2 phó tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình xin từ nhiệm
Lịch sử giao dịch cổ phiếu HBC

Được biết, ông Lê Quốc Duy (sinh năm 1981) là cử nhân đại học Washington, thạc sỹ quản trị kinh doanh - Maastricht (Hà Lan). Ông Duy bắt đầu tham gia vào HBC từ năm 2007 và trải qua nhiều vị trí như giám đốc đầu tư, phó tổng giám đốc. Hiện ông Lê Quốc Duy cũng đang là thành viên HĐQT của HBC.

Trong cuộc “lùm xùm ghế chủ tịch” của HBC đầu năm 2023, ông Lê Quốc Duy là 1 trong 4 người (ông Nguyễn Công Phú, ông Dương Văn Hùng, ông Albert Antoine) không ủng hộ việc ông Lê Viết Hải tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT HBC.

Còn ông Dương Đình Thanh (sinh năm 1956) là kỹ sư cầu đường, cử nhân kinh tế. Năm 2007 - 2011, ông Thanh là giám đốc dự án ODA Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Giao thông Cửu Long (Bộ Giao thông vận tải). 3 năm tiếp theo, ông Thanh là phó giám đốc tư vấn quản lý dự án Metro Line 2, TP. Hồ Chí Minh.

Ông Dương Đình Thanh bắt đầu gia nhập vào HBC từ năm 2015 với vai trò là phó tổng giám đốc, rồi đến giám đốc văn phòng quản lý dự án (PMO) của HBC. Ông Thanh được bổ nhiệm chức phó tổng giám đốc tập đoàn từ tháng 3/2021.

Song song đó, từ ngày 8/3 đến ngày 13/3, ông Nguyễn Công Phú và ông Albert Atonie cũng xin từ nhiệm khỏi vị trí thành viên HĐQT độc lập của Tập đoàn Hoà Bình.

Trước đó, như TBTCVN thông tin, vào khoảng thời gian cuối năm 2022, đầu năm 2023, Tập đoàn Hoà Bình đã có cuộc “nội chiến” gay gắt giữa ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú cho chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Cụ thể, vào tháng 12/2022, ông Lê Viết Hải đã có đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch Tập đoàn Hoà Bình và được chấp thuận từ ngày 1/1/2023. Sau đó, Tập đoàn Hòa Bình có nghị quyết bầu bầu ông Nguyễn Công Phú giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kể từ ngày 1/1/2023.

Thế nhưng, sau khi ban hành 2 nghị quyết nêu trên, với lý do việc quản trị, điều hành doanh nghiệp đã phát sinh một số bất cập liên quan đến cơ chế hoạt động và vận hành của Hội đồng sáng lập, ông Hải đã rút đơn và muốn giữ lại chức vụ chủ tịch. Phía ông Phú cũng có những động thái phát thông cáo báo chí bác bỏ.

Đến giữa tháng 1/2023, Tập đoàn Hòa Bình thông báo về quyết định của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh với nội dung: "Buộc Công ty tạm dừng thi hành Nghị quyết số 50/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 14/12/2022, Nghị quyết số 51/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 14/12/2022, Nghị quyết số 53/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 31/12/2022 của HĐQT cho đến khi vụ việc được giải quyết bằng quyết định hay phán quyết của Hội đồng Trọng tài".

Sau những tranh cãi nảy lửa trong nội bộ, ông Lê Viết Hải tiếp tục giữ chức danh Chủ tịch HĐQT và người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn Hoà Bình.

Báo cáo tài chính của Tập đoàn Hoà Bình năm 2022 cho thấy, quý IV/2022, Hòa Bình đạt doanh thu 3.218 tỷ đồng và lỗ 1.202 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm, doanh thu của Hòa Bình đạt 14.123 tỷ đồng (tăng 24% so với năm 2021) nhưng lỗ tới 1.140 tỷ đồng. Dù lỗ sâu trong năm 2022, đến thời điểm cuối năm, vốn chủ sở hữu của Hòa Bình vẫn duy trì mức 2.643 tỷ đồng. Kết quả riêng quý IV đã kéo kết quả kinh doanh cả năm của công ty xuống mức lỗ 1.140 tỷ đồng.

Tại đại hội đồng cổ đông sắp tới, HBC dự kiến trình kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu mục tiêu 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng.

Theo lịch sử giao dịch, trong 10 phiên gần nhất (từ ngày 14/3 - 27/3), HBC có khối luợng giao dịch khớp lệnh trung bình 1.393.140 cổ phiếu/phiên. Vốn hoá thị trường hiện tại của HBC là 2.173,88 tỷ đồng. Cổ phiếu HBC ngày 27/3 đang được giao dịch ở mức giá 8.090 đồng/cổ phiếu.