Quy định chặt chẽ hơn khi ký kết các hợp đồng theo mẫu
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN&MT) Lê Quang Huy đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT Lê Quang Huy, về quy định trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, có ý kiến đề nghị dự thảo luật cần quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng khi chưa có một luật riêng về lĩnh vực này.
|
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thấy rằng, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với những lĩnh vực đặc thù cần có các quy định của pháp luật chuyên ngành để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ví dụ như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng cần phải áp dụng cả pháp luật về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có quy định về bảo vệ người tiêu dùng khi ký kết các hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung. Hợp đồng theo mẫu của ngành ngân hàng, bảo hiểm thường là những hợp đồng in sẵn, nội dung rất phức tạp, mang tính nghiệp vụ chuyên ngành.
Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp này, dự thảo luật đã có quy định bên cung cấp dịch vụ phải giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua về quyền lợi, điều khoản loại trừ trách nhiệm, cung cấp bằng chứng giao dịch và các quy định để kiểm soát loại các loại hợp đồng này.
Bên cạnh đó, dự thảo luật có các quy định liên quan như: bảo vệ, thu thập, sử dụng, bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng; về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Đồng thời, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn liên quan đến việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quyết liệt hơn trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng và trong giao dịch điện tử.
Giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng được giải quyết theo thủ tục rút gọn
Về giải quyết tranh chấp tại tòa án, một số ý kiến đề nghị dự thảo luật chỉ nên quy định về trường hợp đặc thù khi vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị giao dịch nhỏ, dưới 100 triệu thì giải quyết theo thủ tục rút gọn, không cần đặt thêm các điều kiện khác, còn trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Ảnh: Minh họa. |
Một số ý kiến đề nghị bỏ điều kiện về giá trị tranh chấp và không nên hạn chế việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn chỉ vì giao dịch đó có giá trị hơn 100 triệu đồng, trong khi tất cả những điều kiện khác đều được thỏa mãn điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT Lê Quang Huy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, quy định này đã được chỉnh lý, hoàn thiện, khẳng định rõ vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ cần có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng là được giải quyết theo thủ tục rút gọn mà không cần đáp ứng bất cứ điều kiện nào khác.
Tòa án giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự. Quy định như vậy nhằm thể hiện tính chất đặc thù của vụ án về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, phần lớn các vụ việc của người tiêu dùng đều có giá trị nhỏ, xảy ra thường xuyên, liên tục; phù hợp với kinh nghiệm và xu hướng quốc tế. Ngay tại các nước có công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phát triển cũng áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ việc có giá trị nhỏ.
Việc áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ việc có giá trị xác định nhằm bảo đảm tiết kiệm chi phí, nguồn lực xã hội để giải quyết các vụ việc có giá trị không lớn, góp phần tạo niềm tin cho người tiêu dùng và nâng cao ý thức pháp luật một cách hiệu quả cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, tránh gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoặc lợi dụng quy định này để phát sinh cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh và đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các luật có liên quan khác.
UBTVQH nhận thấy, quy định việc công khai thông tin chỉ áp dụng đối với vụ án do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện vì lợi ích công cộng. Việc công khai thông tin về vụ án là cần thiết nhằm bảo đảm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng có liên quan đến vụ án./.
Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 Chương, 80 Điều; sửa đổi, bổ sung toàn bộ các Điều (bao gồm các Điều được bỏ, chuyển nội dung sang Điều khác, bổ sung 3 Điều); và bổ sung khoản 5 của Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. |