Phấn đấu thu đạt và vượt dự toán

Trên cương vị là “Tư lệnh” ngành Tài chính nắm giữ “tay hòm chìa khóa” trong thời điểm hết sức khó khăn vừa qua, vừa lo ngân sách chi chống dịch, vừa phải đảm bảo các cân đối tài chính - ngân sách nhà nước, đóng góp cho ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, ngành Tài chính sẽ phấn đấu đảm bảo hoàn thành chính sách tài chính - ngân sách năm 2021.

Theo Bộ trưởng, thời gian qua là những tháng ngày vô cùng vất vả, chưa năm nào khó khăn như năm nay, dịch Covid-19 diễn biến khốc liệt trên diện rộng với thời gian dài. Từ cuối tháng 4 đến tháng 10/2021 sống trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng trong điều hành, Bộ Tài chính luôn đảm bảo thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vừa chống dịch vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Sẽ có gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: T.T

“Bộ Tài chính đã thực hiện giãn, giảm, miễn nhiều sắc thuế, nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành, dự kiến, ngành Tài chính sẽ đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra. Thu ngân sách dự kiến đạt và vượt dự toán, chi ngân sách không vượt dự toán, theo đúng mục tiêu đề ra. Các cân đối ngân sách được đảm bảo, bội chi ngân sách đạt chỉ tiêu Quốc hội phê chuẩn”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.

Theo Bộ trưởng, Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021; số thuế giảm, gia hạn lên đến 118 nghìn tỷ đồng.

Chính phủ cũng mới ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Dự kiến sẽ có tác động giảm thu NSNN của năm 2021 khoảng gần 20 nghìn tỷ đồng. Số tiền thuế, tiền chậm nộp được hỗ trợ này sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 để có thể tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Bộ Tài chính theo thẩm quyền của mình đã ban hành giảm 30 khoản phí, lệ phí, số tiền cũng lên đến 3.000 tỷ đồng.

Cũng theo người đứng đầu ngành Tài chính, để đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống dịch, Chính phủ đã chỉ đạo điều hành NSNN năm 2021 chặt chẽ, ưu tiên cân đối nguồn lực cho công tác phòng chống dịch, như: yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại, tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; giảm 15% chi thường xuyên đối với đơn vị có tính đặc thù; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai, tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19....

Đáng chú ý, thời gian qua, Bộ Tài chính đã phát hành trái phiếu chính phủ cơ cấu lại các khoản vay hiệu quả, với kỳ hạn bình quân khoảng 12 năm, lãi suất bình quân 2,26%/năm.

Thị trường chứng khoán có tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh dịch bệnh, thể hiện niềm tin của doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế.

“Chống dịch nhưng phải đảm bảo Tài chính nhà nước - tài chính doanh nghiệp - tài chính dân cư phát triển mạnh”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Phối hợp tốt chính sách tài khóa - tiền tệ

Vấn đề đặt ra trong thời gian tới phải làm thế nào để kích thích kinh tế phát triển, phục vụ tăng trưởng.

Vị “tư lệnh” ngành Tài chính cho biết, Bộ đang tính toán gói kích cầu, kích thích kinh tế theo hướng đề xuất đưa ra một số chính sách tài khóa, đảm bảo hiệu quả, khi kinh tế phục hồi và phát triển, sẽ tăng thu về ngân sách, giảm chi và từ đó kéo giảm bội chi NSNN.

Trong đó, tập trung vào 4 mũi nhọn đó là: gỡ về thể chế, nguồn nhân lực, vốn và chuyển đổi số.

Bộ trưởng cho biết, Bộ đang tham mưu Chính phủ, sẽ có một số gói về kích thích kinh tế. Trong đó, thực hiện hỗ trợ lãi suất khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Gói hỗ trợ kích cầu này sẽ giúp các DN bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch nhưng có đủ điều kiện để vay, phát triển sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, thực hiện Đề án phát hành công trái, huy động ngoại tệ trong nước, huy động tiền trong dân. Nếu thực hiện điều này, sẽ có nguồn vốn lớn cho đầu tư phát triển mà không ảnh hưởng tới chính sách tài khóa. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phối hợp tốt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Vấn đề đặt ra đối với ngành Tài chính thời gian tới, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đó là, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng thu về cho ngân sách, những khoản thu vẫn còn dư địa mà không ảnh hưởng tới doanh nghiệp.

Để tăng thu cho ngân sách, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào tăng thu trong nền tảng số, mà lâu nay còn dư địa như bán hàng online, các nền tảng xuyên biên giới...

Được biết, dự báo tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, tác động làm giảm thu và tăng chi NSNN cho phòng, chống dịch. Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường quản lý thu, đôn đốc xử lý, thu hồi nợ đọng.

Ngoài ra, phấn đấu tăng thu ở những lĩnh vực, địa bàn có điều kiện, để bù đắp số giảm thu do ảnh hưởng của dịch bệnh, có thêm nguồn lực chi cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cân đối NSNN năm 2021./.