Theo đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Tính đến 15/5/2022, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo trình Chính phủ ban hành 4 nghị định và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quyết định. Đồng thời theo thẩm quyền, Bộ Tài chính cũng đã soạn thảo và ban hành 24 thông tư.

Về công tác rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 84/QĐ-BTC ngày 26/1/2022 về công bố danh mục các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ, hết hiệu lực một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính năm 2021…

Theo Bộ Tài chính, qua công tác kiểm tra cho thấy, các văn bản pháp luật đều được ban hành đúng trình tự, thủ tục, không có nội dung sai phạm. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục kiểm tra theo đúng thẩm quyền đối với những văn bản pháp luật do các bộ, ngành, địa phương ban hành có liên quan tới tài chính.

Cũng theo Bộ Tài chính, mặc dù số lượng văn bản của Bộ Tài chính được giao chủ trì luôn rất lớn, nhiều nội dung phức tạp nhưng trong những năm qua, Bộ Tài chính luôn hoàn thành chương trình xây dựng pháp luật với tỷ lệ cao.

Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật theo những định hướng và giải pháp đồng bộ đã tạo chuyển biến căn bản trong việc nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật tài chính, đáp ứng được các tiêu chí về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch.

Qua đó, đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng như tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, đối phó linh hoạt với các thách thức do khủng hoảng và suy thoái kinh tế đặt ra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, phục vụ kịp thời yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, đã kịp thời đối phó linh hoạt với các thách thức do đại dịch Covid-19, thiên tai, biến đổi khí hậu và những tác động không thuận lợi của kinh tế thế giới.

Công tác hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính cũng đã tiếp cận được các thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập và góp phần hiện đại hóa quản lý tài chính, đảm bảo yêu cầu về cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra văn bản được thực hiện lồng ghép cùng nhau và xem đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, gắn với công tác xây dựng pháp luật, qua đó góp phần nâng cao công tác pháp chế, cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật./.