Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tại cuộc họp cuối năm của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp

Cổ phần hóa DNNN đạt kết quả tích cực

Mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước, nhất là các Tập đoàn, Tổng Công ty vẫn được duy trì, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.

Theo Bộ Tài chính, 796 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có tổng tài sản hơn 2,85 triệu tỷ đồng (năm 2013), tăng 12% so với năm 2012, trong đó khối các Tập đoàn (TĐ), Tổng công ty (TCT) có tổng tài sản hơn 2,63 triệu tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu tăng 15%, đạt hơn 1,14 triệu tỷ đồng. Tổng doanh thu là hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 1%, lợi nhuận trước thuế đạt 181.530 tỷ đồng, tăng 15%, nộp ngân sách nhà nước tăng 23%.

Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2013 là 16,47%. Một số TĐ, TCT có tỷ suất này cao như Viettel, Cienco4, Khánh Việt, Tân Cảng Sài Gòn, PVN, Vinachem (có tỷ suất từ 20-42,7%).

Dự kiến tổng doanh thu của các công ty mẹ trong năm 2014 đạt 917.570 tỷ đồng, tăng 22,08% so với kế hoạch và tăng 4,26% so với năm 2013. Tổng lợi nhuận trước thuế của TĐ, TCT đạt 107,16% so với kế hoạch đã đặt ra và bằng 83,39% số thực hiện năm trước. Nộp ngân sách TĐ, TCT đạt 105,7% so với kế hoạch và đạt 90,2% so với thực hiện năm 2013.

Tai cơ cấu DNNN

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì cuộc họp cuối năm của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp. Ảnh: VGP

Bộ Tài chính đánh giá mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước, nhất là các TĐ, TCT vẫn được duy trì, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đạt khá, đóng góp không nhỏ cho ngân sách nhà nước.

Còn theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, vai trò của DNNN ngày càng được khẳng định tốt hơn và rõ nét khi gắn liền với đổi mới cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp và công khai, minh bạch hoạt động DNNN.

“Nếu không có DNNN thì có nhiều nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước giao thì khối tư nhân không thể thực hiện được”, Phó Thủ tướng nói và dẫn chứng các hoạt động đầu tư lưới điện, viễn thông tới vùng hải đảo, vùng biên cương miền núi hay như việc đưa thành công hơn 1 vạn lao động của nước ta từ Libya về nước sau khi có biến động chính trị ở quốc gia này…

Tuy nhiên, nhìn nhận về vai trò và tiến trình phát triển của DNNN thì phải đánh giá thật khách quan thành quả mà DNNN đạt được cũng như những yếu kém cần phải khắc phục, Phó Thủ tướng nêu.

Những hạn chế này theo Bộ Tài chính là nhiều DNNN chậm đổi mới, không nắm bắt kịp thời nhu cầu phát triển của thị trường, không đáp ứng được yêu cầu quản lý, giám sát các nguồn lực mà Nhà nước giao. Bên cạnh đó là sức cạnh tranh thấp, kinh doanh thiếu tính dự báo gắn với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Do vậy, tái cơ cấu doanh nghiệp mà trọng tâm là DNNN với giải pháp quan trọng là cổ phần hóa sẽ giúp các DNNN đổi mới năng lực quản trị, tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực chính mà tư nhân không làm được hoặc khó làm, thu hút mạnh mẽ các nguồn đầu tư xã hội vào phát triển kinh tế.

Thoái vốn đều có lãi

Theo ông Phạm Viết Muôn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp tính đến 25/12, cả nước đã cổ phần hóa 143 doanh nghiệp (gấp 2 lần năm 2013) trong tổng số 432 DNNN phải cổ phần hóa trong 2 năm 2014- 2015.

Đặc biệt, tiến trình cổ phần hóa đang diễn ra tích cực tại các TĐ, TCT lớn như EVN, Vietnamairlines, Viettel, Vinatex, VNPT, Vinachem,… Cùng với cổ phần hóa, việc các DNNN thoái vốn đầu tư ngoài ngành cũng mang lại lợi nhuận cho Nhà nước khi thoái hơn 6.050 tỷ đồng giá trị sổ sách (chiếm 30% tổng số vốn phải thoái và gấp 6 lần năm 2013) thì thu về hơn 8.000 tỷ đồng, tức là bán 1 đồng vốn nhà nước thì thu về được 1,3 đồng. Duy chỉ có việc thoái vốn trong lĩnh vực chứng khoán thì chỉ bằng 98% giá trị sổ sách.

Lãnh đạo các TĐ, TCT đều khẳng định trong năm 2015 sẽ hoàn thành thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nhưng kiến nghị Chính phủ không nên “cực đoan” phải thoái vốn bằng mọi giá vì có những ngành có tiềm năng mang lại lợi nhuận hoặc đang mang lại lợi nhuận cho đồng vốn nhà nước.

Theo đó, Chính phủ có thể cho phép một tỷ lệ nhất định số vốn đầu tư ngoài ngành và kiểm soát qua hiệu quả lãi trên số vốn đầu tư.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, tiến trình cổ phần hóa DNNN và thoái vốn đầu tư ngoài ngành đã đạt được những kết quả cao trong năm 2014; khẳng định chủ trương của Chính phủ là “thoái vốn ngoài ngành có trật tự. Khoản đầu tư nào càng để càng lỗ thì bán ngay, còn khoản nào có lãi thì thoái vốn có lộ trình”.

Tuy nhiên, hoạt động tái cơ cấu DNNN vẫn còn có những tồn tại là: Tỷ lệ cổ phần hóa chưa đạt kế hoạch cần phải bán, lộ trình niêm yết doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán gặp khó khăn, một số Bộ, ngành triển khai chậm việc sắp xếp, ban hành điều lệ, quy chế tài chính của DNNN,…

Các doanh nghiệp đã bán cổ phần lần đầu rồi mà tỷ lệ bán vốn chưa đạt kế hoạch thì tiếp tục phải thực hiện, đồng thời nhấn mạnh các TĐ, TCT cố gắng không chuyển giao các đơn vị sự nghiệp về các Bộ, ngành mà trực tiếp cổ phần hóa các đơn vị này.

Phó Thủ tướng cũng cho biết Nhật Bản có kế hoạch cho Việt Nam vay tiền để tái cơ cấu DNNN với lãi suất thấp và giao các Bộ, ngành liên quan đàm phán phương án cụ thể với đối tác và các DN đề xuất phương án tái cơ cấu khi có nguồn lực này./.

Theo VGP