải 8% vào năm 2030 so với năm 2015, nếu có sự hợp tác giữa các quốc gia có thể giảm được đến 25%.

Ở sự kiện này, LHQ thành lập FCPF, chúng ta đã phối hợp chặt chẽ với FCPF và với nhiều tổ chức nhất là Na Uy. Năm 2018, FCPF đã công nhận Việt Nam cơ bản hoàn thành giai đoạn chuẩn bị, sẵn sàng thực thị giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng cacbon rừng, quản lý rừng bền vững và tăng cường trữ lượng các-bon rừng (viết tắt là REDD+). Chúng ta đã có Chương trình quốc gia về thực thi REDĐ+ và đã luật hóa chương trình này trong Luật Lâm nghiệp.

Năm 2018, Bộ NN&PTNN và FCPF đã ký Nghị định thư về việc Việt Nam là một trong những nước đầu tiên thực hiện chuyển sang giai đoạn mới là chi trả dựa vào kết quả giảm phát thải cacbon. Trong suốt hơn 1 năm qua, chúng ta đã đàm phán với FCPF thông qua WB để ký "Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ - (ERPA)".

Việc ký kết này có nhiều ý nghĩa. Trước tiên, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và toàn dân ta về giảm phát thải cacbon, mất rừng, suy thoái rừng… Điều này có nghĩa chúng ta chuyển sang cơ chế tính toán để lượng giá được lượng phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, chúng ta có nguồn tài chính mới ổn định và tăng lên trong tương lai do việc nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng.

Việt Nam thu hơn 51 triệu USD từ giảm phát thải cacbon
 Thỏa thuận này đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới đối với Việt Nam trong việc huy động nguồn lực mới cho bảo vệ rừng và nâng cao chất lượng rừng, quản lý rừng bền vững. Qua đó giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu giảm nhẹ biến đổi khí hậu với khát vọng lớn.   Ông Hà Công Tuấn

Nếu thực hiện đầy đủ cam kết này, từ nay đến năm 2025, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế cam kết giảm 10,3 triệu tấn cacbon và Quỹ FCPF sẽ chi trả cho chúng ta khoảng 51,5 triệu USD.

*PV: Thứ trưởng có thể cho biết việc sử dụng số tiền thu được từ thỏa thuận nàyđịnh hướng trong việc thực hiện ERPA?

- Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Với việc ký kết ERPA, Việt Nam chuyển nhượng cho FCPF 10,3 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2018-2024. Bù lại, FCPF sẽ thanh toán cho dịch vụ này là 51,5 triệu USD.

Việc chi trả được thực hiện trong 3 đợt, đợt sớm nhất có thể được thực hiện ngay trong năm 2021, với nguồn kinh phí khoảng 10,5 triệu USD từ ERPA.

Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương và là quốc gia thứ năm trên toàn cầu ký ERPA. Các thỏa thuận chi trả giảm phát thải là công cụ mới nhằm khuyến khích quản lý đất đai bền vững ở quy mô lớn và giúp kết nối các quốc gia với các nguồn tài trợ khác về khí hậu.

Đến nay, nguồn kinh phí cam kết đóng góp cho FCPF để chuẩn bị sẵn sàng và thực hiện chi trả cho dịch vụ giảm phát thải từ rừng đã lên tới 1,3 tỷ USD. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các nỗ lực đảm bảo sự cân bằng giữa bảo tồn và tái tạo rừng với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững trên trái đất mà Việt Nam là quốc gia đi đầu.

Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch chi tiết để thực thi ERPA, trong đó có một số việc phải rất khẩn trương. Đó là trình Chính phủ về quy định chính thức của Việt Nam về cơ chế tiếp nhận, đo lường cho trả tiền thu được từ dịch vụ cacbon. Tiếp đó, phải triển khai các biện pháp trên thực tiễn để đo lượng hấp thụ cacbon, nhưng quan trọng là làm sao giảm được suy thoái rừng, tăng được diện tích và chất lượng rừng.

Mặc dù chúng ta không còn nhiều dư địa để tăng diện tích rừng, nhưng chất lượng rừng phải tăng lên. Tăng được cái đó tức là tăng bể chứa cacbon, khi đó chúng ta có lượng hấp thụ cacbon cao hơn, đảm bảo cam kết trong thoả thuận ERPA, đồng thời Quỹ FCPF cũng cam kết trả cho chúng ta 5 USD/tấn hấp thụ cacbon, phần còn lại chúng ta có thể bán cho các đối tác khác.

*PV: Sau 6 tỉnh Bắc Trung bộ bán được tín chỉ cacbon, liệu còn những vùng nào trong tương lai có thể bán được tín chỉ này?

- Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Chúng tôi rất mong muốn cơ chế tín chỉ cacbon được triển khai trên diện rộng. Tuy nhiên, riêng nước ta muốn cũng không thể tự làm được, đây là thành quả của cả cộng đồng nhân loại. Chúng tôi hiểu rằng hợp tác với FCPF như là thí điểm mà chúng ta là người đi đầu để nhân rộng ra toàn cầu và bán tín chỉ cacbon này chủ yếu bán cho những người phát thải mà những người phát thải này ở nước ngoài là chính, chúng ta chưa nhiều. Chúng tôi cũng đang trình Chính phủ song song với cơ chế ERPA, sẽ có cơ chế cho thí điểm trong nước.

Về nguyên tắc, tất cả chỗ nào có rừng đều có thể hấp thụ cacbon và như vậy đều có tiềm năng tham gia thị trường cacbon. Chỉ có điều, đã gọi là thị trường phải có người mua, người bán, chúng ta đang mong muốn hình thành cơ chế tín chỉ bắt buộc, tức là người có phát thải cacbon bắt buộc phải chi trả cho người hấp thụ cacbon. Đây là cơ chế không chỉ của nước ta mà toàn cầu. Chúng ta đang hướng đến có thị trường bắt buộc về tín chỉ cacbon thì lúc đó tất cả những khu rừng có hấp thụ cacbon đều tham gia vào thị trường này.

Nếu thị trường sớm hình thành, tôi tin rằng nước ta sẽ là quốc gia hưởng lợi vì chúng ta không phát thải nhiều, mà hấp thụ tương đối lớn cacbon nhờ tỷ lệ bao phủ rừng rất cao...

*PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Khánh Linh (ghi)