Bít lại “lỗ hổng” trong vận động quyên góp từ thiện của cá nhân
Nhiều hoạt động từ thiện đã hỗ trợ kịp thời cho người dân vượt qua khó khăn.

PV: Chính phủ vừa ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP (Nghị định 93) sửa đổi, thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP (Nghị định 64) về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố... Ông có bình luận gì về việc tiếp thu ý kiến đóng góp của ban soạn thảo về các nội dung trong nghị định mới này so với Nghị định 64?

Ông Phạm Quang Tú: Có thể thấy rằng, những thay đổi trong Nghị định 93 so với Nghị định 64 và dự thảo trước đây là khá tốt. Chúng tôi đánh giá cao việc Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các bên liên quan trong quá trình xây dựng nghị định. Khi so sánh giữa hai dự thảo hồi tháng 12/2020 và Nghị định 93 vừa mới ban hành, có thể nhận thấy ban soạn thảo đã tiếp thu khá nhiều những ý kiến đóng góp của các bên liên quan đối với quá trình hoàn thiện nghị định sửa đổi. Trong đó, đáng chú ý, ban soạn thảo đã bổ sung và làm rõ thêm các đối tượng áp dụng của nghị định gồm đối tượng tham gia vận động; tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện và người hưởng lợi. Đặc biệt, với đối tượng tham gia vận động, Nghị định 93 đã mở rộng đến hầu hết các tổ chức và cá nhân hiện đang tham gia vận động, cứu trợ trên thực tế hiện nay.

Bít lại “lỗ hổng” trong vận động quyên góp từ thiện của cá nhân
Ông Phạm Quang Tú

Bênh cạnh đó, Nghị định 93 cũng đã bổ sung các quy định nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp và đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động vận động tiếp nhận và phân phối sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện. Những quy định này được kỳ vọng sẽ góp phần đảm bảo tính hiệu quả của quá trình tham gia vận động đóng góp tự nguyện của các tổ chức và cá nhân có liên quan.

PV: Thời gian gần đây, câu chuyện sao kê, công khai từ thiện của một số nghệ sĩ như Thủy Tiên, Hoài Linh… khiến dư luận rất quan tâm và xôn xao, cho thấy cần quản lý tốt hơn vấn đề này. Các nội dung liên quan đến quản lý các nguồn đóng góp tự nguyện thông qua kêu gọi của cá nhân đã được đề cập trong Nghị định 93. Ông nhìn nhận như thế nào về những quy định này?

Ông Phạm Quang Tú: Đúng là thời gian gần đây, việc tham gia quyên góp từ thiện của các nghệ sĩ đang đặt ra vấn đề cần phải công khai, minh bạch và đảm bảo tính hiệu quả của các hoạt động vận động quyên góp từ thiện của các cá nhân, bao gồm các nghệ sĩ và những người nổi tiếng.

Khi so sánh giữa hai dự thảo hồi tháng 12/2020 và Nghị định 93/2021/NĐ-CP vừa mới ban hành, có thể nhận thấy ban soạn thảo đã tiếp thu khá nhiều những ý kiến đóng góp của các bên liên quan đối với quá trình hoàn thiện nghị định sửa đổi. Trong đó, đáng chú ý, ban soạn thảo đã bổ sung và làm rõ thêm các đối tượng áp dụng của nghị định gồm đối tượng tham gia vận động; tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện và người hưởng lợi. Đặc biệt, với đối tượng tham gia vận động, Nghị định 93 đã mở rộng đến hầu hết các tổ chức và cá nhân hiện đang tham gia vận động, cứu trợ trên thực tế hiện nay.

Trong Nghị định 93, đã có quy định cụ thể về cá nhân tham gia vận động. Chúng tôi nhận thấy những quy định này là phù hợp và góp phần giúp đảm bảo tính công khai, minh bạch và hiệu quả trong quá trình vận động từ thiện của các cá nhân. Hy vọng, những quy định này sẽ giúp “bít” lại lỗ hổng, đã dẫn đến những ồn ào, xôn xao trong dư luận gần đây đối với các cá nhân, nghệ sĩ tham gia vận động quyên góp từ thiện.

