Các hành vi bị cấm trong hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa
Ảnh tư liệu minh họa.

Theo dự thảo Nghị định, các hành vi bị cấm trong hoạt động mua bán hàng hóa quy định tại điểm d khoản 2 Điều 71 Luật Thương mại bao gồm:

1- Trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện hành vi gian lận, lừa đảo, làm giả tài liệu, tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin hoặc bỏ sót thông tin cần thiết gây hiểu nhầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động tổ chức thị trường hàng hóa tương lai, kinh doanh hàng hóa tương lai, thanh toán bù trừ hàng hóa tương lai hoặc cung cấp dịch vụ về hàng hóa tương lai.

2- Sử dụng thông tin nội bộ để giao dịch hàng hóa tương lai cho chính mình hoặc cho cá nhân hoặc tổ chức khác; tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc môi giới cho tổ chức hoặc cá nhân khác giao dịch hàng hóa tương lai trên cơ sở thông tin nội bộ.

3- Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc giao dịch hàng hoá tương lai nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch hàng hóa tương lai bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá hàng hóa tương lai; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá hàng hóa tương lai.

4- Thực hiện hoạt động tổ chức thị trường hàng hoá tương lai, kinh doanh hàng hóa tương lai, các dịch vụ liên quan đến hàng hóa tương lai trái quy định của Nghị định này.

5- Sử dụng tài khoản, tài sản của khách hàng khi không được khách hàng ủy thác hoặc trái quy định của pháp luật hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

6- Cho người khác mượn tài khoản để giao dịch hàng hoá tương lai, đứng tên sở hữu hàng hóa tương lai hộ người khác dẫn đến hành vi thao túng giá cả hàng hóa là tài sản cơ sở của hợp đồng tương lai.

Nguyên tắc hoạt động và chức năng của Sở giao dịch hàng hóa

Dự thảo Nghị định nêu rõ, Sở giao dịch hàng hóa hoạt động theo nguyên tắc ưu tiên lợi ích công cộng, duy trì sự công bằng, trật tự và minh bạch của thị trường giao dịch hàng hóa tương lai.

Sở giao dịch hàng hóa có chức năng cung cấp địa điểm và phương tiện cần thiết để thực hiện giao dịch hợp đồng tương lai, tổ chức thị trường hàng hóa tương lai và giám sát giao dịch hàng hóa tương lai.

Sở giao dịch hàng hóa là đơn vị có lợi ích công chúng. Sở giao dịch hàng hóa được cấp phép và thực hiện các hoạt động kinh doanh theo quy định tại Nghị định này, các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam và cam kết của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.