Thu về ngân sách 500 tỷ đồng khi chấm dứt các dự án nông nghiệp chậm, muộn triển khai
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Huy Cường trả lời phiên chất vấn.

Phát hiện hơn 800 nghìn trường hợp vi phạm

Tại phiên chất vấn của Thường trực HĐND TP. Hà Nội về nhóm vấn đề vi phạm trong nông nghiệp ngày 12/5, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Huy Cường đã thông tin làm rõ thêm các vi phạm liên quan đất nông nghiệp. Theo ông Nguyễn Huy Cường, UBND thành phố đã chỉ đạo xử lý vi phạm, đã tổng thanh tra và phát hiện hơn 800 nghìn trường hợp vi phạm.

Riêng đối với việc nhiều diện tích đất nông nghiệp trong phạm vi nghiên cứu dự án, hoặc chậm triển khai chưa giải phóng mặt bằng, dẫn đến dân có tư tưởng chờ dự án, hoặc triển khai không đầy đủ, từ đó đất để không, hoang hóa gây lãng phí nguồn lực, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, HĐND TP. Hà Nội đã có nghị quyết và UBND TP. Hà Nội cũng có kế hoạch tổng rà soát toàn bộ 404 dự án liên quan chậm, muộn triển khai.

Quá trình kiểm tra, rà soát đã phát sinh thêm 173 dự án. Sau khi thực hiện Nghị quyết 04/NQ-HĐND Hà Nội 2022 về đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai của HĐND thành phố, các cơ quan liên ngành của thành phố đã ra quyết định chấm dứt với 15 dự án trên địa bàn; 44 dự án tiếp tục gia hạn 24 tháng, thu về ngân sách cho thành phố 500 tỷ đồng.

Yêu cầu thanh tra việc xử lý vi phạm trên đất nông nghiệp

21 lượt đại biểu phát biểu, 7 lượt đại biểu tranh luận, tái chất vấn về nguyên nhân chậm trễ trong thực hiện chính sách nông nghiệp đã được thành viên UBND TP. Hà Nội và các đơn vị trả lời rõ và đề ra được lộ trình khắc phục để nông nghiệp Thủ đô phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế.

Như vậy, toàn bộ quỹ đất giao cho chủ đầu tư thì chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm. Quá trình triển khai thực hiện, giải phóng mặt bằng liên quan phân cấp, phân quyền, thành phố đã giao cho quận, huyện trong công tác quản lý đất đai, thực hiện dự án chưa đúng theo chủ trương đầu tư như (biến tướng thành nhà chòi, khu sinh thái) thì địa phương phải xử lý nghiêm.

Với quỹ đất chưa giao nhà đầu tư, quá trình thực hiện dự án hệ thống mương, thuỷ lợi không đưa vào sử dụng nữa thì người dân có thể tận dụng hoặc với khu ngoài đất bãi bồi ở quận Long Biên, huyện Gia Lâm, Sở đã làm việc với các quận, huyện và lên phương án xác định là quỹ đất công, giao cho các đơn vị như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Ban quản lý dự án quản lý toàn bộ hai bên bờ sông.

Xử lý các vi phạm trên đất nông nghiệp cần có cái nhìn toàn diện
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh tiếp thu các ý kiến tại phiên chất vấn.

Xử lý nghiêm các vi phạm, không chờ báo chí phản ánh mới làm

Phát biểu tiếp thu tại phiên chất vấn, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nội thời gian qua đã đạt những thành tựu cơ bản; thành phố lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, ban hành hàng loạt chính sách, cơ chế thực hiện. Cả hệ thống chính trị có sự quan tâm đầy đủ, kịp thời với lĩnh vực này. Phiên chất vấn đã thể hiện, nêu rõ những tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân, cử tri với lĩnh vực nông nghiệp.

Theo ông Trần Sỹ Thanh, Hà Nội là 1 trong 3 tỉnh, thành phố còn nông dân, tỷ trọng nông nghiệp lớn nhất cả nước với 383 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (111 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao). Trong năm 2023, thành phố quyết tâm hoàn thành xây dựng nông thôn mới với tất cả các huyện.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng thẳng thắn chỉ rõ, nông nghiệp ở Hà Nội chưa phát triển được như mong muốn do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, song thực tế công tác quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp còn chậm. Đặc biệt, đối với việc xử lý các vi phạm trên đất nông nghiệp, Chủ tịch UBND thành phố phân tích cần có cái nhìn toàn cảnh, toàn diện.

Minh chứng cho việc này, ông Trần Sỹ Thanh cho biết: "Hơn 2 tháng trước, tôi đã chỉ đạo Văn phòng UBND thành phố lập tổ công tác, bay flycam ở 6 quận, huyện ven sông, chỉ rõ các vi phạm để xử lý. Không phải chờ báo chí phản ánh mới làm. Xử lý nghiêm các vi phạm, không cần rầm rộ truyền thông lấy thành tích”.

Liên quan vướng mắc về xây dựng trên đất nông nghiệp do quy định trong Luật Đất đai và đang được sửa đổi, Chủ tịch UBND thành phố cho hay, cần có sự nghiên cứu của chuyên gia, hướng dẫn cụ thể, quy hoạch rõ ràng. Liên quan các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị rà soát kỹ càng, xây dựng đầy đủ, sớm trình HĐND thành phố xem xét.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, trong nhiệm kỳ này, cơ bản thành phố sẽ hoàn thành các quy hoạch chi tiết; cùng với quy hoạch chung Thủ đô, khơi thông các vướng mắc và đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Thành phố cũng chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2023 xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư, trình HĐND thành phố thông qua.