PV: Từ góc nhìn của một tổ chức có kinh nghiệm trong các hoạt động cứu trợ, từ thiện, theo ông, cần quản lý nguồn đóng góp cá nhân kêu gọi như thế nào cho chặt chẽ, tránh trục lợi hoặc lợi dụng để thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội?

Ông Phạm Quang Tú: Chúng tôi cho rằng, về cơ bản nghị định mới có thể giải quyết được những vấn đề trong câu hỏi trên. Tuy nhiên có thể thấy, các quy định này vẫn còn mang tính nguyên tắc. Vì thế, để mỗi một cá nhân hay một tổ chức khi tham gia vận động đảm bảo tính hiệu quả, chặt chẽ, tránh trục lợi thì bên cạnh việc quy định tại nghị định như hiện nay, rất cần có thêm các hướng dẫn cụ thể đối với hoạt động này. Điều đó giống như việc xây dựng một bộ cẩm nang cho các hoạt động vận động và cứu trợ, giúp cho các cá nhân, tổ chức nắm rõ để triển khai trên thực tế đảm bảo tính chuyên nghiệp, chặt chẽ, công khai, minh bạch và hiệu quả.

Bài học kinh nghiệm của Oxfam trong quá trình thực hiện cứu trợ nhân đạo trên toàn thế giới cho thấy, điểm quan trọng nhất là các tổ chức, đặc biệt là các tổ chức chuyên nghiệp cần xây dựng quy trình của mình để đảm bảo hiệu quả. Đây chính là kim chỉ nam để tổ chức hoạt động đảm bảo bài bản, chặt chẽ ngay từ khâu vận động đến khu tiếp nhận phân phối và sử dụng.

Kinh nghiệm thứ hai là cần phải đánh giá được thiệt hại cũng như nhu cầu của người dân và cộng đồng ở các nơi bị thiên tai, bão lũ và dịch bệnh. Bởi vì nếu chúng ta không đánh giá được thiệt hại cũng nhưng không đánh giá được nhu cầu của người dân thì nhiều khi những hỗ trợ sẽ không đúng với thực trạng của người dân không đúng nhu cầu của cộng đồng.

Điểm thứ ba là, trong quá trình triển khai các hoạt động từ thiện, cứu trợ, cần có sự phối hợp với chính quyền địa phương để tổ chức, phân phối các nguồn cứu trợ này đến đúng đối tượng và đảm bảo không chồng chéo, không lãng phí trong quá trình phân phối các nguồn đóng góp quý giá này từ xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cá nhân phải công khai khi kết thúc hoạt động từ thiện

Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định thống nhất và cụ thể hơn các nội dung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, cơ quan kêu gọi vận động, thời gian vận động, tiếp nhận, các nội dung chi từ nguồn đóng góp tự nguyện; tránh chồng chéo trong việc triển khai thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối.

Nghị định quy định phải đảm bảo vận động, tiếp nhận, phân phối các nguồn đóng góp tự nguyện hiệu quả, kịp thời; khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đồng thời, việc vận động, tiếp nhận và phân phối, đảm bảo công khai, minh bạch.

Một trong những điểm mới của Nghị định số 93/2021/NĐ-CP so với quy định trước đó. Cụ thể: về phạm vi hỗ trợ, ngoài việc vận động, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố, bổ sung thêm quy định về khắc phục khó khăn do dịch bệnh từ nguồn đóng góp tự nguyện.

Nghị định mới cũng quy định rõ việc phân phối nguồn đóng góp tự nguyện, có trách nhiệm thông báo với UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết, kể cả đối với những khoản đóng góp có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có).

Trong quá trình thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm theo dõi, ghi chép các khoản thu, chi và khi kết thúc cuộc vận động, thực hiện công khai về kết quả vận động, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện.