Cần hoàn thiện quy định pháp luật thuế thương mại điện tử

Để chống thất thu thuế thương mại điện tử, Bộ Tài chính đã phê duyệt đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam”. Theo lộ trình, từ nay đến hết năm 2023, ngành Thuế sẽ tăng cường quản lý thông qua một số giải pháp quan trọng như: tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; hiện đại hóa công tác quản lý thuế; thanh tra, kiểm tra, đối chiếu thông tin đối với hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Với lộ trình dài hạn, đến trước năm 2025, ngành Thuế đề xuất sửa đổi các luật thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan đến quản lý thương mại điện tử; xây dựng đề án bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế.

Đề xuất giải pháp quản lý thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính), cho rằng về lâu dài cần sửa đổi quy định pháp luật về kê khai, nộp thuế, cần phát triển hệ thống tính thuế tự động gắn với không gian và thời gian thực của giao dịch trong nền kinh tế số. Đồng thời, Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng chính sách thuế đối với dịch vụ số xuyên biên giới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật thuế, pháp luật chuyên ngành liên quan để đáp ứng quản lý đối với thương mại điện tử trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển như vũ bão hiện nay.

Bài 3: Hiến kế chống thất thu thuế kinh doanh thương mại điện tử

Cần sớm hoàn thiện quy định pháp luật thuế thương mại điện tử để chống thất thu thuế. Ảnh: TL

Ông Trường cho rằng, công nghệ thông tin phải là nòng cốt gắn với các công nghệ hiện đại khác để kiểm soát các giao dịch kinh doanh của người nộp thuế, như: xây dựng phần mềm dò tìm tự động để phát hiện các giao dịch đáng ngờ trên Internet, làm cơ sở yêu cầu người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế; phát triển hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ việc kê khai, tính thuế, nộp thuế điện tử một cách thuận tiện nhất; ứng dụng các công nghệ tích hợp hiện đại (vật lý, sinh học…) để phát hiện dấu hiệu vận chuyển hàng trong mô hình thương mại điện tử thanh toán tiền mặt.

Ngoài ra, cần nghiên cứu thành lập trung tâm phòng chống trốn lậu thuế công nghệ cao thuộc Tổng cục Thuế để phục vụ quản lý thuế đối với người nộp thuế là tổ chức ở nước ngoài có giao dịch xuyên biên giới, cá nhân có thu nhập cao, các giao dịch không bằng tiền mặt (qua ngân hàng, tổ chức thanh toán trung gian, thanh toán ngang hàng P2P, tiền ảo,...).

Ở góc nhìn khác, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh – giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng ngoài cơ quan thuế, rất cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương đặc biệt là hệ thống các ngân hàng thương mại, trong công tác trao đổi thông tin, thu thập số liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu bảo đảm nâng cao hiệu lực quản lý về thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Chỉ khi có nguồn thông tin tin cậy cơ quan thuế mới đưa ra được các giải pháp quản lý thuế trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hiệu quả.

Cùng với đó, ngành Thuế cần đầu tư xây dựng các công cụ phần mềm chuyên dụng trong tìm kiếm dấu vết, phát hiện và xử lý giao dịch thương mại điện tử có gian lận, né thuế.

Ủy nhiệm cho sàn thương mại điện tử thu thuế

TS. Nguyễn Ngọc Tú - giảng viên Trường Đại học Kinh doanh - Công nghệ Hà Nội, cho rằng các sàn thương mại điện tử nước ngoài thực hiện thu thuế được vì hầu hết các thanh toán mua bán đều thực hiện không dùng tiền mặt. Còn đối với Việt Nam, mua bán hàng hóa online nhưng khi thanh toán là bằng tiền mặt. Vì thế, việc thực thu khấu trừ thuế người bán trên sàn thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ khó thực hiện hơn.

"Theo tôi, trước mắt cơ quan thuế phối hợp với các sàn thương mại điện tử thực hiện cung cấp thông tin về doanh số người bán hàng. Còn về lâu dài, cần có quy định thanh toán qua sàn bằng phương thức không dùng tiền mặt để có thể chống thất thu thuế" - ông Tú nói.

Tiếp tục phát huy hiệu quả ủy nhiệm thu thuế khoán qua bưu điện đối với các hộ cá nhân kinh doanh, ngành Thuế nên nhân rộng mô hình này sang các sàn thương mại điện tử thực hiện thu thuế hộ. Tuy nhiên, để có thể tạo thuận lợi cho các sàn thương mại điện tử thực hiện thu thuế dễ dàng, cần nghiên cứu thống nhất thuế suất hiện nay về 1 mức thay vì nhiều mức sẽ khó thực hiện; từ đó có thể thực hiện thu như nước ngoài là áp dụng tỷ lệ phần trăm thuế trên doanh thu phát sinh.

Đặc biệt, để khuyến khích các sàn thương mại điện tử thực hiện thu thuế hộ, Nhà nước cũng nên để lại một phần chi phí cho họ có thể trang trải chi phí vận hành thu thuế, thực hiện công tác ủy nhiệm thu.

“Việc đánh thuế trực thu đối với các nền tảng xuyên biên giới như: Google, Facebook, YouTube, Netflix… là không dễ dàng, do đó cần hoàn thiện thể chế như: bổ sung kinh doanh thương mại điện tử vào danh mục đăng ký kinh doanh; phân định rạch ròi hộ kinh doanh khoán thuế truyền thống nộp thuế riêng với thuế thương mại điện tử, không lẫn lộn giữa thuế truyền thống và thương mại điện tử tạo sự minh bạch dễ thực hiện; liên kết với nước thứ ba để quản lý thuế…. Ngoài ra, cần có chế tài phạt nặng buộc các nền tảng kinh doanh thương mại điện tử trong nước nói riêng và nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật” – TS. Nguyễn Ngọc Tú nhấn mạnh.