Đó là thông tin tại Hội thảo “Hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán đất lâm nghiệp trong các công ty lâm nghiệp” do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức ngày 25/4 tại Hà Nội.

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao những tác động tích cực của công tác giao khoán đất rừng tại các công ty lâm nghiệp thời gian qua, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất và tài nguyên rừng thông qua các Nghị định 01/1995, Nghị định 135/2005 và Nghị định 168/2016 của Chính phủ. Chính sách này đã huy động nguồn lực xã hội, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp, cải thiện bảo vệ rừng và nâng cao ý thức cộng đồng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, sau 30 năm thực hiện chính sách về giao khoán, các công ty lâm nghiệp trên cả nước đã thực hiện khoán gần 460.000 ha, tương đương khoảng 27% tổng diện tích được quản lý; trong đó giao khoán rừng, đất lâm nghiệp, vườn cây và mặt nước nuôi trồng thủy sản theo Nghị định 01/1995/NĐ-CP chiếm tới 68%, theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP chiếm 29%, còn theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP chỉ khoảng 3% tổng diện tích giao khoán.

Trình bày báo cáo nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán đất lâm nghiệp trong các công ty lâm nghiệp, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, kết quả nghiên cứu, khảo sát thực tế từ ngày 5/2 đến ngày 23/3/2025 tại 7 tỉnh (gồm Bắc Giang, Hoà Bình, Nghệ An, Bình Định, Gia Lai, Đồng Nai, Cà Mau), có 26 công ty lâm nghiệp đang quản lý 292.632,47 ha, trong đó đất lâm nghiệp là 290.008,19 ha.

Các công ty lâm nghiệp toàn quốc đã thực hiện khoán gần 460.000 ha đất
Các công ty lâm nghiệp toàn quốc đã thực hiện khoán gần 460.000 ha đất.
Theo khảo sát, phỏng vấn 37 hộ nhận khoán ở 6 tỉnh, các hộ đều làm nông nghiệp là chính. Thu nhập bình quân 1 hộ nhận khoán là 167 triệu/năm, trong đó thu nhập từ khoán lâm nghiệp là 53 triệu đồng/năm, chiếm 31,73% tổng thu nhập; thu nhập từ nông nghiệp là 87 triệu đồng/năm; thu nhập khác là 27 triệu đồng /năm.

Có 21 công ty đã thực hiện khoán cho 121.722,59 ha, chiếm 41,59%. Kết quả phỏng vấn kết hợp khảo sát thực tế cho thấy, hầu hết cán bộ quản lý và người dân được phỏng vấn cho biết, chính sách khoán đất lâm nghiệp đã thu hút được các nguồn lực xã hội tham gia quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên đất khoán; tạo ra nhiều mô hình trồng rừng, sản xuất nông lâm kết hợp hiệu quả trên diện tích khoán.

Trong các hình thức khoán, giao khoán theo công đoạn sản xuất, khoán việc công ty chủ động trong sản xuất, kinh doanh, quản lý, bảo vệ rừng có hiệu quả kinh tế cao hơn. Người dân nhận khoán hầu hết là người địa phương có đất sản xuất, có công việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định dân cư và tình hình an ninh trật tự.

Tuy nhiên, tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng chính sách giao khoán rừng và đất lâm nghiệp vẫn tồn tại nhiều bất cập trong thực tiễn. Các quy định mới về đối tượng nhận khoán, hạn mức khoán, thời hạn khoán và quyền lợi, trách nhiệm của bên nhận khoán chưa hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho cả bên khoán và bên nhận khoán trong việc thiết lập hồ sơ và thực hiện hợp đồng.

Những hạn chế trong quản lý hồ sơ, xử lý tài sản trên đất, cơ chế xử lý vi phạm và việc phối hợp giữa các bên liên quan cũng tạo ra những rào cản trong quá trình thực hiện...

Do đó, các đại biểu khẳng định việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tổ chức sản xuất, khoán trong công ty lâm nghiệp; sửa đổi, bổ sung Nghị định 168/2016/NĐ-CP là cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, chủ động tổ chức sản xuất kinh doanh trong các công ty lâm nghiệp.../.