Đổi mới hoạt động, quản lý hiệu quả nguồn lực dự trữ quốc gia
Các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực bảo quản an toàn hàng dự trữ, sẵn sàng xuất cấp hàng hóa. Ảnh: Đức Minh

Xuất cấp kịp thời hỗ trợ người dân

Trong thời gian qua, ngành Dự trữ Nhà nước đã nỗ lực triển khai nhiệm vụ, bám sát chương trình kế hoạch và đạt được một số kết quả nổi bật. Cục Dự trữ Nhà nước đã tổ chức xuất cấp kịp thời đảm bảo số lượng, chất lượng hàng dự trữ quốc gia (DTQG) để hỗ trợ người dân.

Chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách

Phát huy những thành tích đạt được, trong nửa cuối năm 2025, ngành Dự trữ Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ quản lý dự trữ quốc gia nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh.

Cụ thể, các Chi cục Dự trữ Nhà nước khu vực đã hoàn thành xuất cấp, vận chuyển và bàn giao gần 31.367 tấn gạo từ nguồn DTQG để trợ học sinh trong học kỳ II, năm học 2024 - 2025 cho các địa phương; hoàn thành xuất gạo DTQG cứu đói cho nhân dân dịp giáp hạt đầu năm 2025 trên địa bàn các tỉnh như: Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn…; xuất cấp gạo DTQG để hỗ trợ người dân thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng….

Cũng trong nửa đầu năm 2025, Cục Dự trữ Nhà nước thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động DTQG, phân bổ kế hoạch năm 2025, tổ chức triển khai đấu thầu mua gạo; thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng và bảo quản, bảo vệ an toàn hàng DTQG.

Theo đó, Cục Dự trữ Nhà nước đã tổ chức triển khai hiệu quả kế hoạch nhập 220.000 tấn gạo DTQG theo Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 6/3/2025. Sau 3 lần tổ chức đấu thầu (1 lần đấu thầu rộng rãi và 2 lần mua sắm trực tiếp), các Chi cục Dự trữ Nhà nước khu vực đã tổ chức đấu thầu thành công tổng số 220.000 tấn gạo.

Đến hết ngày 28/6/2025, các Chi cục Dự trữ Nhà nước khu vực đã nhập kho DTQG 220.000 tấn gạo, (trong đó có 6 Chi cục Dự trữ Nhà nước khu vực: II, V, IX, XII, XIV và XV đã hoàn thành trước thời hạn nhập kho 100% chỉ tiêu kế hoạch được giao).

Bên cạnh đó, trước diễn biến bất lợi của thị trường lúa, gạo trong và ngoài nước, thực hiện chỉ đạo khẩn trương của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 21/CĐ-TTg ngày 4/3/2025, Cục Dự trữ Nhà nước đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt và tinh thần trách nhiệm cao, nhanh chóng tham mưu cho Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền cho phép bổ sung kế hoạch mua tăng 280.000 tấn lương thực DTQG (gồm 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc).

Việc triển khai đề xuất chỉ trong thời gian ngắn, qua nhiều bước thẩm định và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, đã thể hiện rõ sự chủ động, kịp thời và quyết liệt của Cục Dự trữ Nhà nước trong việc ổn định thị trường, hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo cho nông dân, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các tình huống khẩn cấp, thiên tai và dịch bệnh.

Hoàn thiện cơ chế chính sách

Yêu cầu đặt ra với ngành Dự trữ Nhà nước ngày càng cao, nhất là trong việc chủ động ứng phó thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh lương thực, thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội và quốc phòng - an ninh.

Cục Dự trữ Nhà nước đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về DTQG; tham mưu Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng, từng bước hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, phù hợp với tình hình mới.

Hiện nay, Cục DTNN đang từng bước hoàn thiện bộ máy tổ chức theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Chỉ thị số 03/CT-BTC ngày 3/12/2024 của Bộ Tài chính về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy ngành Tài chính, trong đó có lĩnh vực Dự trữ Nhà nước. Ngày 26/2/2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Quyết định số 383/QĐ-BTC quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Dự trữ Nhà nước. Các quy trình nghiệp vụ, hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông tin đã được điều chỉnh thống nhất, đồng bộ, tạo nền tảng để bộ máy mới đi vào hoạt động hiệu quả.

Sau thời gian tích cực triển khai, đến nay, việc chuyển đổi mô hình từ Tổng cục Dự trữ Nhà nước sang Cục Dự trữ Nhà nước theo mô hình 2 cấp đã hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm tinh gọn, thông suốt, không gây xáo trộn trong công tác chuyên môn.

Các quy trình nghiệp vụ, hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông tin đã được điều chỉnh thống nhất, đồng bộ, tạo nền tảng vững chắc để đến thời điểm hiện tại bộ máy mới đã đi vào hoạt động hiệu quả. Cục Dự trữ Nhà nước cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hình thành nền tảng “Dự trữ số”. Đặc biệt là đã trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2025/NĐ-CP, đánh dấu bước tiến quan trọng trong phân cấp, phân quyền, đổi mới công tác quản lý nhà nước về DTQG.

Lãnh đạo Cục Dự trữ Nhà nước đánh giá, trong bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi; thiên tai, dịch bệnh tiếp tục có xu hướng phức tạp, yêu cầu bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh và ổn định kinh tế vĩ mô ngày càng cao. Vai trò của DTQG nói chung và hệ thống Dự trữ Nhà nước nói riêng càng được khẳng định rõ nét.

DTQG không chỉ là lực lượng hậu cần chiến lược, mà còn là công cụ điều tiết vĩ mô quan trọng của Chính phủ, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội, quốc phòng – an ninh và đối ngoại, đặc biệt trong các tình huống đột xuất, khẩn cấp.

Quy định trình tự, thủ tục thực hiện phân cấp trong lĩnh vực dự trữ quốc gia

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 60/2025/TT-BTC quy định về quy trình, trình tự, thủ tục thực hiện phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực dự trữ quốc gia và nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ.

Theo quy định mới, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia trong các trường hợp sau: kế hoạch nhập, xuất, luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia hàng năm; nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ trong các tình huống khi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố dịch bệnh xảy ra tại địa phương; phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hỏa, dịch bệnh, hỏa hoạn, cứu đói; khi giá cả thị trường tăng, giảm đột biến; đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh; phục vụ hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Thông tư số 60/2025/TT-BTC cũng quy định rõ quy trình, trình tự, thủ tục quyết định kế hoạch nhập, xuất, luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia hàng năm; quy trình, trình tự, thủ tục xuất hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ; nhiệm vụ của bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia và Cục Dự trữ Nhà nước trong xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ; nhiệm vụ của bộ, ngành quản lý lĩnh vực, UBND cấp tỉnh trong việc phân bổ, tiếp nhận, phân phối hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ;...

Thông tư số 60/2025/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025, thay thế Thông tư số 51/2020/TT-BTC.

Thông tư số 60/2025/TT-BTC hết hiệu lực kể từ ngày 1/3/2027 trừ các trường hợp sau: Bộ, cơ quan ngang bộ báo cáo Chính phủ đề xuất và được Quốc hội quyết định kéo dài thời gian áp dụng toàn bộ hoặc một phần Nghị định số 126/2025/NĐ-CP ngày 1/6/2025 của Chính phủ quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực dự trữ quốc gia; Nghị định số 126/2025/NĐ-CP ngày 11/6/2025 hết hiệu lực tại thời điểm các văn bản quy phạm pháp luật đó có hiệu lực. Minh Đức