Bài 1: Bước chuyển quan trọng từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường
Bài 2: Sáng tạo, dám nghĩ, dám làm là "chìa khóa" thành công
Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng (nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội) thời điểm đó đang giữ cương vị Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ (thứ hai từ trái qua) trao Huân chương Lao động Hạng Ba cho DATC, năm 2009. Ảnh: DAT

Không có sáng kiến sẽ tụt hậu

Nhìn lại thành tựu mà DATC đã đạt được trong những năm qua, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ nhân viên công ty đều thấm thía giá trị của tinh thần dấn thân, của sự nỗ lực tìm tòi nghiên cứu với cái “tâm sáng”, được bắt đầu từ những người mở đường và liên tục được tiếp nối bởi những thế hệ cán bộ, lãnh đạo sau này của công ty.

“Làm việc phải có sáng kiến, từ khi thành lập đến cả quá trình hoạt động, DATC đã có rất nhiều sáng kiến về xây dựng cơ chế chính sách, điều hành công việc, nghiệp vụ chuyên môn. Sáng kiến là chìa khóa đi lên, không có sáng kiến sẽ tụt hậu” - ông Phạm Đình Soạn - nguyên Chủ tịch HĐQT DATC chia sẻ.

Nếu chỉ lo an toàn, sẽ không có DATC ngày hôm nay

“Có thể nói, bên cạnh sự quyết tâm, mỗi một cá nhân tham gia vào hoạt động này đều phải hết sức có “Tâm”. Bởi chỉ cần anh để bất kỳ một ý nghĩ thiên về quyền lợi cá nhân chi phối là có thể hỏng việc, hoặc hiệu quả công việc không cao như dự tính. Dùng đồng tiền của nhà nước để mua nợ nhà nước không phải là một việc đơn giản và an toàn. Nếu chỉ tính đến sự an toàn, có lẽ sẽ không có DATC như ngày hôm nay” .

Đơn cử, khi đi vào hoạt động, có những hoạt động công ty mua bán nợ thuận lợi nhưng cũng có những khoản không xử lý được, cổ phần hóa doanh nghiệp bị bế tắc. Khi đó, lãnh đạo công ty đã đề xuất 2 cơ chế.

Một là mua bán theo thỏa thuận, hai là mua theo chỉ định (quyết định của Bộ Tài chính, Chính phủ). Chỉ định khoản này mua giá bao nhiêu, mục tiêu để cứu doanh nghiệp, giữ việc làm cho người lao động; nếu lỗ, trừ vào lãi của doanh nghiệp nếu có, hoặc Nhà nước bù. Nếu không có sáng kiến này, nhiều khoản lỗ của doanh nghiệp sẽ không xử lý được, tiếp tục gây thiệt hại cho doanh nghiệp và cảNnhà nước.

Hay một sáng kiến khác liên quan đến việc nhiều tài sản loại trừ ra khỏi giá trị doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa, nhưng vẫn tái sử dụng được, nếu không có cơ chế xử lý để hỗ trợ doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ lãng phí lớn. Do đó, công ty đề xuất đưa vào quy chế của Chính phủ là DATC thu hồi tất cả những khoản này và bán để nộp ngân sách nhà nước, trích lại một phần để bù đắp chi phí. Việc này vừa giúp tiết kiệm, tránh lãng phí, hỗ trợ doanh nghiệp cổ phần hóa thuận lợi hơn.

Đây là một vài trong rất nhiều sáng kiến công ty đã đề xuất, thực hiện rộng rãi trong việc xử lý nợ của doanh nghiệp. Ngay như từ “xử lý” với ý nghĩa bao hàm rộng gồm cả mua nợ, bán nợ, tái đầu tư, hoàn thiện tài sản thu được để bán đi… cũng là một sáng kiến từ thực tế hoạt động của công ty.

Với tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm như vậy, công ty đã vượt qua nhiều thách thức, hạn chế cả về khách quan và chủ quan để từng bước đạt được nhiều thành tự quan trọng. Có những thời điểm, quyết định của lãnh đạo công ty sử dụng hàng nghìn tỷ đồng vốn nhà nước để mua nợ, dù theo đúng chức năng nhiệm vụ được giao, bị đánh giá là “liều”.

Tuy nhiên, qua thực tế chứng minh, các doanh nghiệp được DATC tái cấu trúc thông qua xử lý nợ đều có chuyển biến tích cực, thay đổi cơ bản về chất. Các doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng phá sản hoặc đình trệ trong hoạt động kinh doanh; tiếp tục phát triển, đóng góp cho ngân sách; tránh được việc hàng ngàn lao động mất việc làm. Nhà nước thu được các khoản nợ đọng thuế, nợ bảo hiểm xã hội hàng trăm tỷ đồng, kinh phí công đoàn đều được giải quyết và thanh toán triệt để…

Không vì khó khăn mà nản chí, buông tay

“Tôi chưa bao giờ cho rằng những quyết định của mình là “liều”. Đây là hoạt động tập thể với trí tuệ và quyết tâm của rất nhiều người. Và khi đã quyết định lựa chọn “cứu” doanh nghiệp, vấn đề cần xác định rõ là quyết tâm làm đến cùng, đạt hiệu quả cao nhất, chứ không phải là bằng mọi giá” - ông Phạm Phan Quang - nguyên Tổng giám đốc DATC khẳng định.

