Bán ngoại tệ, giải pháp “cầm chừng” trước bối cảnh các yếu tố bên ngoài còn phức tạp
Nguồn: NHNN Đồ họa: Phương Anh

Bán USD cho các ngân hàng đang âm ngoại tệ

Diễn biến tỷ giá trở thành một trong những “tâm điểm” của thị trường tài chính trong nước giai đoạn từ đầu năm đến nay. Đà tăng của tỷ giá xuất hiện từ đầu năm 2024, chậm lại trong giai đoạn Tết Âm lịch, nhưng quay trở lại sau đó. Sang tháng 4/2024, tỷ giá tiếp tục nóng lên ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có động thái can thiệp mở mức độ nhẹ thông qua hoạt động bán tín phiếu trên trường mở từ giữa tháng 3/2024.

Điều hành hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá

Tại Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước điều hành hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho biết thời gian qua, tỷ giá liên tục tăng nóng, thậm chí tăng kịch trần trong nhiều phiên gần đây. Trước tình hình đó, NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt, góp phần hấp thụ các cú sốc, kết hợp với phát hành tín phiếu nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản của đồng Việt Nam, qua đó giảm bớt áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá. Về cơ bản, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. Tỷ giá diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường và xu hướng của các đồng tiền quốc tế so với đồng USD.

Tuy nhiên, nhiều áp lực đối với tỷ giá vẫn còn tồn tại trong thời điểm hiện tại. Ông Đặng Trần Phục - Chủ tịch AzFin Việt Nam cho biết, mặt dù nền kinh tế xuất siêu liên tục thời gian qua, nhưng vẫn có các yếu khác tạo áp lực với tỷ giá. Chẳng hạn như, xuất siêu thời gian qua chủ yếu đến các doanh nghiệp FDI, nhưng các doanh nghiệp này sau giai đoạn kinh doanh có lợi nhuận thì họ cũng có nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước. Ngoài ra, một số chuyên gia cũng cho rằng, các nhà đầu tư chứng khoán ngoại sau giai đoạn bán ròng kéo dài suốt năm 2023 và đầu năm 2024 cũng có nhu cầu chuyển tiền VND thành USD để nắm giữ hoặc chuyển về nước.

Đến cuối tháng 4/2024, tỷ giá đã tăng khoảng gần 5% so với cuối năm 2023.Trước bối cảnh hiện tại của tỷ giá, NHNN đã thực thi giải pháp có tính mạnh tay hơn so với bán tín phiếu bằng cách bán USD từ nguồn dự trữ ngoại hối. Cụ thể, NHNN đã công khai bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0. Đại diện NHNN cho biết, đây là biện pháp rất mạnh mẽ của NHNN nhằm giải tỏa tâm lý thị trường, đảm bảo nguồn ngoại tệ thông suốt, đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế.

Giải pháp “cầm chừng” trước nhiều yếu tác động

Bán ngoại tệ, giải pháp “cầm chừng” trước bối cảnh các yếu tố bên ngoài còn phức tạp
Ảnh minh họa

Với hành động bán USD, NHNN đã thực hiện giải pháp mạnh hơn so với giải pháp chỉ mua bán tín phiếu trên thị trường mở. Mặc dù vậy, giải pháp này cũng chỉ được coi là giải pháp có tính chất “cầm chừng” để giải nhiệt phần nào việc tỷ giá có thể tiếp tục nóng lên. Hiện nay, NHNN vẫn còn có trong tay những công cụ khác có tính chất quyết liệt hơn, chẳng hạn như hạ lãi suất điều hành. Tuy nhiên, thực tế sau những “hiệu ứng phụ” đối với nền kinh tế đã từng xảy sau lần can thiệp hạ nhiệt tỷ giá bằng công cụ lãi suất giai đoạn nửa cuối năm 2022, cũng có quan điểm cho rằng việc tăng lãi suất của NHNN thời điểm đó là có phần vội vàng vì chưa thực sự cần thiết. Trong quan điểm gần đây của NHNN đối với lãi suất thời điểm hiện nay, cơ quan này cho biết sẽ điều hành phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, diễn biến thực tế về lãi suất cho biết, đến ngày 31/3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023. Tại thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm có một số thời điểm tăng mạnh chạm trần lãi suất điều hành, nhưng gần đây đã có phần hạ nhiệt. Lãi suất qua đêm hiện chỉ còn ở mức dưới 4%/năm.

