Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời kỳ

Cách đây 68 năm, ngày 7/8/1956 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 997/TTg thành lập Cục Quản lý Dự trữ Vật tư Nhà nước trực thuộc Phủ Thủ tướng - tiền thân của Tổng cục DTNN ngày nay.

Ngay từ khi mới thành lập, Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước nhanh chóng thống nhất quản lý dự trữ nhà nước từ trung ương đến các địa phương với việc tiếp nhận cơ sở vật chất, kho tàng, hàng dự trữ từ các Bộ, ngành chuyển giao theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời tăng cường nguồn lực DTQG.

Để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ, tổ chức bộ máy và hoạt động của DTNN có nhiều thay đổi. Thực hiện cải cách nền hành chính nhà nước, gắn quản lý nguồn lực tài chính với nguồn lực DTQG, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 102/2000/TTg ngày 24/8/2000 chuyển Cục Dự trữ quốc gia về trực thuộc Bộ Tài chính.

Trong giai đoạn này, vấn đề cơ bản đặt ra là quản lý nguồn lực DTNN sao cho hiệu quả nhất; xây dựng, phát triển DTNN phải phù hợp với chiến lược phát triển Tài chính, đáp ứng chiến lược phát triển đất nước trong tình hình mới. Theo đó, từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về DTNN được ban hành từ Luật Dự trữ quốc gia đến các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn DTQG được ban hành đồng bộ.

Xây dựng lực lượng dự trữ quốc gia quy mô mạnh, ứng phó kịp thời các tình huống cấp bách
Xây dựng lực lượng dự trữ quốc gia quy mô mạnh, ứng phó kịp thời các tình huống cấp bách. Ảnh: Bích Nguyệt

Có thể khẳng định, tùy theo đặc điểm và yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, 68 năm qua, tổ chức bộ máy và hoạt động của ngành DTNN đã có nhiều thay đổi. Nhưng dù ở bất kỳ thời kỳ nào, hoàn cảnh nào ngành DTNN cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó, được nhân dân tin yêu.

Xuất cấp kịp thời hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ người dân

Trong chặng đường dài phát triển, ngành DTNN luôn khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “Tích cốc phòng cơ” mà Đảng và Nhà nước giao cho. Đặc biệt, trong những năm gần đây, hệ thống DTNN đã có những bước chuyển mạnh mẽ, thực hiện tốt những nhiệm vụ đột xuất, cấp bách trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; an ninh, quốc phòng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định kinh tế của đất nước.

Hệ thống kho DTNN được xây dựng, nâng cấp nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về quản lý hàng DTQG. Những năm gần đây, hệ thống kho DTQG được đầu tư tập trung phù hợp với quy hoạch; công nghệ bảo quản mới. Công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ; công tác thanh tra, kiểm tra quản lý chất lượng... cũng được chú trọng góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực của Nhà nước giành cho DTQG...

Tổng cục DTNN đã nỗ lực tham mưu giúp Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia (DTQG), trong đó phải kể đến việc xây dựng và hoàn thiện thể chế. Từ cơ sở pháp lý ban đầu là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến nay ngành DTNN đã có Luật Dự trữ quốc gia và các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhằm hướng dẫn và thể chế hóa Luật Dự trữ quốc gia tạo ra hành lang pháp lý giúp cho công tác quản lý Dự trữ quốc gia ngày càng hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, danh mục, cơ cấu mặt hàng DTQG từng bước được điều chỉnh phù hợp. Hàng DTQG được bố trí đều khắp trên 8 vùng kinh tế trong cả nước. Công tác cứu trợ, hỗ trợ luôn sẵn sàng, chủ động đáp ứng kịp thời các yêu cầu đột xuất, cấp bách do thiên tai, dịch bệnh,… gây ra.

Hằng năm, ngành DTNN đã xuất cấp hàng trăm ngàn tấn lương thực, nhiều mặt hàng vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn, vật tư nông nghiệp, trang thiết bị, phương tiện an ninh, quốc phòng và các chủng loại hàng hóa thiết yếu khác có giá trị hàng ngàn tỷ đồng.

Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia

Theo Tổng cục Dự trữ Nhà nước, trước những diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, một số vấn đề an ninh, quốc phòng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, đòi hỏi phải có tiềm lực dự trữ quốc gia đủ mạnh để chủ động ứng phó kịp thời các tình huống đột xuất, cấp bách phát sinh.

Xây dựng lực lượng dự trữ quốc gia quy mô mạnh, ứng phó kịp thời các tình huống cấp bách
Ngành Dự trữ cũng sẽ đẩy mạnh việc nghiên cứu, áp dụng công nghệ bảo quản tiên tiến, hiện đại. Ảnh: Thanh Thủy

Để tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia trong giai đoạn mới và sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước chi cho dự trữ quốc gia, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đề ra mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia; xây dựng lực lượng dự trữ quốc gia có quy mô đủ mạnh, danh mục mặt hàng chiến lược, thiết yếu, tiên tiến, hiện đại, có tần suất sử dụng nhiều để sẵn sàng, chủ động ứng phó kịp thời trong các tình huống đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, giai đoạn tới, nguồn lực dự trữ quốc gia phải được phát triển và củng cố, đảm bảo đến năm 2025, tổng mức dự trữ quốc gia gấp khoảng 2 lần năm 2020 và đến năm 2030, tổng mức dự trữ quốc gia gấp 2 lần năm 2025.

Cùng với đó, mức dự trữ quốc gia một số mặt hàng thiết yếu phải tăng dần hàng năm (nhất là mặt hàng lương thực, hàng quốc phòng, an ninh) nhằm đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ được giao trong mọi nhiệm vụ.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng đặt ra yêu cầu hệ thống kho đến năm 2030 phải cơ bản được xây dựng hoàn chỉnh theo hướng tiên tiến, hiện đại, quy mô lớn, tập trung tại các vùng chiến lược trong cả nước; phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh và thuận lợi trong quá trình nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia.

Nguồn vốn đầu tư kho dự trữ quốc gia phải được bố trí theo quy hoạch tổng thể hệ thống kho đến năm 2030 và quy hoạch chi tiết mạng lưới kho dự trữ quốc gia của từng bộ, ngành.

Ngành Dự trữ cũng sẽ đẩy mạnh việc nghiên cứu, áp dụng công nghệ bảo quản tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện khí hậu và kinh tế - xã hội của Việt Nam để bảo quản hàng dự trữ quốc gia đạt chất lượng tốt nhất.

Đồng thời thúc đẩy xã hội hóa và thu hút nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho dự trữ quốc gia để tăng cường tiềm lực và đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng cho dự trữ quốc gia.

Để tăng cường nguồn lực và quản lý, sử dụng hiệu quả hàng dự trữ quốc gia, giai đoạn tới, ngành Dự trữ quốc gia tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý (rà soát sửa đổi Luật Dự trữ quốc gia và các văn bản hướng dẫn thi hành), làm cơ sở cho việc quản lý, điều hành hoạt động dự trữ quốc gia.

Bên cạnh đó, cần bố trí ngân sách nhà nước để tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia theo hướng ưu tiên bố trí tăng dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm cho dự trữ quốc gia với mức tăng cao hơn mức tăng chi bình quân của ngân sách nhà nước. Tập trung mua sắm những mặt hàng chiến lược, thiết yếu, có tần suất sử dụng nhiều, có tác dụng ứng phó kịp thời trong tình huống đột xuất, cấp bách, đồng thời loại bỏ những mặt hàng không còn phù hợp ra khỏi danh mục chi tiết hàng dự trữ.

Ngành Dự trữ Nhà nước sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ hàng dự trữ quốc gia đảm bảo về số lượng, chất lượng, phối hợp với các địa phương để chủ động bố trí các nguồn lực chiến lược, quan trọng tại các địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai, dịch bệnh; sẵn sàng mọi nguồn lực để triển khai thực hiện xuất cấp hàng dự trữ quốc gia cho nhân dân các địa phương khi có tình huống cấp bách xảy ra.