Một ví dụ cụ thể là cuộc “giải cứu” Công ty Sadico Cần Thơ năm 2006. Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa ngày 30/6/2006, Sadico có tổng tài sản là 168 tỷ đồng nhưng nợ phải trả tới 219 tỷ đồng, lỗ lũy kế 118 tỷ đồng. Rất nhiều nỗ lực tháo gỡ của UBND tỉnh Cần Thơ, thậm chí bản thân DATC từ 2 năm trước cũng đã từng đến Sadico khảo sát nhưng vẫn không tìm được giải pháp.

Chính vì thế, trong cuộc khảo sát sau đó, ban lãnh đạo Sadico tỏ ra rất hờ hững, không mấy mặn mà. Tuy nhiên, cân nhắc tiềm năng của doanh nghiệp, cũng như ý nghĩ xã hội không nhỏ, công ty đã quyết định thực hiện mua nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp.

Kết quả, sau thời điểm hoàn tất tái cơ cấu 1/7/2007, Sadico liên tục kinh doanh có hiệu quả với suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân trên 20% và trả cổ tức 30%/năm trong các năm sau đó…

Theo ông Phạm Phan Quang: “Nếu như trước sự hờ hững, bất hợp tác của doanh nghiệp, mà chúng tôi lại nản chí, hay vì tự ái cá nhân mà “buông tay”, cục diện của DATC đến nay có lẽ đã không thể được như bây giờ”.

Sau thành công này, với kinh nghiệm đã thu được, DATC tiếp tục mua và xử lý nợ gắn với tái cơ cấu thành công cho gần 200 doanh nghiệp thuộc các bộ, ngành trải dài từ Sơn La đến Cà Mau. Trong đó, có những doanh nghiệp vướng mắc công nợ tồn đọng qua hàng chục năm, Chính phủ đã chỉ đạo xử lý nhưng chưa thành công như Tổng công ty Dâu Tằm tơ và Tổng công ty Xây dựng Đường thủy… được xử lý. Qua hoạt động này, hỗ trợ giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần giải quyết nợ đọng bảo hiểm xã hội và thuế, thu lớn cho ngân sách địa phương.

Với số vốn nhà nước cấp ban đầu 2.000 tỷ đồng, qua 10 năm hoạt động đầu tiên, số vốn nhà nước tại DATC lên đến 3.000 tỷ đồng. Trong hoạt động xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp ở những năm đầu này, dù một số cơ chế, chính sách hoạt động còn rất “bó” nhưng DATC đã sử dụng hiệu quả, quay vòng nhanh số vốn được cấp ban đầu để xử lý được hơn 8.000 tỷ đồng nợ xấu cho nền kinh tế và tiếp tục thực hiện đàm phán xử lý hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xấu…

Nhiều đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động mua bán nợ

Trong quá trình hoạt động, xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn, DATC cũng đã liên tục có các đề xuất, kiến nghị tới các cơ quan hữu quan để xây dựng các cơ chế, tháo gỡ vướng mắc, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của mình, đồng thời cũng trở thành cơ chế thí điểm, tạo nền móng cho nhiều chính sách sau này về mua bán nợ nói chung.

Cụ thể như ban hành thông tư hướng dẫn cho DATC trong tái cơ cấu đối với các doanh nghiệp có giá trị thực tế doanh nghiệp thấp hơn các khoản phải trả khi thực hiện cổ phần hóa. Quy định cụ thể về xử lý các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo hướng tập trung bán nợ, khống chế thời hạn xử lý nợ, nếu quá thời hạn thì phải bán theo giá của tổ chức thẩm định trung gian.

Trong trường hợp nguồn vốn của DATC không đủ để thực hiện mua nợ gắn với tái cấu trúc doanh nghiệp thì đề nghị Nhà nước hỗ trợ vốn (có hoàn trả) cho DATC, hoặc phát hành trái phiếu DATC (được định kỳ định giá lại) để thực hiện xử lý nợ. Mặt khác, DATC cũng có các đề xuất về tháo bỏ các quy định đang “bó” hoạt động mua bán nợ xấu của các ngân hàng…

Bên cạnh đó, DATC đã chủ động đề xuất trình Bộ Tài chính tham gia dự án của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) để nâng cao năng lực hoạt động cho DATC thông qua chương trình hỗ trợ xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của DATC, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao quản trị doanh nghiệp...