Trong khi đó, mặt hàng gạo vẫn sẽ duy trì ở mức cao theo nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiêu thụ lớn, trong bối cảnh nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới hạn chế.

PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình thị trường giá cả một số mặt hàng thiết yếu trong 9 tháng năm 2023, đặc biệt là giá dầu, gas và mặt hàng gạo?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Trong 9 tháng năm 2023, thị trường hàng hóa nguyên liệu có những biến động khó lường, đặc biệt là các nhóm mặt hàng quan trọng như xăng dầu, gas và gạo.

Đối với giá dầu, đã có những thời điểm giá dầu xuống gần vùng 60 USD/thùng, là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2021. Tuy nhiên, kể từ đầu quý III cho đến nay, giá xăng dầu đã liên tục tăng cao, có thời điểm lên sát vùng giá 100 USD/thùng vào cuối tháng 9 vừa qua. Đóng cửa ngày 10/10, giá dầu WTI chốt ở mức 85,97 USD/thùng, dầu Brent ở mức 87,65 USD/thùng.

Giá dầu, gas vẫn có thể tăng những tháng cuối năm

Giá dầu, gas vẫn có thể tăng những tháng cuối năm. Ảnh: TL.

Đối với thị trường gas, giá gas trong nước ghi nhận tháng tăng thứ 3 liên tiếp do ảnh hưởng của giá thế giới. Trên Sở NYMEX, giá khí tự nhiên đang có chuỗi 6 ngày tăng giá liên tiếp với mức tăng hơn 14% kể từ đầu tháng 10 tới nay.

Còn trên thị trường gạo, từ đầu năm đến nay, giá gạo xuất khẩu bình quân luôn ở mức cao và có thời điểm tăng liên tục, hiện đang ở vùng giá khoảng 553 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ vững ở mức cao nhất thế giới. Tính đến ngày 10/10, theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo 5% tấm Việt Nam xuất khẩu ở mức 618 USD/tấn, cao hơn đến 40 USD/tấn so với gạo cùng loại từ Thái Lan và 70 USD/tấn so với gạo Pakistan. Tương tự, giá gạo 20% tấm của nước ta đạt mức 598 USD/tấn, bỏ xa các đối thủ cùng khu vực.

PV: Những nguyên nhân nào ảnh hưởng đến việc tăng, giảm giá các mặt hàng trên, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Theo tôi, các thị trường đều đã chịu ảnh hưởng bởi 2 yếu tố, đó là cung - cầu của từng mặt hàng và bức tranh kinh tế toàn cầu.

Giá dầu, gas vẫn có thể tăng những tháng cuối năm
Ông Nguyễn Đức Dũng

Ví dụ như thị trường dầu thô, mặc dù nguồn cung bị thắt chặt do chính sách của các nước trong nhóm OPEC+, nhưng giá dầu vẫn chưa thể vượt ngưỡng 100 USD/thùng do lo ngại nhu cầu sẽ sụt giảm khi triển vọng kinh tế trở nên tiêu cực hơn. Gần đây, cuộc xung đột tại khu vực Israel cũng chỉ khiến giá dầu tăng trong ngắn hạn, rồi nhanh chóng đảo chiều giảm sau đó. Điều này cho thấy, các yếu tố thực tế về cung - cầu vẫn có ý nghĩa rất lớn đối với giá dầu.

Thị trường sẽ tập trung sự chú ý đến việc Ả rập Saudi sẽ duy trì chính sách cắt giảm sản lượng đến bao giờ, hay các thông tin xoay quanh việc cấm, hạn chế xuất khẩu dầu từ Nga. Các thông tin này vẫn rất mạnh và có thể tác động đến thị trường dầu trong trung và dài hạn.

Trong khi đó, thị trường khí đốt tự nhiên, gas sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi các dự báo thời tiết mùa đông sắp tới tại Mỹ và châu Âu. Bởi thời tiết sẽ quyết định tới nhu cầu sử dụng khí đốt tại các khu vực này và sẽ ảnh hưởng tới giá trên thị trường thế giới. Mới đây, thông tin một vụ rò rỉ đường ống ở khu vực Baltic cũng tạo ra lo ngại gián đoạn nguồn cung và đã đẩy giá khí đốt tăng cao.

Còn đối với giá gạo, yếu tố cung cầu cũng có tính chất quyết định tới giá. Thị trường gạo toàn cầu bắt đầu sôi sục từ cuối tháng 7 khi Ấn Độ tuyên bố cấm xuất khẩu gạo trắng thông dụng. Tiếp đó là hàng loạt động thái siết chặt nguồn cung từ quốc gia này. Đây là nguyên nhân chính đẩy giá gạo diễn biến “nóng” vào giai đoạn vừa qua, đặc biệt là thời điểm cuối tháng 8, đầu tháng 9.

PV: Theo ông, trong quý IV/2023, dự báo giá những mặt hàng này có thể tăng, giảm ra sao?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Hiện nay, một số ngân hàng lớn trên thế giới bao gồm JP Morgan, Citigroup, ANZ… dự báo giá dầu Brent có thể tiến tới mốc 100 USD/thùng trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt từ 1 đến 2 triệu thùng/ngày.

Theo tôi, điều này là có cơ sở, nhưng đó là trong trường hợp các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ cho thấy đà tăng trưởng rất tích cực và nền kinh tế Trung Quốc phục hồi tốt hơn dự kiến.

Về phía các nhà xuất khẩu lớn của OPEC+, ví dụ như Ả Rập Saudi sẽ phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ dầu mỏ. Cho nên, giá dầu cần phải đạt trên 80 - 85 USD/thùng mới có thể đủ đảm bảo cân bằng ngân sách của quốc gia này. Do đó, “thủ lĩnh” nhóm OPEC nhiều khả năng vẫn giữ vững động thái siết chặt nguồn cung và điều này khiến cho giá dầu còn dư địa tăng cao trong quý cuối năm.

Kịch bản tương tự có thể sẽ xuất hiện trên thị trường khí đốt tự nhiên, bởi nhu cầu sưởi ấm sẽ tăng cao hơn vào mùa đông. Đây cũng là thời điểm xảy ra nhiều trận bão tuyết ở Mỹ và châu Âu, thường sẽ ảnh hưởng đến các đường ống dẫn khí, gây gián đoạn nguồn cung và đẩy giá tăng cao.

Với mặt hàng gạo, theo tôi giá xuất khẩu mặt hàng này từ nay đến cuối năm vẫn sẽ duy trì ở mức cao theo nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiêu thụ lớn như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và châu Phi, trong bối cảnh nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan hạn chế.

PV: Xin cảm ơn ông!

Yếu tố cung - cầu có ý nghĩa rất lớn đối với giá dầu

Ông Nguyễn Đức Dũng cho rằng, các yếu tố thực tế về cung - cầu vẫn có ý nghĩa rất lớn đối với giá dầu. Đồng thời, việc Ả rập Saudi sẽ duy trì chính sách cắt giảm sản lượng đến bao giờ, hay các thông tin xoay quanh việc cấm, hạn chế xuất khẩu dầu từ Nga có thể tác động đến thị trường dầu trong trung và dài hạn.