4 địa phương đều có tỷ lệ giải ngân thấp

Vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 Thủ tướng Chính phủ giao cho các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương trên 31.465 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương trên 9.365 tỷ đồng, nguồn ngân sách địa phương trên 22.099 tỷ đồng.

Đối với vốn ngân sách trung ương, đến nay 4 địa phương phân bổ được trên 8.738 tỷ đồng, đạt trên 93% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Riêng tỉnh Bình Dương đã phân bổ hết 100% nguồn vốn. Còn lại 3 địa phương là Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai chưa phân bổ hết kế hoạch vốn, với tỷ lệ phân bổ lần lượt là trên 95%; gần 90% và trên 94% kế hoạch vốn được giao.

Đối với vốn ngân sách địa phương, 4 địa phương đã phân bổ trên 33.013 tỷ đồng, cao hơn kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao trên 10.914 tỷ đồng, tăng 149,39%. Trong đó, các tỉnh Đắk Nông, Bình Dương, Đồng Nai đều có tỷ lệ phân bổ trên 100%, thậm chí tỉnh Bình Dương đã phân bổ hơn 200% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, tỉnh Gia Lai vẫn chưa phân bổ hết vốn khi mới đạt 91,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư tại Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương
Bộ trưởng Bộ Tài chính đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư tại địa phương. Ảnh TL

Về tình hình giải ngân, đến ngày 31/3/2023, 4 địa phương giải ngân được 2.791,1 tỷ đồng, đạt 8,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; ước đến hết tháng 4/2023 giải ngân được trên 4.200 tỷ đồng, đạt 13,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Cụ thể, Đắk Nông giải ngân đạt trên 12%, ước 4 tháng đạt 18,61%; Gia Lai đạt 4,36%, ước 4 tháng đạt 13,82%; Đồng Nai đạt 8,95%, ước 4 tháng đạt 12,57%; Bình Dương đạt 9,37%, ước 4 tháng đạt 14,64%.

Ngoài ra, các địa phương trên đều có các dự án chưa giải ngân hoặc số vốn đã giải ngân rất thấp (dưới 5% kế hoạch vốn năm 2023). Trong đó, tỉnh Đắk Nông có 36 dự án; Gia Lai 21 dự án; Đồng Nai 9 dự án; Bình Dương 21 dự án.

Giải phóng mặt bằng vẫn là nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân chậm

Với tỷ lệ giải ngân như trên, cả 4 địa phương hiện đang có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Nguyên nhân được các địa phương lý giải là trong tháng 1/2023, các chủ đầu tư tập trung hoàn tất hồ sơ báo cáo thanh toán, giải ngân phần vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022; các dự án khởi công cuối năm 2022 chuyển tiếp sang năm 2023 tập trung thi công để có khối lượng thanh toán phần vốn đã tạm ứng từ kế hoạch năm 2022 nên chưa có khối lượng thanh toán kế hoạch năm 2023.

Phải thực hiện nghiêm chế độ báo cáo

Theo Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ, cứ cuối mỗi tháng các địa phương có số giải ngân thấp hơn bình quân trung cả nước (thuộc đối tượng kiểm tra) có trách nhiệm xây dựng báo cáo gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ trước ngày 5 tháng sau.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, tại lần kiểm tra tháng 4/2023, cả 4 địa phương nêu trên đều gửi báo cáo chậm. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị trong các tháng tiếp theo của năm 2023, các địa phương thực hiện đúng thời gian báo cáo; đặc biệt, phải coi công tác báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là nhiệm vụ quan trọng trong việc chỉ đạo điều hành công tác này từ địa phương tới trung ương.

Dự án mới phê duyệt đầu tư vào cuối năm 2022, được giao vốn kế hoạch năm 2023, các chủ đầu tư đang thực hiện các bước phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, tổ chức lựa chọn nhà thầu, lập phương án giải phóng mặt bằng nên chưa giải ngân được vốn kế hoạch năm 2023.

