Quyết liệt hơn bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng Mua hàng lấy hóa đơn - minh bạch kinh doanh, bảo vệ người tiêu dùng

Phải cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng

Tại sự kiện, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Minh bạch trong giao dịch trên không gian mạng bảo vệ người tiêu dùng
Ông Nguyễn Nhật Tân phát biểu tại sự kiện.

"Để công tác này đạt hiệu quả cao, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng vô cùng quan trọng. Các doanh nghiệp cần nhận thức rằng, việc tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng không chỉ là nghĩa vụ pháp lý, mà còn là yếu tố then chốt giúp xây dựng thương hiệu uy tín và phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt" - ông Nhật Tân nói.

Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, trong bối cảnh nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ, các giao dịch trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến, mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, đi kèm với đó là những rủi ro tiềm ẩn, đòi hỏi các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiệu quả hơn. Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm được quy định rõ tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2023, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Đặng Thùy Linh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần APG ECO đánh giá việc bảo vệ thông tin của khách hàng, đặc biệt là thông tin cá nhân của khách hàng cũng cần phải lưu ý. Khi doanh nghiệp đưa những lợi ích của khách hàng lên hàng đầu thì ngoài việc xây dựng được uy tín thì đây cũng là một cách để xây dựng thương hiệu một cách mạnh mẽ trên thị trường”.

Chia sẻ tại toạ đàm, ông Phan Thế Thắng - Phó trưởng Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người dùng năm 2023 đã quy định rất cụ thể liên quan đến trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong cung cấp thông tin cho người tiêu dùng.

Cụ thể, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng, liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, liên quan đến tổ chức, cá nhân kinh doanh, liên quan đến các đánh giá của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và cũng như đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Đặc biệt, khi một tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng một bên thứ ba để cung cấp thông tin, thì bên thứ ba cũng phải chịu trách nhiệm liên quan đến hoạt động cung cấp thông tin này.

Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức là giải pháp trọng tâm

Ông Bùi Thanh Thủy - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, không có cách nào khác bằng cách tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến người tiêu dùng, cộng đồng các doanh nghiệp hiểu rõ để áp dụng đúng quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngoài Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, còn bao gồm các luật khác liên quan đến quảng cáo, an toàn thực phẩm...

Minh bạch trong giao dịch trên không gian mạng bảo vệ người tiêu dùng
Các đại biểu hưởng ứng hành động "Thông tin minh bạch trong giao dịch trên không gian mạng”. Ảnh: CTV

Ông Thủy cũng đề xuất cơ quan quản lý nhà nước tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, điều tra, xác minh để chỉ đạo sát sao, giải quyết kịp thời thông qua chế tài xử lý nghiêm minh, mang tính răn đe, “nếu như vi phạm pháp luật hình sự thì phải xem xét trách nhiệm hình sự để xử lý về hình sự”.

Còn đối với doanh nghiệp, ông Thuỷ cho rằng, cần áp dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo để tăng sản phẩm, thu nhập. Tuy nhiên, cũng phải nghĩ đến hoạt động xã hội, nghĩ đến người tiêu dùng. “Như thế giữa nhà nước với doanh nghiệp, người tiêu dùng mới có những lợi ích hài hòa” - ông Thủy nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho rằng, bản thân mỗi người tiêu dùng cũng cần tự nâng cao kỹ năng, hiểu biết tiêu dùng của mình để tự bảo vệ quyền lợi khi tham gia mua sắm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, nhất là trên môi trường thương mại điện tử.

Trong đó, tập trung vào các công tác liên quan tuyên truyền, tập huấn, phổ biến quy định pháp luật, đặc biệt các quy định mới của luật và nâng cao nhận thức, hiểu biết về kiến thức tiêu dùng của người tiêu dùng cũng như hoạt động tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp.

Nhằm tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam năm 2025, ông Phan Thế Thắng cho biết, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ thực hiện các chương trình trọng tâm, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.