Các ngân hàng Mỹ nắm giữ lượng tiền mặt lên đến gần 3.300 tỷ USD
Vụ sụp đổ Silicon Valley Bank buộc các ngân hàng của Mỹ phải gia tăng nắm giữ tiền mặt. Ảnh: T.L

Theo số liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, tính đến ngày 23/8, tổng lượng tiền mặt của các ngân hàng Mỹ đã tăng 5,4% so với cuối năm 2022 lên 3.260 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức thông thường trước đại dịch, nhưng thấp hơn mức ghi nhận trong các tuần ngay sau các vụ phá sản ngân hàng hồi tháng 3.

Lượng tiền mặt của các ngân hàng vừa và nhỏ tăng 12% so với hồi đầu năm, còn tại 25 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, lượng tiền mặt tăng khoảng 2,9%.

Ông David Fanger, Phó Chủ tịch cấp cao của công ty xếp hạng tín nhiệm Moody's nhận định, đây là một phản ứng hợp lý với một nền kinh tế đang suy yếu và đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng đang chứng khiến dòng tiền gửi sụt giảm và họ cần phải giữ tiền mặt.

Sự sụp đổ của các ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank hồi tháng 3 đã gây ra xu hướng rút tiền gửi ồ ạt và hướng sự chú ý của dư luận đến sức khỏe tài chính của các ngân hàng.

Gần đây hơn, lĩnh vực ngân hàng còn chịu tác động từ việc các hãng xếp hàng tín nhiệm S&P và Moody’s lần lượt hạc bậc xếp hạng của nhiều ngân hàng Mỹ vào tháng trước.

Vụ phá sản của SVB đã khiến các ngân hàng tăng cường nắm giữ tiền mặt. Trong vòng hai tuần sau khi vụ này trên xảy ra, lượng tiền mặt của các ngân hàng Mỹ đã tăng lên 3.490 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 4/2022.

Các ngân hàng quy mô vừa cũng đang lo ngại về khả năng các cơ quan quản lý thắt chặt quy định đối với lĩnh vực này.

Giới chức Mỹ cho biết, có thể sẽ ban hành các yêu cầu khắt khe hơn về vốn và thanh khoản đối với các ngân hàng có khối tài sản từ 100 tỷ USD trở lên.

Các ngân hàng cần lượng tiền mặt lớn hơn để thực hiện các nghĩa vụ tài chính giữa lúc khách hàng rút nhiều tiền gửi, và cũng để dự phòng những rủi ro như lỗ khoản cho vay, trong bối cảnh Fed giữ lãi suất ở mức cao để hạ nhiệt tăng trưởng kinh tế và lạm phát./.