Thí điểm thu phí dùng tạm thời một phần hè phố ở 11 tuyến đường tại TP. Hồ Chí Minh
Quận 1 cho thí điểm 11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh, mua, bán hàng hóa.

Quận 1 sẽ thí điểm đối với 11 tuyến đường làm điểm kinh doanh, mua bán hàng hóa gồm Hoàng Sa (phường Tân Định); Mạc Đĩnh Chi (phường Đa Kao); Hải Triều, Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé); Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh (phường Bến Thành); Hàm Nghi (phường Nguyễn Thái Bình); Cô Bắc (phường Cầu Ông Lãnh); Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang); Trần Hưng Đạo trên địa bàn 4 phường (Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh, Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho).

Theo ông Dương Thanh Bình, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 1, người dân đăng ký sử dụng hè phố cần thực hiện thông qua phần mềm “tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời hè phố quận 1”.

Phần mềm này có thể tra cứu nhanh chóng chức năng hè phố tại vị trí số nhà cụ thể thông qua bản đồ số. Để tạo thuận lợi cho người dân, việc triển khai đăng ký, nộp phí được thực hiện trên nền tảng số, hạn chế dùng tiền mặt.

Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh cho biết việc quản lý và sử dụng hè phố trên địa bàn quận cần phải tăng cường chấn chỉnh và thực hiện nghiêm, đảm bảo hè phố tối thiểu 1,5m cho người đi bộ và không lấn chiếm lòng đường để tránh dẫn đến tai nạn giao thông.

Quận sẽ tiếp tục tổ chức rà soát, hoàn thiện danh mục các tuyến đường, hè phố đủ điều kiện tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa và trông, giữ xe có thu phí theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải.

Trước đó, qua rà soát, quận 1 có 52 tuyến vỉa hè đủ điều kiện sử dụng một phần tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hoá và 12 tuyến cho giữ xe có thu phí. Đây là những đường có vỉa hè rộng từ 3m trở lên, trong đó diện tích kinh doanh, buôn bán sẽ bố trí ở phía nhà dân và chừa lại ít nhất 1,5m cho người đi bộ, thông suốt liên tục.

Từ đầu năm 2024, TP. Hồ Chí Minh áp dụng quy định mới về quản lý lòng đường, hè phố, một số trường hợp được sử dụng và đóng phí với mức 20.000 - 350.000 đồng/m2, tùy theo khu vực.