Cùng với đó, một nguyên nhân “muôn thuở” đã tồn tại từ rất lâu, đó là công tác giải phóng mặt bằng. Tại 4 địa phương này, các chủ đầu tư đang tập trung thực hiện công tác đo vẽ, kiểm đếm, công bố thu hồi đất theo quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải quyết những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên chưa bàn giao được mặt bằng cho nhà thầu thi công.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, qua công tác kiểm tra phân bổ kế hoạch vốn năm 2023, nguyên nhân của việc chậm giải ngân còn ở khâu phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật đầu tư công và quyết định giao vốn kế hoạch năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Tăng cường quản lý, thanh toán để đẩy nhanh giải ngân

Sau khi kiểm tra và trên cơ sở báo cáo về tình hình thực hiện vốn đầu tư công năm 2023 của 4 địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký Công văn số 3781/BTC-ĐT ngày 18/4/2023 gửi 4 địa phương chỉ đạo triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn quan trọng này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư tại Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương
Tổ trưởng Tổ công tác số 5 của Chính phủ yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của Bộ Tài chính. Ảnh TL.

Tại công văn, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và văn bản của Bộ Tài chính về tăng cường quản lý, thanh toán để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Trong đó, Bộ trưởng lưu ý các địa phương cần rà soát những dự án đã được giao kế hoạch không có khả năng giải ngân (nhất là các dự án đến nay có số giải ngân bằng 0) để phân bổ đủ kế hoạch vốn cho các dự án đã được phê duyệt quyết toán, dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, dự án chuyển tiếp hoàn thành trong năm 2023 còn thiếu vốn; khẩn trương phân bổ chi tiết hết số vốn kế hoạch năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các dự án để không ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn.

Đến ngày 31/3/2023, 4 địa phương triển khai giải ngân được 2.791,1 tỷ đồng, đạt 8,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; ước đến hết tháng 4/2023 giải ngân được trên 4.200 tỷ đồng, đạt 13,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Cụ thể, Đắk Nông giải ngân đạt trên 12%, ước 4 tháng đạt 18,61%; Gia Lai đạt 4,36%, ước 4 tháng đạt 13,82%; Đồng Nai đạt 8,95%, ước 4 tháng đạt 12,57%; Bình Dương đạt 9,37%, ước 4 tháng đạt 14,64%.

Các địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp để đẩy nhanh công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư để phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao theo đúng quy định. Đồng thời, các địa phương nhập đủ, kịp thời kế hoạch vốn của từng dự án trên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) đối với số phân bổ chi tiết đủ điều kiện thanh toán theo quy định.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của các dự án ngay từ những tháng đầu năm; kịp thời, chủ động tháo gỡ ngay các vướng mắc, khó khăn trong tổ chức thi công và giải ngân của từng dự án. Trong đó, các địa phương chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có khả năng giải ngân cao, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng…

Đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các địa phương cần chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, đơn vị cung ứng vật tư, vật liệu để giải quyết các khó khăn, vướng mắc về nguồn cung nhằm đảm bảo điều kiện thi công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói thầu. Trường hợp cần tăng mức tạm ứng vốn để đáp ứng nhu cầu cung ứng vật tư, vật liệu, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án báo cáo người quyết định đầu tư để xem xét, quyết định theo thẩm quyền phù hợp với quy định về nguyên tắc tạm ứng vốn, bảo lãnh tạm ứng, mức vốn tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng và chịu trách nhiệm về việc sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, có hiệu quả.

Chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp với nhà thầu để hoàn thiện hồ sơ tạm ứng, thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi ngay sau khi đủ điều kiện tạm ứng vốn hoặc có khối lượng hoàn thành. Đối với các dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài, các đơn vị khẩn trương gửi hồ sơ rút vốn tới Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại) để thực hiện giải ngân theo quy định đối với các khối lượng đã được kiểm soát chi, không để tồn đọng, đặc biệt là các khoản hoàn chứng từ tài khoản đặc biệt...