Sửa quy định về giao dịch liên kết  tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung

Sửa đổi cho phù hợp với thực tế

Ngày 5/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 132/2020/NĐ-CP (Nghị định 132) quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Mục tiêu của việc ban hành Nghị định 132 nhằm chống chuyển giá đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có giao dịch liên kết. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, quy định này đang khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp theo mô hình tập đoàn kinh tế, công ty holding, công ty mẹ - con bị ảnh hưởng.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, quy định về trần chi phí lãi vay từ 10 - 30% là mức khống chế ở các nước phát triển. Việc áp dụng “thước đo” này với thực tiễn của Việt Nam là chưa thực sự phù hợp. Bởi, Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển với hầu hết các doanh nghiệp đều có vốn mỏng, đang trong giai đoạn khởi nghiệp và cần phải sử dụng nhiều vốn vay, việc thực hiện quy định này đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 132 thời điểm hiện tại là rất cần thiết, bởi một số quy định tại nghị định không phù hợp với thực tế. Trong đó, việc khống chế chi phí lãi vay chỉ ở mức 30% là chưa phù hợp với thực tế tại Việt Nam, khi các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản đều đang trong giai đoạn phát triển, cần vốn nhiều.

Đã thực hiện được 52.596 cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế

Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Tổng cục Thuế cho biết, tính đến ngày 27/10/2023, toàn ngành đã thực hiện được 52.596 cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, đạt 65,6% kế hoạch năm 2023. Trong đó, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 599 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết. Kết quả, đã truy thu, truy hoàn và phạt 1.226,3 tỷ đồng; giảm lỗ 10.429,4 tỷ đồng; giảm khấu trừ 39,7 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 4.004,5 tỷ đồng (trong đó thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu 465 tỷ đồng, giảm lỗ 8.753,8 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 2.827,1 tỷ đồng).

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, ngày 15/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP. Tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, rà soát, đánh giá để đề xuất việc cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết trong quý IV/2023, để tháo gỡ khó khăn, đáp ứng kiến nghị của doanh nghiệp. Theo đó, Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ cho Tổng cục Thuế thực hiện rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 132 và tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để đưa ra các kiến nghị, đề xuất.

Rà soát, phân loại rõ các giao dịch liên kết

Chia sẻ về vấn đề sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132, bà Tô Kim Phượng - Phó Cục trưởng Cục Thanh tra - Kiểm tra (Tổng cục Thuế) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết việc thi hành Nghị định số 132 và hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan. Sau khi tổng hợp ý kiến tham gia của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan, Tổng cục Thuế sẽ trình Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ theo đúng trình tự quy định, từ đó triển khai đúng tiến độ như yêu cầu của Chính phủ.

Bà Phượng cho biết, việc khống chế chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhằm hạn chế tình trạng chuyển giá thông qua lãi vay của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về việc các nước cần quy định ngưỡng giới hạn khấu trừ chi phí lãi vay trong khoảng từ 10% - 30% trên tổng lợi nhuận trước thuế chưa trừ khấu hao và lãi vay.

Xem xét sửa quy định về giao dịch liên kết tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Ảnh minh họa

Theo đó, Nghị định số 132 quy định mức khống chế chi phí lãi vay theo mức cao nhất là 30% là phù hợp với thông lệ quốc tế. Thực tế triển khai Nghị định 132, việc khống chế chi phí lãi vay trong trường hợp doanh nghiệp vay ngân hàng thời gian qua nhiều doanh nghiệp có kiến nghị bỏ quy định này.

Qua ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu, rà soát thực tế tại Việt Nam, việc vay vốn ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là hoạt động thường xuyên và phổ biến. Trên cơ sở kiến nghị của doanh nghiệp, Tổng cục Thuế sẽ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét sửa đổi.

Trao đổi về ý kiến nên phân loại rõ các giao dịch liên kết, tránh trường hợp các doanh nghiệp chỉ cho nhau thuê, mượn kho, trang thiết bị, hay là đào tạo nhân lực..., không có cơ hội lách thuế mà vẫn bị áp vào giao dịch liên kết, làm ảnh hưởng đến việc vay vốn của doanh nghiệp, bà Tô Kim Phượng cho biết, theo quy định tại Nghị định 132, doanh nghiệp có quan hệ liên kết và phát sinh giao dịch liên kết như cho thuê, mượn, vay tài sản hữu hình, tài sản vô hình..., thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định này để tránh việc sắp xếp làm thay đổi thu nhập tính thuế dẫn đến ảnh hưởng nghĩa vụ thuế phải nộp của từng doanh nghiệp.

“Trường hợp doanh nghiệp không có quan hệ liên kết, độc lập với nhau có phát sinh các giao dịch cho mượn kho, trang thiết bị, hay là đào tạo nhân lực..., thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định này. Như vậy, không phải tất cả các giao dịch đều là giao dịch thuộc phạm vị điều chỉnh của Nghị định số 132” - bà Tô Kim Phượng nhấn mạnh./.