Tuy nhiên, việc chỉ dừng ở công cụ bán ngoại tệ có thể cũng sẽ là thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ, bởi ngoài các yếu tố trong và ngoài nước đều đang có nhiều diễn biến khá phức tạp. Các công cụ dự báo gần đây cho thấy, lãi suất của Mỹ sẽ còn tiếp tục neo ở mức cao lâu hơn so với các dự báo đưa ra hồi cuối năm 2023 đầu năm 2024. Trong khi đó, thời gian qua một số ngân hàng trung ương trên thế giới đã giảm lãi suất, còn ECB cũng cho biết có thể cũng giảm lãi suất vào giữa năm mà không phụ thuộc vào hành động của FED. Các diễn biến này khiến cho đồng USD đang có xu hướng tăng trên thị trường tiền tệ quốc tế. Chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng USD đã tăng khoảng 5% kể từ đầu năm đến nay. Đặc biệt, trường hợp ECB hạ lãi suất, nhưng FED chưa hạ thì áp lực tăng giá của đồng USD có thể sẽ còn gia tăng.

Các diễn biến trên đang tiếp tục tạo ra áp lực lớn với tỷ giá VND/USD trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng có một số quan điểm cho rằng, sự lo lắng của thị trường tài chính - trong đó có những phiên giảm điểm sâu của chứng khoán trong nước - đang bị đẩy cao hơn bản chất của nó. Bởi lẽ, việc đồng VND mất giá so với USD diễn ra trong cùng bối cảnh chung khi các đồng tiền khác trên thế giới cũng mất giá so với USD. Hơn nữa, ông Đặng Trần Phục cho biết, tỷ giá tăng không phải mọi thứ đều tiêu cực mà vẫn có yếu tố tích cực, trong đó, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi từ đó có tác dụng kích thích xuất khẩu.

Phiên đấu thầu vàng đầu tiên, giá trúng cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng

NHNN Việt Nam vừa công bố kết quả phiên đấu thầu vàng miếng SJC sáng ngày 23/4. Theo đó, có 2 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng trúng thầu là 34 lô, tương ứng với 3.400 lượng vàng miếng SJC. Giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng.

Trước đó theo thông báo đấu thầu của NHNN, phiên đấu thầu thực hiện theo hình thức cạnh tranh giá, khối lượng vàng miếng của 1 lô giao dịch là 100 lượng, loại vàng là vàng miếng SJC được Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất. Tổng khối lượng dự kiến đấu thầu là 16,8 nghìn lượng, giá tham chiếu để tính giá đặt cọc là 80,7 triệu đồng/lượng.

Các thành viên tham gia đấu thầu phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Thông tư số 06/2013/TT-NHNN ngày 12/3/2013 của Thống đốc NHNN hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước và Quyết định 563/QĐ-NHNN của NHNN ngày 18/3/2013 về quy trình mua, bán vàng miếng.

Các thành viên phải đặt cọc 10% tổng giá trị dự thầu. Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô (tương đương 1.400 lượng vàng), khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu là 20 lô (tương đương 2.000 lượng vàng).

Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng, bước khối lượng dự thầu là 1 lô (tương đương 100 lượng vàng). Trong phiên đấu thầu lần này, mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 1 mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do NHNN công bố.

Như vậy, hoạt động đấu thấu vàng đã chính thức tái khởi động trở lại sau hơn 10 năm. Trước đó hồi năm 2013, NHNN đã tổ chức 74 phiên đấu thầu vàng, qua đó cung ứng ra thị trường 1.785.200 lượng vàng, tương đương hơn 68,6 tấn vàng.