Ngày 20/1, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo trực tuyến "Tăng cường minh bạch và hiệu quả trong hoạt động cứu trợ và từ thiện tại Việt Nam", nhằm thảo luận các giải pháp tăng cường minh bạch và hiệu quả hoạt động cứu trợ và từ thiện tại Việt Nam.

Quy định chặt chẽ không hề làm khó hoạt động thiện nguyện

Đã có cơ sở pháp lý để đảm bảo minh bạch và hiệu quả hoạt động thiện nguyện
Ảnh chụp màn hình hội thảo trực tuyến.

Theo ông Phạm Quang Tú - Phó Giám đốc Quốc gia Oxfam tại Việt Nam, dù còn những bất cập trong các hoạt động cứu trợ và thiện nguyện ở Việt Nam trong thời gian qua, nhưng những điều đó không ảnh hưởng tới tinh thần thiện nguyện và tình tương thân, tương ái của người dân Việt Nam. Điều quan trọng là cần có các giải pháp nhằm đảm bảo công khai, minh bạch và dần hướng tới chuyên nghiệp hóa hoạt động này.

“Trong bối cảnh đó, chúng tôi hoan nghênh Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP. Nghị định 93 đã tạo khuôn khổ pháp lý tốt hơn cho hoạt động thiện nguyện của các cá nhân và tổ chức, quy định trách nhiệm giải trình về hiệu quả và minh bạch trong giải ngân nguồn đóng góp từ người dân” - ông Tú nhận định.

Theo đại diện Oxfam tại Việt Nam, bên cạnh việc mở rộng biên giới cho đối tượng tham gia hoạt động thiện nguyện, Nghị định 93 cũng đưa ra những yêu cầu để nâng cao tính trách nhiệm, giải trình, tính minh bạch, công khai của quá trình thiện nguyện một cách chặt chẽ, đảm bảo tính hiệu quả và nhất là đảm bảo lòng tin xã hội.

Ông Tú cho biết, sau 1 tháng có hiệu lực, Nghị định 93 đã nhận được nhiều đánh giá và phản hồi tốt so với Nghị định 64 cũ. Đáp ứng quy định của pháp luật, một số ngân hàng, app chuyên biệt về thiện nguyện đã ra đời và đem lại những kết quả tích cực.

Từ Ngân hàng MB Bank, bà Vương Diệu Hương cho biết, ra mắt từ tháng 9/2021 trong cơn bão “sao kê”, đến nay nền tảng Thiennguyen.app của ngân hàng này đã thu hút hơn 100.000 người dùng tham gia nền tảng, trong đó có hơn 500 cá nhân và tổ chức vận động gây quỹ, huy động được gần 20 tỷ đồng tiền ủng hộ cho hơn 100 chiến dịch.

Trước một số băn khoăn liệu những quy định chặt chẽ này có làm chặng đường thiện nguyện của các cá nhân, tổ chức dài thêm không? Ông Phạm Quang Tú cho rằng, những quy định chặt chẽ này không hề làm khó hoạt động thiện nguyện của các cá nhân, tổ chức. Ngược lại, nếu các cá nhân, tổ chức tuân thủ đúng những quy định trong Nghị định 93 thì hoạt động thiện nguyện sẽ minh bạch, hiệu quả, tránh những lùm xùm đáng tiếc xảy ra thời gian qua trong hoạt động kêu gọi cứu trợ, thiện nguyện của các nghệ sĩ, người nổi tiếng.

Theo ông Tú, Nghị định 93 có thể coi là khuôn khổ pháp lý đầu tiên cho các cá nhân tham gia vào quy trình thiện nguyện, được pháp luật công nhận và bảo vệ.

Bổ sung các chế tài xử phạt để đảm bảo tính răn đe

Bên cạnh việc ghi nhận những điểm mới, điểm tích cực trong Nghị định 93/2021/NĐ-CP sau 1 tháng có hiệu lực, Luật sư Nguyễn Tiến Lập (Văn phòng Luật sư NH Quang & Cộng sự) đã chỉ ra rằng, Nghị định 93 còn thiếu các quy định xử phạt hành chính cho những vi phạm trong hoạt động thiện nguyện.

Luật sư Lập đề xuất: “Nghị định 93 cần bổ sung các quy định về việc khuyến khích, động viên, ghi nhận các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp thiện nguyện như các cơ chế về thuế, khấu trừ thuế cho các tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động đóng góp từ thiện. Đồng thời bổ sung các chế tài về xử phạt hành chính để đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật”.

Bên cạnh đó, luật sư Lập cũng bổ sung thêm rằng, Nghị định 93 chỉ điều chỉnh hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo nên chưa bao trùm được hết tất cả các hoạt động thiện nguyện. Do đó, để hoàn chỉnh khung pháp luật về lĩnh vực này, cần tiến tới xây dựng một đạo luật về hoạt động từ thiện và phi lợi nhuận ở Việt Nam.

Theo ông Phạm Quang Tú, sau 1 tháng có hiệu lực, Nghị định 93 đã nhận được nhiều đánh giá và phản hồi tốt so với Nghị định 64 cũ. Tuy nhiên, từ quy định của pháp luật đến thực tiễn triển khai vẫn còn khoảng cách.

“Vì thế, để các hoạt động này triển khai trên thực tế có hiệu quả, chúng ta cần thúc đẩy và xây dựng hệ sinh thái thiện nguyện một cách tự nhiên và hài hòa giữa các bên. Hệ sinh thái này là sự kết nối, phối hợp giữa những người tham gia đóng góp, với các tổ chức, cá nhân đứng ra làm thiện nguyện, cùng với chính quyền địa phương và người dân nơi nhận cứu trợ, từ thiện. Mỗi bộ phận trong hệ sinh thái đó đều có vai trò, trách nhiệm liên quan chặt chẽ với nhau trong việc giúp tăng cường minh bạch và hiệu quả của hoạt động cứu trợ và từ thiện” - ông Tú nêu ý kiến.

Trên cơ sở đó, các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã đưa ra một số đề xuất nhằm tăng cường minh bạch, hiệu quả của hoạt động này gồm: xây dựng các hướng dẫn, cẩm nang cho các cá nhân, tổ chức làm cứu trợ, thiện nguyện không chuyên. Đại diện Oxfam tại Việt Nam đã giới thiệu “Hướng dẫn tự nguyện trong hoạt động cứu trợ”, nhằm chia sẻ nguyên tắc, các bước và khuyến nghị tới các tổ chức, nhóm và cá nhân tham gia các hoạt động cứu trợ nhân đạo có thể ra các quyết định cứu trợ và nhân đạo tốt và phù hợp nhất với từng bối cảnh thiên tai, thảm họa cụ thể tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, các cá nhân, tổ chức thiện nguyện cần xác định lĩnh vực cứu trợ, từ thiện theo hướng lâu dài, kết nối chặt chẽ với chính quyền địa phương và đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cứu trợ và thiện nguyện./.