Thủ tướng phân công 6 Tổ công tác kiểm tra giải ngân vốn đầu tư công

Tham dự cuộc làm việc có đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện lãnh đạo một số vụ, cục chức năng thuộc Bộ Tài chính.

Về phía địa phương có ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; ông Trần Hữu Thế - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên; đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Sóc Trăng tại điểm cầu 2 địa phương.

“Thúc” giải ngân để dẫn dắt thúc đẩy tăng trưởng

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tổ công tác tiếp tục kiểm tra các địa phương có giải ngân chậm dưới 50%. Theo Bộ trưởng, giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, bởi nếu không đẩy nhanh giải ngân vốn sẽ hạn chế tăng trưởng, không thể hiện được vai trò như dòng vốn mồi dẫn dắt nền kinh tế.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đi kiểm tra thực tế giải ngân vốn đầu tư công
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc (thứ hai từ trái sang) đi kiểm tra Dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên Hải - Tiểu dự án thành phố Nha Trang. Ảnh: Minh Tuấn.

Bộ trưởng lưu ý các địa phương cần báo cáo rõ tình hình giải ngân, nêu các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và từ đó đề ra các giải pháp trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, về kế hoạch vốn giao năm 2022, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 cho 4 địa phương với tổng số vốn là 23.294,996 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương là 13.469,470 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách trung ương là 7.886,648 tỷ đồng (trong đó: nguồn vốn trong nước là 6.847,786 tỷ đồng, nguồn vốn nước ngoài (ODA) là 1.038,862 tỷ đồng). Vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là 1.938,878 tỷ đồng.

Thủ tướng đề nghị các tổ đôn đốc giải ngân

Để kịp thời có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phân công các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại một số bộ, cơ quan, địa phương.

Tổ công tác số 6 do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng, kiểm tra các địa phương: Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hòa, Sóc Trăng.

Tổng số vốn đã phân bổ chi tiết của 4 địa phương là 22.940,803 tỷ đồng, cụ thể:

Đối với vốn ngân sách địa phương, tỉnh Phú Yên giao cao hơn số vốn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 1.634,645 tỷ đồng (bằng 157% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). 2 tỉnh Nghệ An, Sóc Trăng giao bằng 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỉnh Khánh Hòa giao thấp hơn vốn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 47,821 tỷ đồng.

Đối với nguồn vốn ngân sách trung ương: Vốn trong nước, cả 4 địa phương đã phân bổ 100% vốn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đối với vốn ODA tỉnh Khánh Hòa giao thấp hơn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 2,139 tỷ đồng (tỉnh đang đề nghị giảm kế hoạch). Đối với vốn CTMTQG 1.938,878 tỷ đồng: cả 4 địa phương đều chưa phân bổ chi tiết.

Vẫn còn địa phương giải ngân thấp hơn mức bình quân chung

Bộ Tài chính đã có công văn số 8284/BTC-ĐT ngày 22/8/2022 về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN lũy kế 7 tháng, ước thực hiện 8 tháng kế hoạch năm 2022, theo đó lũy kế thanh toán từ đầu năm đến 30/7/2022 của các địa phương là 7.239,530 tỷ đồng, đạt 31,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (23.294,996 tỷ đồng) và đạt 31,6% kế hoạch địa phương triển khai (22.940,803 tỷ đồng).

Thực tế, 4 địa phương triển khai thực hiện 7 tháng đầu năm, ước 8 tháng cụ thể như sau: Nghệ An đạt 32,8%, ước 8 tháng đạt 50,6%. Khánh Hòa đạt 31,4%, ước 8 tháng đạt 40,1%. Sóc Trăng ước 8 tháng đạt hơn 42%. Phú Yên đạt 26,3%, ước 8 tháng đạt 28,6%.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đi kiểm tra thực tế giải ngân vốn đầu tư công
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu khai mạc cuộc làm việc với 4 địa phương. Ảnh: Minh Tuấn.

Sau 2 đợt kiểm tra cho thấy, các địa phương đã có chuyển biến về công tác giải ngân. Tuy nhiên, tỉnh Phú Yên giải ngân vốn đầu tư công còn thấp hơn bình quân chung cả nước (7 tháng là 29,93%, ước 8 tháng là 36,2%) là chưa đạt yêu cầu.

Kiểm tra chi tiết giải ngân các dự án trong 7 tháng đầu năm (đến 31/7/2022) cho thấy các địa phương đều còn tình trạng các dự án chưa giải ngân hoặc số giải ngân thấp so với kế hoạch vốn cả năm được giao (dưới mức bình quân chung cả nước là 30% kế hoạch). Cụ thể: tỉnh Khánh Hòa 18 dự án, Phú Yên 26 dự án, tỉnh Nghệ An 55 dự án, tỉnh Sóc Trăng 26 dự án.

Qua báo cáo của 4 địa phương cho thấy, nguyên nhân giải ngân chậm chủ yếu là do vướng về thể chế, chính sách, như: lĩnh vực đất đai, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; vướng mắc về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa còn bất cập; về quy định đầu tư xây dựng đường quốc lộ và dự án liên vùng...

Đối với việc triển khai các dự án, thời gian qua, giá của các loại vật liệu xây dựng tăng đột biến, đặc biệt là giá xăng dầu, sắt, thép, đất, cát... tăng mạnh, dẫn đến dự toán vượt so với tổng mức đầu tư được duyệt. Nhiều dự án phải thực hiện điều chỉnh theo hướng tăng tổng mức đầu tư hoặc thay đổi giải pháp thiết kế hoặc giảm quy mô đầu tư để đảm bảo nguồn lực triển khai. Một số gói thầu áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định nên không thể điều chỉnh, các nhà thầu sẽ giãn tiến độ hoặc thi công cầm chừng, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Hơn nữa, năm 2022 là năm bắt đầu khởi công mới nhiều dự án, những tháng đầu năm hoàn tất thủ tục đầu tư, nên tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm./.

Phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng các địa phương đều phấn đấu ước giải ngân cả năm (đến 31/01/2023) đạt 100% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.