Thu ngân sách tháng 4 thấp hơn khoảng 10 nghìn tỷ đồng

Tại cuộc họp giao ban, lãnh đạo các đơn vị: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Kho bạc Nhà nước... đã báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ được giao. Về cơ bản, các đơn vị đang bám sát các kế hoạch, nhiệm vụ theo đúng tiến độ đề ra.

Thu ngân sách nhà nước (NSNN) đang đảm bảo đúng tiến độ dự toán, tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành, sang tháng 4, thu nội địa chậm hơn so với các tháng trước đó.

"Hàn thử biểu" của thu NSNN chính là mức độ tăng trưởng kinh tế. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu NSNN thực hiện tháng 4 ước đạt 175,6 nghìn tỷ đồng, bằng 10,3% dự toán, bằng 94,4% mức thu bình quân tháng của quý I (thấp hơn khoảng 10,4 nghìn tỷ đồng).

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Bộ Tài chính tiếp tục nỗ lực, sáng tạo, vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Bộ Tài chính tiếp tục nỗ lực, sáng tạo, vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trong đó: Thu nội địa ước đạt 149,3 nghìn tỷ đồng, bằng 10,3% dự toán, bằng 93,2% mức thu bình quân tháng của quý I. Thu từ dầu thô ước đạt 5,5 nghìn tỷ đồng, bằng 12% dự toán. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 20,8 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở tổng số thu thuế đạt 30,4 nghìn tỷ đồng, bằng 8,1% dự toán, bằng 101,6% mức thu bình quân tháng của quý I (tăng khoảng 590 tỷ đồng); hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ trong tháng khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng.

Lũy kế thu NSNN 4 tháng đầu năm ước đạt 733,4 nghìn tỷ đồng, bằng 43,1% dự toán, tăng 10,1% so cùng kỳ năm 2023 (ngân sách trung ương ước đạt 46,5 dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 39,7% dự toán). Trong đó: Thu nội địa ước đạt 629,9 nghìn tỷ đồng, bằng 43,6% dự toán, tăng 12,9% so cùng kỳ năm 2023.

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo.

Tính đến ngày 25/4/2024, đã thực hiện phát hành gần 102,97 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 11,22 năm, lãi suất bình quân 2,23%/năm.

Thu dầu thô ước đạt 21,2 nghìn tỷ đồng, bằng 46,2% dự toán, tăng 0,6% so cùng kỳ năm 2023. Giá dầu thanh toán bình quân 4 tháng đạt khoảng 86 USD/thùng, tăng 16 USD/thùng so giá dự toán; sản lượng dầu thô thanh toán ước đạt khoảng 2,8 triệu tấn, bằng 34% kế hoạch.

Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 82,2 nghìn tỷ đồng, bằng 40,3% dự toán, giảm 5,7% so cùng kỳ năm 2023, trên cơ sở: tổng số thu thuế ước đạt 120,2 nghìn tỷ đồng, bằng 32,1% dự toán, giảm 3,3% so cùng kỳ; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 38 nghìn tỷ đồng, bằng 22,2% dự toán.

Về chi NSNN, tổng chi cân đối NSNN tháng 4 ước đạt 138,4 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 4 tháng đạt 522,2 nghìn tỷ đồng, bằng 24,6% dự toán, tăng 4,4% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 115,9 nghìn tỷ đồng, bằng 17,1% dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ giải ngân ước đạt 17,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 4,8% so cùng kỳ năm 2023; chi trả nợ lãi ước đạt 35,7% dự toán, tăng 17,4%; chi thường xuyên ước đạt 29,1% dự toán, tăng 3% so cùng kỳ năm 2023.

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 25/4/2024, đã thực hiện phát hành gần 102,97 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 11,22 năm, lãi suất bình quân 2,23%/năm.

Ngành Tài chính đẩy mạnh chuyển đổi số để quản lý thu hiệu quả

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận đề nghị các đơn vị tiếp tục bám sát tiến độ, đảm bảo chất lượng, kịp thời đối với các dự án, đề án, thuộc chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thông tư ban hành theo thẩm quyền của Bộ Tài chính.

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho rằng, thời gian tới, tiếp tục rà soát để triển khai gói giảm thuế giá trị gia tăng 2% cho nửa cuối năm nay và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã đánh giá, tổng kết và nghiên cứu đề xuất gia hạn, giảm nhiều khoản thuế, phí, nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, ngành Tài chính phải tiếp tục cố gắng hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN được giao.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Bộ Tài chính tiếp tục nỗ lực, sáng tạo, vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ
Cuộc họp tại trụ sở Bộ Tài chính.

Kết luận cuộc giao ban, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, ngành Tài chính đã tỏ rõ vai trò làm rường cột cho nền kinh tế nước nhà. 3 năm liên tục vượt thu NSNN trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, Bộ Tài chính đã có những sáng tạo, sáng kiến để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tài chính- NSNN được giao.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, thu NSNN tỷ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế, khi tăng trưởng kinh tế còn khó khăn, thu NSNN đạt dự toán là do Bộ Tài chính đã triển khai đẩy mạnh quản lý thu thuế, quản lý hóa đơn điện tử, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử...

“Dù vậy, nguồn thu ngân sách dựa vào sức tăng trưởng của nền kinh tế, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, nhu cầu lớn, việc đảm bảo giá cả ổn định cũng còn nhiều thách thức... Đây là những khó khăn, thách thức gây áp lực đến nền kinh tế, do đó, trong thời gian tới toàn ngành Tài chính phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo, có bản lĩnh và đoàn kết phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra” - người đứng đầu ngành Tài chính nhấn mạnh.

Bộ trưởng đề nghị các đơn vị tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế, triển khai các nhiệm vụ được giao; triển khai các dự án đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số...

Người đứng đầu ngành Tài chính đặc biệt lưu ý các đơn vị thuộc Bộ phải triển khai hoàn thành sớm các luật, nghị định, thông tư theo kế hoạch; chuẩn bị xây dựng dự toán NSNN năm 2025.

Đối với lĩnh vực thuế, Bộ trưởng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý thu thuế, quản lý hóa đơn điện tử, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, chống chuyển giá, trốn thuế.

Cơ quan Hải quan cần tiếp tục đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt đối với vàng, ngoại tệ, ma túy; tiếp tục triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu, hướng tới xây dựng mô hình Hải quan thông minh.../.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 18 nghị định

Thực hiện chương trình công tác của Chính phủ và các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, tính cả các đề án đã trình từ năm 2021, 2022 và năm 2023 chuyển sang, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 18 nghị định.

Trong đó, có 8 nghị định Bộ Tài chính đang hoàn thiện theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 10 nghị định Bộ Tài chính mới trình hoặc mới hoàn thiện theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.