![]() |
Khu vực Bắc Quảng Trị có nhiều dự án nhà ở xã hội được nhà đầu tư quan tâm đề xuất. Ảnh: NT |
Nhu cầu tăng lên rõ rệt
Sau khi sáp nhập, tỉnh Quảng Trị mới có tổng diện tích lên đến hơn 12.699 km2, quy mô dân số hơn 1,8 triệu người. Theo khảo sát sơ bộ, sau sáp nhập, sẽ có hơn 1.100 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chuyển ra làm việc tại trung tâm hành chính mới của tỉnh ở khu vực phường Đồng Hới và các khu vực lân cận.
Bên cạnh một số cán bộ sẽ được phân công nhà ở công vụ theo tiêu chuẩn chức vụ, một bộ phận không nhỏ công chức, viên chức, người lao động tại các sở, ban, ngành cũng có nhu cầu sở hữu nhà ở xã hội, nhằm ổn định sinh hoạt tại nơi làm việc mới.
Đồng thời, với việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ngày một sôi động, dự báo nhu cầu về nhà ở của lực lượng công nhân, người lao động làm việc tại các nhà máy trong các khu công nghiệp cũng sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Ông Văn Đức Lợi - Phó giám đốc Sở Xây dựng Quảng Trị cho biết, theo nội dung Quyết định số 444/QĐ-TTg ngày 27/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025 và các năm tiếp theo, đến năm 2030, tỉnh Quảng Trị (trước sáp nhập) được giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội giai đoạn 2025 - 2030 là 9.100 căn.
Còn theo Chương trình Phát triển nhà ở tỉnh Quảng Trị (trước sáp nhập) giai đoạn 2021 - 2030 định hướng 2045, Quảng Trị phấn đấu phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động khu công nghiệp và đối tượng khác là 6.070 - 9.470 căn, trong giai đoạn 2026 - 2030.
Theo Kế hoạch đã phê duyệt, tổng số dự án nhà ở xã hội thực hiện giai đoạn 2023 - 2030 của tỉnh Quảng Bình (cũ) là 46 dự án với tổng diện tích 100,44 ha. Trong đó, có 12/46 dự án có tổng diện tích 79,8 ha đã đảm bảo kết nối hạ tầng, sẵn sàng kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện; có 41/46 dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết và quy hoạch phân khu.
Nhà đầu tư chưa mặn mà
Mặc dù một số dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Trị mới đã được triển khai, tuy nhiên, trên thực tế con số này vẫn còn quá ít so với các chỉ tiêu đưa ra.
Ông Nguyễn Đức Tân - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Quảng Trị cho biết, vẫn có nhà đầu tư còn chần chừ, cân nhắc trong việc triển khai dự án nhà ở xã hội. Một trong những nguyên nhân là do quy trình thủ tục phức tạp, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn để thu hút, khuyến khích chủ đầu tư giảm giá bán cho đối tượng thu nhập thấp.
Với việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều trở ngại, chi phí lớn, cộng với việc giá đất trên địa bàn còn nhiều biến động, việc nhà đầu tư có thể hạ giá thành sản phẩm dự án nhà ở xã hội sau đầu tư mà vẫn có lợi nhuận là một bài toán không dễ dàng” - ông Tân phân tích.
Qua trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một doanh nghiệp đang đầu tư một dự án nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng thẳng thắn thừa nhận, mặc dù trong phạm vi dự án có quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội, tuy nhiên doanh nghiệp này sẽ không tham gia đầu tư mà bàn giao lại quỹ đất này cho chính quyền địa phương thực hiện, bởi doanh nghiệp lo ngại các vấn đề về thủ tục pháp lý.
Về phần mình, ông Phạm Hồ Hoàng Long - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và đầu tư An Thành nhận định, trong thời điểm này, những nhà đầu tư lớn có tiềm lực tài chính sẽ ưu tiên lựa chọn đầu tư các dự án nhà ở thương mại hơn là đầu tư vào nhà ở xã hội.
“Tiềm năng và lợi nhuận khi đầu tư vào nhà ở xã hội không bằng so với đầu tư vào nhà ở thương mại, mà thủ tục pháp lý, hành chính thì còn nhiều hơn và khó khăn hơn” - ông Long lý giải.
Cũng theo ông Long, mặc dù Chính phủ đang có các chính sách thí điểm ưu đãi cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào nhà ở xã hội, tuy nhiên, thực tế chỉ có những doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn mới ưu tiên đầu tư vào nhà ở xã hội, bởi việc tiếp cận vay vốn dễ dàng hơn.
Ông Nguyễn Đức Cường - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Trị cho biết, để kịp thời tháo gỡ các khó khăn trong việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh, Sở đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính tham mưu bố trí ngân sách địa phương thực hiện hỗ trợ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, đề xuất cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Cùng với đó, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tham mưu xử lý vướng mắc cho các chủ đầu tư; giải quyết, bố trí quỹ đất đầy đủ, nhanh chóng, giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư, ưu tiên giao đất cho các chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội./.