Giãn, giảm hàng nghìn tỷ đồng thuế, phí tiếp sức cho doanh nghiệp

Năm 2022, Cục Thuế Bình Định triển khai nhiệm vụ thu ngân sách trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Tăng trưởng GRDP của Bình Định đạt 8,57%, nên mức thu ngân sách nhà nước (NSNN) cũng đạt mức ấn tượng, thu ngân sách đạt 15.480 tỷ đồng, bằng 139% dự toán, tăng 17,3% cùng kỳ (vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách 11.135 tỷ đồng được HĐND, UBND tỉnh giao).

Bình Định: Thu nội địa “cán đích” ấn tượng với hơn 15 nghìn tỷ đồng
Trong chuyến thăm và làm việc tại Cục Thuế Bình Định, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã dành nhiều lời khen đối với đơn vị, đặc biệt là việc ứng dụng CNTT trong quản lý thu thuế.

Nếu trừ tiền sử dụng đất, số thu đạt 8.536 tỷ đồng, đạt 119,6% dự toán, tăng 17,4% cùng kỳ. Nếu loại trừ 3 khoản thu tiền sử dụng đất, cổ tức, lợi nhuận được chia và xổ số kiến thiết ước thu được 7.442 tỷ đồng, đạt 123% dự toán, tăng 4,8% cùng kỳ; trong đó khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh ước thu được 2.750 tỷ đồng, đạt 114,6% dự toán, tăng 9,3% cùng kỳ.

Theo ông Nguyễn Đẩu - Cục trưởng Cục Thuế Bình Định, năm 2022 cục thuế tiếp tục kiên định mục tiêu: “Lấy người nộp thuế làm trung tâm; tiếp tục tiếp sức cho doanh nghiệp vượt khó để phát triển”; cùng với phương châm “Tận tâm lắng nghe, tận tình hướng dẫn và tận tụy giải quyết”. Trong năm 2022, đơn vị cũng xác định tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, giúp tăng tính hiệu quả, chuyên nghiệp, chuyên sâu và minh bạch trong mọi hoạt động quản lý thuế.

Tăng thu từ các lĩnh vực tiềm năng 1.123 tỷ đồng

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, cục thuế có thêm thời gian tập trung cơ cấu lại, khai thác các nguồn thu còn tiềm năng, dư địa và mới phát sinh; lũy kế cả năm cục thuế tỉnh đã khai thác thêm 1.123 tỷ đồng, trong đó cao nhất là số thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản là 345 tỷ đồng.

Nỗ lực trở thành “điểm tựa” cho doanh nghiệp, người dân vượt khó, Cục Thuế Bình Định đã tích cực triển khai kịp thời các chính sách thuế, các gói hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ tới tận tay đối tượng thụ hưởng; xử lý hoàn thuế nhanh chóng, đúng quy định để tiếp sức cho doanh nghiệp tăng tích lũy nguồn tài chính duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Đẩu cho biết, Cục Thuế Bình Định đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả, đảm bảo người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng tối đa liều “vắc - xin kinh tế” này với phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Tổng số thuế, phí, lệ phí miễn, giảm trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh là 1.622,7 tỷ đồng. Tổng số thuế gia hạn là 584,6 tỷ đồng.

Công khai quản lý thuế trên nền tảng công nghệ

Một trong những mặt công tác nổi bật của Cục Thuế Bình Định năm 2022 đó chính là số hóa toàn diện công tác quản lý thuế, đặc biệt là lĩnh vực hóa đơn điện tử. Đến cuối năm 2022, Cục Thuế Bình Định đã bao phủ công nghệ đến tất cả các đối tượng quản lý và các khâu trong công tác quản lý thuế. Từ ngày 15/11/2022, cục thuế dừng việc tiếp nhận và trả lời chính sách thuế bằng văn bản giấy để giải quyết hoàn toàn trên môi trường điện tử.

Bình Định: Thu nội địa “cán đích” ấn tượng với hơn 15 nghìn tỷ đồng
Cổng giao tiếp điện tử của Cục Thuế Bình Định có lượng tương tác lớn, bình quân 10.000 lượt/tháng.

Nhiều sáng tạo trong triển khai hóa đơn điện tử của Cục Thuế Bình Định đã được nhiều cục thuế địa phương học hỏi kinh nghiệm, như: xây dựng ứng dụng quản lý hóa đơn điện tử với nhiều phân hệ chức năng để nhận diện các hành vi, thủ đoạn gian lận thuế. Ứng dụng cho phép cục thuế truy vết nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ của từng doanh nghiệp.

Cục Thuế Bình Định cũng đã sáng kiến thành lập Tổ Giám sát hóa đơn điện tử để rà soát, phát hiện sớm các doanh nghiệp mua bán hóa đơn; theo đó, bước đầu đã phát hiện 8 doanh nghiệp có dấu hiệu sử dụng bất hợp pháp 4.522 hóa đơn với số tiền thuế giá trị gia tăng là 85,8 tỷ đồng; hiện đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang cơ quan công an điều tra, làm rõ.

Năm 2022, một trong những kết quả nổi bật của Cục Thuế Bình Định cùng với nỗ lực thu NSNN đó chính là sự thay đổi toàn diện phương pháp quản lý thuế theo hướng mở bằng phương thức công khai trên nền tảng công nghệ để thúc đẩy phản biện của người dân, doanh nghiệp và các cấp, các ngành cho sự tiến bộ trong công tác quản lý thuế.

Nếu như điểm đột phá trong năm 2021 là việc công khai toàn bộ thông tin quản lý hộ kinh doanh bằng ứng dụng bản đồ số, thì trong năm 2022, cục thuế mở rộng không gian kết nối với toàn xã hội bằng Cổng giao tiếp điện tử.

Với việc tích hợp tất các công cụ hỗ trợ, cảnh báo, công khai trên tất cả các lĩnh vực, Cổng giao tiếp vừa hỗ trợ người nộp thuế chấp hành đúng quy định pháp luật thuế; vừa giúp cơ quan thuế thúc đẩy tính tự giác của người nộp thuế và kịp thời chấn chỉnh, hoàn thiện bộ máy thông qua các ý kiến phản biện. Qua gần 7 tháng vận hành, Cổng giao tiếp đã tương tác với gần 70.000 lượt truy cập (bình quân gần 10.000 lượt/tháng) và có gần 97% lượt đánh giá hài lòng, rất hài lòng với hệ sinh thái hỗ trợ của cục thuế.

Có thể nói, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, cùng đoàn kết, sáng tạo, liên tục đổi mới, Cục Thuế Bình Định đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong năm qua. Những sáng tạo, đổi mới trong công tác quản lý thu thuế của đơn vị đã góp phần vào tăng thu NSNN, đóng góp vào thành công chung của ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung.

Khai thác tối đa các nguồn thu còn dư địa trong năm 2023

Năm 2023, dự toán tổng thu NSNN do cục thuế quản lý trên địa bàn tỉnh Bình Định được Bộ Tài chính giao là 10.629 tỷ đồng; tổng thu trừ tiền sử dụng đất là 7.059 tỷ đồng, trong đó khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh là 2.650 tỷ đồng.

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao trong năm 2023, Cục Thuế Bình Định xác định tiếp tục là “điểm tựa” cho doanh nghiệp, người dân vượt khó. Do đó, tích cực triển khai kịp thời các chính sách thuế, các gói hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ tới tận tay đối tượng thụ hưởng; xử lý hoàn thuế nhanh chóng, đúng quy định để doanh nghiệp có thêm nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ứng dụng công nghệ thông tin là thế mạnh vốn có của Cục Thuế Bình Định, do đó năm 2023, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, lấy nền tảng hóa đơn điện tử làm trung tâm phát triển các ứng dụng phục vụ hiệu quả cho công tác giám sát hồ sơ khai thuế, kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế và đặc biệt là ngăn chặn tối đa tình trạng mua bán hóa đơn. Đồng thời, thay đổi toàn diện phương thức quản lý, giám sát chặt chẽ và khai thác tối đa các nguồn thu còn dư địa, dự kiến tăng trưởng trong năm 2023 như: du lịch, xây dựng, khai thác khoáng sản, kinh doanh số, thương mại điện tử, bất động sản...; các dự án hết thời gian ưu đãi, khấu trừ thuế, các dự án mới đi vào hoạt động.