Hành lang pháp lý chưa theo kịp tốc độ phát triển của thị trường

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động kinh doanh bất động sản, đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch.

Theo Bộ Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 dù hiện đại, tiến bộ tại thời điểm ban hành nhưng một số điều luật đến nay đã không theo kịp sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của thị trường bất động sản. Quá trình triển khai thực hiện đến nay đã nảy sinh những tồn tại, bất cập.

Cần xây dựng khung pháp lý cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng như đối với nhà ở
Luật Kinh doanh bất động sản 2014 chưa quy định cụ thể, riêng đối với một số loại bất động sản như nhà ở, công trình dịch vụ, thương mại, du lịch. Ảnh: TL

Trong đó, phạm vi điều chỉnh và quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014 chưa được rõ ràng hoặc có sự giao thoa với một số pháp luật khác như: Luật Đất đai (về chuyển nhượng quyền sử dụng đất), Luật Nhà ở (về mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở), Luật Đầu tư (về chuyển nhượng dự án bất động sản), pháp luật dân sự (về hợp đồng kinh doanh…).

Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định chung về kinh doanh nhà, công trình xây dựng mà chưa quy định cụ thể, riêng đối với một số loại bất động sản như nhà ở, công trình dịch vụ, thương mại, du lịch… (trong khi việc kinh doanh nhà ở lại được điều chỉnh cả trong Luật Nhà ở).

Cùng với đó, luật có các quy định chung về kinh doanh nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai nhưng chủ yếu là điều chỉnh hoạt động kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai mà chưa quy định đầy đủ đối với các loại bất động sản hình thành trong tương lai khác (như công trình thương mại, dịch vụ, du lịch,…)...

Luật Kinh doanh bất động sản cần được sửa đổi, bổ sung để đề cập đầy đủ hơn các hình thức, loại hình kinh doanh bất động sản (đặc biệt là các loại hình kinh doanh bất động sản mới được hình thành); đảm bảo thực thi hiệu quả trong thực tế áp dụng và tạo môi trường pháp lý hiệu quả cho phát triển năng lực của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, tạo động lực cho phát triển thị trường bất động sản.

Cần khung chính sách để phát triển bất động sản du lịch

Đáng chú ý, tại dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Bộ Xây dựng đã đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể hơn về các loại bất động sản đưa vào kinh doanh tại Điều 5.

Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung để làm rõ, bảo đảm tính công khai, minh bạch của hoạt động kinh doanh bất động sản và tránh chồng chéo, giao thoa của hệ thống pháp luật. Cụ thể như: các hoạt động kinh doanh nhà ở hiện được điều chỉnh ở cả Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và Luật Nhà ở năm 2014 sẽ được nghiên cứu để thống nhất quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) lần này.

Pháp lý cho condotel quan trọng không khác gì nhà ở
Cần xây dựng khung pháp lý chặt chẽ để bất động sản du lịch (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel) phát triển ổn định. Ảnh: TN

Đồng thời, dự thảo luật cũng sẽ làm rõ các nội dung liên quan đến kinh doanh bất động sản dưới dạng quyền sử dụng đất trong các dự án bất động sản, tránh chồng chéo với pháp luật về đất đai. Hợp nhất các quy định yêu cầu về công khai thông tin bất động sản của luật hiện hành và các quy định về thông tin nhà ở của Luật Nhà ở để thống nhất quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); bổ sung một số nội dung quy định cụ thể về giao dịch, kinh doanh các loại bất động sản là công trình căn hộ du lịch (Condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (Officetel), biệt thự du lịch,…

Chia sẻ tại diễn đàn “Tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách và nguồn vốn để nâng cao hiệu quả thị trường bất động sản” được tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong thủ tục pháp lý cũng như nguồn vốn, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Theo ông Vũ Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn VNGroup, bên cạnh nguồn vốn, các nút thắt về pháp lý cũng cần sớm được tháo gỡ để doanh nghiệp có thể sớm thực hiện dự án. Ông Thành cho hay, khi đến các địa phương đầu tư doanh nghiệp mong muốn được tạo điều kiện để hai bên cùng có lợi, và làm sao thay đổi quan điểm xin cho đối với nhà đầu tư.

“Vấn đề xây dựng pháp lý cho condotel cần được ưu tiên. Cần sửa đổi, bổ sung quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 theo hướng định danh chính thức các loại bất động sản du lịch; xác định rõ các hình thức xác lập giao dịch; bổ sung quy định về chuyển nhượng hợp đồng mua bán bất động sản du lịch trong tương lai; quy định cụ thể về thế chấp bất động sản du lịch…

Đặc biệt, cần bổ sung các quy định về điều chỉnh quan hệ giữa khách hàng mua bất động sản du lịch với chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản du lịch trong cam kết lợi nhuận khi thuê lại bất động sản du lịch của người mua” - PGS. TS Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Mặt khác, mỗi địa phương, cơ quan quản lý cần cố gắng tối giản hơn về cơ chế chính sách để cho mọi hoạt động của doanh nghiệp không bị tắc nghẽn. Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp thường nảy sinh nhiều vướng mắc bất cập, do đó mỗi địa phương, cơ quan quản lý cần xử lý, tháo gỡ cho doanh nghiệp một cách kịp thời.

Ở góc nhìn khác, GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, rất cần một khung chính sách để phát triển được bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Bởi vì, phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tiềm năng rất lớn. Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết nâng kinh tế du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn. Quyết định đó cho thấy, chúng ta phải sắp xếp lại các phân khúc bất động sản và phát triển nó tương xứng với tiềm năng phát triển.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, cần phải xây dựng khung pháp lý cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vì nó quan trọng không khác gì khung pháp lý cho nhà ở, để phân khúc bất động sản này phát huy tiềm năng, lợi thế, hiệu quả như chúng ta đang mong đợi./.