Tuần này, lãnh đạo các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đang cùng hội tụ tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở San Francisco (Hoa Kỳ). Hội nghị thượng đỉnh này là diễn đàn quan trọng để các nước Đông Nam Á có thể chia sẻ mối quan tâm, tìm thấy tiếng nói chung và hình thành các liên minh chiến lược, cũng như thúc đẩy phát triển bền vững và tăng cường thương mại quốc tế.

APEC mở cánh cửa tiếp cận các thị trường đa dạng và hợp tác Nam - Nam hiệu quả cho Việt Nam
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Phiên Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC với các khách mời. Ảnh: BNG

TS. Santiago Velasquez cho rằng, với vai trò là một kênh điều phối hợp tác xuyên biên giới, APEC mang đến nhiều cơ hội cho các quốc gia như Việt Nam. APEC không chỉ thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế và khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam mà còn tạo sân chơi để thúc đẩy các hoạt động thương mại công bằng phù hợp với nhu cầu khu vực và toàn cầu.

“APEC đã góp phần giúp Việt Nam đạt con số FDI kỷ lục là 22,4 tỷ USD vào năm 2022. Điều quan trọng là APEC đóng vai trò nền tảng để Việt Nam có thể tiếp tục khẳng định mình là một trong những lựa chọn hấp dẫn nhất trong khu vực cho chiến lược “Trung Quốc +1” - ông dẫn chứng.

Các quốc gia có nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như Việt Nam đang chú ý đến các cuộc đàm phán về quy định thương mại và tìm cách tạo ảnh hưởng để môi trường thương mại toàn cầu thúc đẩy các hoạt động thị trường công bằng. APEC mang đến diễn đàn để vận động cho những chính sách đem lại sự công nhận và hỗ trợ phù hợp cho các nhu cầu riêng biệt của các nền kinh tế có quy mô nhỏ hơn và đang phát triển trong khu vực.

Theo vị chuyên gia của Đại học RMIT, cho đến nay, các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam vẫn đang theo đuổi đường lối trung lập thận trọng. Do đó, APEC nên đóng vai trò là nơi tìm kiếm sự cân bằng về ngoại giao.

Hơn nữa, APEC cũng cần được sử dụng như một cơ chế để xây dựng liên minh chiến lược với các quốc gia khác. Có nhiều quốc gia đang háo hức chờ đợi để gia nhập APEC (ví dụ: Bangladesh, Pakistan, Colombia, Panama và Ecuador). Đối với Việt Nam, quan hệ đối tác với các nước thành viên Mỹ La-tinh hiện tại và trong tương lai không chỉ giúp Việt Nam tiếp cận các thị trường kinh tế đó mà còn là cơ hội thúc đẩy đối thoại và hợp tác Nam-Nam.

Hợp tác Nam - Nam là hình thức hợp tác thúc đẩy phát triển hiệu quả thông qua học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn và công nghệ giữa các nước đang phát triển.

Đồng thời, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - một hiệp định thương mại tự do giữa các nước châu Á - Thái Bình Dương, cũng có thể đóng vai trò là hình mẫu cho chuỗi cung ứng linh hoạt và các hoạt động thương mại hướng tới tương lai.

“Tiềm năng mở rộng của APEC, trong đó có quan hệ mới với các nước Mỹ La-tinh, mở ra cánh cửa tiếp cận các thị trường đa dạng và hợp tác Nam - Nam hiệu quả, cũng như làm phong phú thêm bức tranh kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, sự liên kết của RCEP với các mục tiêu của APEC có thể góp phần đem lại hiệu quả cao hơn cho các hoạt động kinh doanh và củng cố các chuỗi cung ứng” - TS. Santiago Velasquez nhận định.