Xung quanh vấn đề này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI).

PV: Sắp tới đây Việt Nam sẽ ký nhiều Hiệp định thương mại tự do, gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Ông đánh giá thế nào về tác động của hội nhập kinh tế đối với thị trường bảo hiểm Việt Nam?

Ông Ngô Trung Dũng: Hội nhập được dự đoán sẽ thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển. Đây là những yếu tố tích cực cho ngành bảo hiểm có thêm cơ hội phát triển, mở rộng thị trường, người tham gia bảo hiểm có thêm nhiều lựa chọn. Còn yếu tố tiêu cực là các DNBH phải chấp nhận cạnh tranh bình đẳng, mạnh mẽ với DNBH bên ngoài ngay trên sân nhà.

Bảo hiểm Việt lo ngại năng lực cạnh tranh thấp
Khi hội nhập, các DNBH Việt Nam sẽ có thêm cơ hội kinh doanh, với một thị trường chung ASEAN hơn 625 triệu dân, GDP trên 2.400 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng trung bình trên 5%/năm. Ngược lại, DNBH Việt Nam cũng sẽ gặp những thách thức mới từ sự cạnh tranh của các DNBH ASEAN khác ngay tại sân nhà.    Ông Ngô Trung Dũng

Cụ thể, khi tham gia AEC, DNBH từ các nước ASEAN có thể cung cấp dịch vụ bảo hiểm trực tiếp cho các cá nhân, tổ chức ở nước ASEAN khác (trong đó có Việt Nam); các cá nhân, tổ chức trong ASEAN có thể tự do mua các dịch vụ bảo hiểm ở các nước ASEAN khác. Đặc biệt các DNBH ASEAN được mở công ty, chi nhánh hoạt động ở nước ASEAN khác, các chuyên gia bảo hiểm có thể tự do kiếm việc làm, cung cấp dịch vụ ở các nước trong khu vực ASEAN…

PV: Vậy theo ông DNBH thuộc nước ASEAN nào nhiều khả năng sẽ mở rộng hoạt động sang thị trường Việt Nam?

Ông Ngô Trung Dũng: Tôi nghĩ là một số doanh nghiệp từ các nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia... sẽ mở rộng hoạt động sang thị trường Việt Nam. Giai đoạn đầu có thể là các DNBH từ Thái Lan bởi đây là thị trường tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm phi nhân thọ cao, có một vài công ty thực sự lớn về quy mô vốn, tổng tài sản… ở cấp độ khu vực ASEAN, có kinh nghiệm tốt và mạnh về tổ chức quản lý mạng lưới bán lẻ.

Singapore có thể lựa chọn cách tiếp cận thị trường Việt Nam khác, như thúc đẩy bán bảo hiểm qua biên giới, các dịch vụ trung gian và phụ trợ bảo hiểm (môi giới, tư vấn, giám định…), nhận tái bảo hiểm, tham gia các thị trường ngách Việt Nam còn yếu như bảo hiểm các rủi ro mạng, rủi ro đặc thù… Đây cũng là những lợi thế của họ.

PV: Doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam sẽ phải chuẩn bị những để sẵn sàng hội nhập, thưa ông?

Ông Ngô Trung Dũng: Đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ các DNBH đa số đến từ những Tập đoàn bảo hiểm lớn nên không có điểm yếu rõ rệt khi phải cạnh tranh với các DNBH của các nước khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, vẫn còn tồn tại nhiều bấp cập: Việc áp dụng công nghệ trong quản lý còn yếu; năng lực cạnh tranh hạn chế, chất lượng dịch vụ thấp, DNBH chủ yếu cạnh tranh bằng phí và hoa hồng…, đây thực sự là thách thức đối với DNBH phi nhân thọ.

Để giải quyết những hạn chế này, theo tôi cần áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, từ đó sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề, dẫn đến những cải tiến về sản phẩm, dịch vụ, quy trình quản lý, tiết kiệm chi phí, hạn chế trục lợi.

Đối với loại hình bán lẻ phục vụ tại chỗ như bảo hiểm xe máy có thể nghiên cứu trang bị cho đại lý thiết bị cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cầm tay có kết nối dữ liệu (hiện một số nước trong khu vực đang sử dụng)… Tất nhiên tùy thuộc vào quy mô và chiến lược phát triển của từng DNBH để đầu tư cho phù hợp.

Đối với những công ty nhỏ nên tái cơ cấu lại, xây dựng chiến lược kinh doanh vừa sức và xác định lĩnh vực có thế mạnh nhất định. Những công ty có kế hoạch phát triển sang thị trường khác (bán bảo hiểm qua biên giới, hiện diện thương mại…) ngoài việc nghiên cứu thị trường mục tiêu, điều kiện cần là phải có được xếp hạng của tổ chức quốc tế để vượt qua được những rào cản kỹ thuật (có thể có) của các nước khác... Và tất nhiên, một điều không thể thiếu nữa là các DNBH phải chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phát triển đại lý…

PV: Ông có nói AEC tạo cơ hội chuyển dịch tự do lao động có kỹ năng trong khu vực. Điều này tác động thế nào đến lao động ngành bảo hiểm Việt Nam thời gian tới, thưa ông?

Ông Ngô Trung Dũng: Theo tôi cơ hội việc làm sẽ rộng mở hơn với những lao động Việt Nam có kỹ năng (lao động bậc cao), họ có thể tự do tìm việc ở những thị trường bảo hiểm khác. Nhưng thẳng thắn mà nói, cơ hội việc làm ở những thị trường khác đối với cán bộ bảo hiểm Việt Nam không nhiều, do những hạn chế về ngoại ngữ, kỹ năng làm việc…

Ngược lại, sẽ có nhiều lao động các nước ASEAN phát triển hơn sang Việt Nam cạnh tranh về cơ hội việc làm, đặc biệt những lĩnh vực Việt Nam còn thiếu và yếu như chuyên gia tính phí, chuyên gia phân tích… Cơ quan quản lý có thể xây dựng các rào cản kỹ thuật để bảo vệ lao động trong nước mà không phạm luật (như yêu cầu lao động nước ngoài phải có chứng chỉ tiếng Việt)… Tuy nhiên, theo tôi cũng không cần thiết mà nên để lao động cạnh tranh tự do, qua đó mới nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực./.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hồng Chi (thực hiện)