Đầu tư cho phát triển thương hiện của doanh nghiệp còn hạn chế
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, thời gian qua mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, hoạt động quản lý nhà nước về SHTT ở cả trung ương và địa phương đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, có thể thấy so với số lượng doanh nghiệp đang hoạt động vô cùng lớn ở nước ta hiện nay với gần 800.000 doanh nghiệp, thì số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu còn chưa xứng với số doanh nghiệp hiện có. Các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến nhãn hiệu, thương hiệu của doanh nghiệp mình.
Báo cáo mới nhất của Cục Sở hữu trí tuệ cũng cho thấy, riêng trong lĩnh vực nông sản, có đến 80% doanh nghiệp chỉ chi ra 5% doanh số cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu.
Bên cạnh đó, nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ và quy luật trong sử dụng quyền SHTT trong kinh doanh vẫn chưa được các doanh nghiệp Việt nhìn nhận một cách đúng đắn nhất. Trong khi đó, thương hiệu là "linh hồn" của mỗi doanh nghiệp. Nếu mất thương hiệu không chỉ mất đi lợi thế cạnh tranh, mà còn mất uy tín, mất thị trường.
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nền tảng cốt lõi để doanh nghiệp Việt phát triển. Ảnh: TL |
Theo đánh giá các chuyên gia, việc Việt Nam đẩy mạnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đang mang đến nhiều cơ hội, nhưng cũng dẫn đến những cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Để có thể tồn tại và phát triển tại các thị trường có tính cạnh tranh khốc liệt, không còn cách nào khác, các doanh nghiệp Việt cần phải nghiêm túc trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu để đứng vững trong thị trường cả trong nước và quốc tế.
Một khó khăn nữa là, nhãn hiệu được bảo hộ theo lãnh thổ, nên doanh nghiệp có đăng ký ở Việt Nam cũng không có nghĩa sẽ được bảo hộ ở thị trường nước ngoài. Chi phí đăng ký thương hiệu ra nước ngoài ban đầu có thể khá cao so với khả năng tài chính của nhiều doanh nghiệp, nhưng sẽ không đáng là bao khi so sánh với chi phí mà doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra nếu rơi vào tình huống phải đi kiện tụng để lấy lại thương hiệu. Vì thế, doanh nghiệp có sản phẩm thương hiệu tốt có nhu cầu xuất khẩu, nên chủ động xin bảo hộ tại nước ngoài.
Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền SHTT
Trong bối cảnh việc gia nhập thị trường dễ dàng hơn, cũng như giao thương toàn cầu được đẩy mạnh, vấn đề sở hữu trí tuệ trở thành sức mạnh cạnh tranh. Một doanh nghiệp ngày càng đổi mới sáng tạo, có nhiều sáng chế giá trị và quản trị tài sản tốt hơn, doanh nghiệp sẽ ngày càng đi lên, giá trị thương hiệu ngày càng tăng.
Để khuyến khích doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề này, ông Phí cho biết, quyền lợi doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, quyền lợi của toàn bộ xã hội nói chung luôn là trọng tâm trong việc xây dựng các quy định trong các chính sách lớn của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi lần này, từ các khâu sáng tạo, xác lập quyền, bảo hộ quyền, cho đến khai thác và thực thi quyền SHTT.
Một trong ba mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi luật lần này là nhằm thi hành các cam kết trong các hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam tham gia gần đây. Các đề xuất để bảo đảm thi hành cam kết quốc tế được xây dựng trên cơ sở tận dụng tối đa, linh hoạt các điều ước cho phép, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nêu rõ, theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017, đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn được hỗ trợ thêm các vấn về sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đào tạo, thông tin, thương mại hóa.
Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước cũng hỗ trợ kinh phí triển khai các biện pháp bảo vệ và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Như kinh phí tổ chức trưng bày, triển lãm phân biệt sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; xác định, lựa chọn sản phẩm, tra cứu đánh giá sản phẩm được bảo hộ.
Một trong những chính sách quan trọng được đặt ra trong lần sửa Luật Sở hữu trí tuệ lần này là nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền SHTT. Theo đó, các quy định liên quan sẽ được sửa đổi nhằm bảo đảm cơ chế bảo vệ quyền SHTT được hợp lý và khả thi hơn. Việc nắm vững pháp luật về hệ thống sở hữu trí tuệ như quyền tác giả, nhãn hiệu, sáng chế, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh là nền tảng cốt lõi để doanh nghiệp Việt phát triển bền vững./.