Cà phê liên tục tăng giá: Cơ hội làm giàu cho người trồng ở Tây Nguyên
Ảnh: Minh họa

Tin vui từ việc tăng giá

Mấy ngày qua, gia đình anh Đinh Trung Thanh cùng nhiều hộ dân tại thôn Đồi Pháo, xã Bàu Cạn huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai rất vui mừng, phấn khởi khi mỗi lần ra thăm vườn cà phê và nghe tin giá cà phê loại robusta mà anh đang trồng tăng mạnh.

Anh cho biết: “Trước đây giá chỉ luẩn quẩn trên 40 nghìn đồng, ít khi vượt quá 50 nghìn đồng, nay tăng mức giá như 66-67 nghìn đồng/kg bà con chúng tôi mừng lắm. Nếu chỉ dưới 50 nghìn đồng/kg thì người trồng chỉ hòa vốn, nên nhiều người trong thôn không mấy gắn bó với vườn cây, anh em phải làm thêm nghề phụ để lo cuộc sống. Khi giá trên 50 nghìn đồng mới có lãi, nay giá lên mức 66-67 nghìn đồng/kg sẽ có lãi lớn và được xem là cơ hội làm giàu với chúng tôi”.

Tuy nhiên đại diện lãnh đạo thôn Đồi Pháo cũng cho biết, đúng thời điểm tăng giá cao thì ít người có hàng dự trữ để bán trong thời điểm này. Nhưng dù sao bà con cũng rất yên tâm để đầu tư trở lại và gắn bó với vườn cà phê của mình.

Theo Bộ Công thương, hơn một tháng nay, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng mạnh so với những tháng đầu năm. Hiện nay, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đang dao động trong khoảng từ 66-67 nghìn đồng/kg. Đây được cho là mức giá cà phê cao nhất trong vòng 15 năm qua.

Nguyên nhân chính được cho là Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê Indonesia (AEKI) dự kiến sản lượng cà phê trong năm 2023 của nhà sản xuất cà phê Robusta lớn thứ 3 thế giới sẽ giảm 20%, xuống còn 9,6 triệu bao do thời tiết mưa nhiều tại các khu vực trồng chính. Hiện tượng thời tiết El Nino, dự kiến phát triển trên toàn cầu vào nửa cuối năm nay cũng gây rủi ro cho cà phê Robusta nhiều hơn so với Arabica.

Còn theo phân tích của Tổng cục Thống kê Việt Nam, xuất khẩu cà phê trong tháng 7 ước đạt 80.000 tấn (khoảng 1,33 triệu bao), giảm 32,1% so với tháng trước và giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã khiến các thị trường tiêu thụ quay lại mối lo thiếu hụt nguồn cung, trong khi nhu cầu tiêu thụ cà phê Robusta của thế giới ngày tăng cao. Trong khi đó, đồng Real mạnh lên đã khiến người Brazil bán cà phê chậm lại.

Theo phân tích từ các chuyên gia, năm 2021, giá cà phê nhân xô robusta ở vào khoảng 36 nghìn đồng/kg, năm 2022 tăng lên 42 nghìn đồng/kg và hiện nay đạt khoảng 66-67 nghìn đồng/kg. Đây là tín hiệu vui cho người trồng cà phê cũng như ngành hàng cà phê của Việt Nam.

Ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho rằng, việc cà phê tăng giá cũng đã giúp người nông dân được hưởng lợi và người dân yên tâm chăm sóc vườn cây tốt hơn.

Cà phê tăng giá sẽ làm cho người nông dân suy nghĩ đến việc không phá vườn cà phê để trồng các loại cây ăn trái có giá trị cao mà chỉ trồng xen theo hướng cà phê cảnh quan nhằm giúp vườn cây phát triển bền vững và đáp ứng được các yêu cầu của những nước nhập khẩu. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần tăng cường công tác truyền thông để người dân không tăng diện tích mà chú trọng vào việc chăm sóc tốt vườn cây.

