PV: Công tác quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) thời gian qua được xã hội rất quan tâm. Với vai trò là cơ quan giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về TSC, xin ông cho biết một số kết quả của công tác này?

Xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công: Quy định đã rõ, cần siết chặt kiểm tra, giám sát
Ông Nguyễn Tân Thịnh

Ông Nguyễn Tân Thịnh: Công tác quản lý TSC là một bộ phận quan trọng trong công tác quản lý tài chính. Từ khi Quốc hội ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 đến nay, công tác quản lý TSC đã đạt được những kết quả quan trọng như: Đã hình thành được hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ và đồng bộ để thực hiện công tác quản lý, sử dụng TSC. Đã tạo ra cơ chế phân cấp quản lý, sử dụng TSC phù hợp trình độ phát triển kinh tế xã hội, tính chất quản lý, sử dụng TSC, năng lực quản lý của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị.

Đồng thời, công tác quản lý, sử dụng TSC đã được các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm triển khai thực hiện. Nhận thức và thực tiễn thực hiện có những chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng TSC.

Cùng với đó, cũng đã hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC để quản lý thông tin, dữ liệu của đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; nhà thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; xe ô tô các loại; tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản; công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung và tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, sử dụng TSC thời gian vừa qua.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Hồng Vân

Công tác quản lý, sử dụng TSC đã tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước (tổng số thu từ nhà, đất hàng năm chiếm khoảng 12% tổng thu ngân sách nhà nước - NSNN), góp phần thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách của Nhà nước, đặc biệt là đảm bảo cân đối ngân sách của các cấp chính quyền địa phương, thông qua các nguồn thu từ khai thác, xử lý TSC, nguồn thu từ giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất.

PV: Trong thực tế hiện nay, tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị, công tác quản lý TSC đã xảy ra một số sai phạm. Cụ thể như tại tỉnh Bắc Giang, Công ty CP Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bắc Giang đã tự ý thế chấp trụ sở cơ quan nhà nước để vay vốn ngân hàng. Tại tỉnh Đồng Tháp, công tác mua sắm TSC giai đoạn 2017 - 2020 đã có nhiều vi phạm trong công tác đấu thầu… Với những sai phạm này sẽ được xử lý như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Tân Thịnh: Hiện TSC được điều chỉnh bởi nhiều pháp luật có liên quan. Việc quản lý, sử dụng tài sản tại doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về dân sự... Việc lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Do đó, việc xử lý đối với các hành vi vi phạm (mang tài sản nhà nước đi thế chấp để vay vốn ngân hàng, vi phạm trong đấu thầu mua sắm TSC) sẽ được thực hiện theo các quy định pháp luật.

Nhiều chế tài xử phạt vi phạm quản lý tài sản công

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2019/NĐ-CP, Nghị định số 102/2021/NĐ-CP quy định cụ thể về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền xử phạt và trách nhiệm tổ chức thi hành đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công.

Đối với tài sản được sử dụng không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức; sử dụng sai mục đích, cho mượn; chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, sử dụng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự không đúng quy định; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định thì sẽ bị thu hồi. Ngoài ra, còn nhiều chế tài khác cũng được áp dụng khi có vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng TSC, Luật Quản lý, sử dụng TSC đã quy định rất rõ: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây thiệt hại cho Nhà nước thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

PV: Trước những tồn tại vẫn xảy ra trong thực tế hiện nay, Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính đã có những khuyến cáo gì đến các bộ, ngành, địa phương để phòng ngừa, ngăn chặn những vi phạm trong quản lý, sử dụng TSC?

Ông Nguyễn Tân Thịnh: Các chế tài để xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng TSC cơ bản đã được thiết lập một cách tương đối đầy đủ, đồng bộ và có tính răn đe. Vấn đề là ở khâu tổ chức thực hiện của các bộ, ngành, địa phương.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg năm 2019, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng TSC; thực hiện nghiêm Nghị định số 63/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSC; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã có nhiều văn bản đôn đốc, cảnh báo về vấn đề sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, về mua sắm tập trung... Cục Quản lý công sản đang nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Tài chính có văn bản khuyến cáo các bộ, ngành, địa phương để tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSC; chỉ đạo, đôn đốc cơ quan, người có thẩm quyền trong việc tổ chức thực hiện các quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSC.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm quy định về kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật người có thẩm quyền, trách nhiệm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

PV: Xin cảm ơn ông!

Vẫn còn những khó khăn nhất định trong quản lý tài sản công

Theo Cục Quản lý công sản, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý TSC vẫn còn những khó khăn nhất định: TSC có phạm vi rộng, do nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân quản lý, sử dụng; công tác xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện do nhiều cơ quan thực hiện. Thể chế, chính sách liên quan đến công tác quản lý, sử dụng chưa đồng bộ giữa các luật như: Luật Đất đai, Luật Đấu giá, Luật Đấu thầu…

Đồng thời, tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng TSC phụ thuộc nhiều vào quy định và công tác tổ chức thực hiện của pháp luật có liên quan: Pháp luật về định giá đất (do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì), pháp luật về đấu giá tài sản (do Bộ Tư pháp chủ trì), pháp luật về đấu thầu (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì)… Bên cạnh đó, một số cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức tới công tác quản lý, sử dụng TSC được giao. Chế tài chưa đủ mạnh để xử lý một cách triệt đối với các trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng TSC.