Cơ hội lấy lại vị thế cây “chủ lực”

Hiện nay, khu vực Tây Nguyên có tổng diện tích cà phê khoảng 640.000 ha. Trong khi đa số loại cây trồng khác mất mùa hoặc mất giá, đã khiến diện tích cà phê bật tăng trở lại. Đây có thể được xem là diễn biến tích cực, giúp Tây Nguyên hình thành được cơ cấu nông nghiệp hợp lý, hài hòa giữa cà phê chủ lực và những cây kinh tế thế mạnh mới.

Những năm vừa qua, giá cà phê ở mức khá thấp nên nhịp độ tái canh bị chững lại. Nay giá cà phê nhân ở mức cao nhất 15 năm qua đang thúc đẩy các hộ nông dân mở rộng diện tích canh tác và tăng cường tái canh.

Cà phê liên tục tăng giá: Cơ hội làm giàu cho người trồng ở Tây Nguyên
Vườn cây giống chuẩn bị xuất bán tại TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Ảnh: CTV

Với chu kỳ khai thác 20 năm, mỗi năm sẽ có khoảng 30.000 ha cà phê tái canh, cần đến khoảng 40 triệu cây cà phê giống. Do vậy, thời gian qua, nhiều vườn ươm giống cà phê ở Tây nguyên tấp nập người mua. Nông dân tìm đến các vườn để mua cây cà phê giống về trồng mới, trồng tái canh trong mùa xuống giống.

Đại diện Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, hiện giá cây giống cà phê đã tăng từ 2 đến 3 lần và thực tế cũng không còn nhiều cây giống. Cà phê tăng giá là tín hiệu vui cho nông dân nên bà con đang tích cực tái canh, phù hợp với tình hình thực tế.

Tuy nhiên, lãnh đạo Viện lưu ý, diện tích cà phê của Tây Nguyên đang vượt quy hoạch nên khuyến cáo không mở rộng diện tích. Liên minh châu Âu vừa có quy định mới, những sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ và cao su... nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này nên người dân cần lưu ý. Hiện nhu cầu người dân tái canh mạnh sẽ có hiện tượng khan hiếm hàng, tuy vậy nông dân cần lựa chọn cây giống có nguồn gốc để tránh mua phải giống không chất lượng…

Còn theo ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các địa phương đẩy mạnh công tác khuyến nông, hướng dẫn người dân tái canh cà phê thay thế trên những diện tích già cỗi, năng suất thấp bằng giống mới năng suất chất lượng cao, kháng sâu bệnh, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu để trồng tái canh năm 2023.

"Cà phê là cây dài ngày, sau 3 năm mới cho thu hoạch nên chỉ tái canh trên những diện tích già cỗi, năng suất thấp. Nông dân không nên thấy giá cà phê nhân tăng cao mà mở rộng diện tích ồ ạt, có kế hoạch dài hơi để mang lại hiệu quả kinh tế"- ông Đoàn Ngọc Có khuyến cáo.

Chỉ tính riêng tại tỉnh Đắk Lắk hiện có 213.336 ha cà phê, sản lượng đạt trên 526.700 tấn/năm, trong đó có khoảng trên 10% diện tích cà phê sản xuất tập trung thành vùng chuyên canh, còn lại gần 90% diện tích do nông dân tự trồng, chăm sóc và quản lý. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 39 tổ hợp tác và 53 HTX nông nghiệp trong lĩnh vực sản xuất cà phê.

Theo quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR), 100% một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đặc biệt là cà phê khi nhập khẩu vào thị trường châu Âu đều cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn, dựa trên đó xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám. EUDR chính thức có hiệu lực vào tháng 12/2024 nhưng đối với các DN vừa và nhỏ, thời hạn này được lùi xuống tháng 6/2025.

Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (Vicofa) cho biết, các vùng trồng cà phê Việt Nam rất manh mún, nhỏ lẻ nên việc tuân thủ tiêu chuẩn bền vững và duy trì quyền tiếp cận thị trường EU sẽ đòi hỏi mất nhiều thời gian và công sức. Theo đó, hiện cả nước có hơn 1 triệu hộ trồng cà phê trong đó 70% hộ tham gia có diện tích dưới 0,5 ha nên chi phí tuân thủ rất tốn kém, trong khi biên lợi nhuận ngành cà phê rất mỏng.