ht

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: LV

Xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng 28%

Phát biểu tại hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vận dụng FTA Việt - Hàn”, ngày 17/10 tại Hà Nội, ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, sau 25 năm thiết lập quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc, mối quan hệ hai nước đã phát triển rực rỡ trên nhiều lĩnh vực và được thể hiện rõ nhất trong mối quan hệ đầu tư và thương mại.

Thương mại hai chiều đã tăng hơn 86 lần, từ 0,5 tỷ USD năm 1992 (khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao) lên 43,4 tỷ USD vào năm 2016. Hiện nay, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc.

Với việc VKFTA chính thức có hiệu lực từ 20/12/2015, hợp tác về đầu tư và thương mại giữa hai nước càng được tiếp thêm đà tăng trưởng. Tính đến tháng 9/2017, Hàn Quốc là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam, với 6.324 dự án và tổng số vốn đăng ký 55,8 tỷ USD.

Các số liệu thống kê kim ngạch thương mại hai chiều đối với các mặt hàng cắt giảm thuế theo VKFTA luôn duy trì ở mức cao và ổn định. Trong năm 2016 - năm đầu tiên thực hiện VKFTA, xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang Hàn Quốc đã tăng 28%, gần gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước.

Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã đạt 45,09 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam XK sang Hàn Quốc kim ngạch hàng hóa trị giá 10,68 tỷ USD và nhập khẩu (NK) từ Hàn Quốc 34,41 tỷ USD.

Cơ cấu mặt hàng XK của Việt Nam sang Hàn Quốc bao gồm hàng: Dệt may, sắt thép, điện thoại và các linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng thủy sản... Việt Nam NK từ Hàn các mặt hàng: Ô tô nguyên chiếc, vải các loại, linh kiện phụ tùng ô tô, nguyên phụ liệu dệt may, da giày...

Theo bà Trần Kinh Oanh - Giám đốc Trung tâm Đầu tư phát triển công thương - Cục Xúc tiến thương mại, mức độ cam kết chung của Hàn Quốc tại VKFTA đều cao hơn mức độ cam kết của Hàn Quốc tại FTA Hàn Quốc - ASEAN (AKFTA); trong đó, giá trị nhập khẩu cam kết tại VKFTA là 97,2% (AKFTA là 91,7%), số dòng thuế ưu đãi là 95,4% (AKFTA là 91,3%).

Các mặt hàng Hàn Quốc và Việt Nam cam kết cắt giảm thuế đều có mức tăng trưởng tốt sau khi VKFTA có hiệu lực. Cụ thể, với các mặt hàng XK của Việt Nam sang Hàn như: nhóm hàng chế biến chế tạo (là nhóm hàng dẫn dắt sự tăng trưởng XK của Việt Nam sang Hàn Quốc), chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, đã đạt kim ngạch 5,4 tỷ USD, tăng 28,6% (so với cùng kỳ 2016). Nhóm hàng nông thủy sản, đạt 497,2 triệu USD tăng 29,3% so.

Còn đối với nhóm hàng NK từ Hàn Quốc (theo cam kết cắt giảm thuế của phía Việt Nam) như các sản phẩm máy móc thiết bị, sản phẩm điện tử, linh kiện phụ tùng, nguyên liệu dệt may da giầy tăng từ 16 - 20%.

DN cần tìm hiểu kỹ VKFTA và yêu cầu thị trường

Theo ông Bùi Thanh Sơn, các mặt hàng Hàn Quốc và Việt Nam cam kết cắt giảm thuế theo VKFTA đều có mức tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng NK của Việt Nam có xu hướng cao hơn tốc độ tăng trưởng XK của Việt Nam sang đối tác này. “Điều này không có nghĩa là các doanh nghiệp (DN) Việt nắm bắt cơ hội từ VKFTA kém hơn các DN Hàn” - ông Sơn khẳng định.

Ông Sơn cho biết, về cơ cấu XNK Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam nhập siêu từ Hàn Quốc diễn ra từ nhiều năm nay. Điều này cũng không dựa hoàn toàn vào tính chủ động của các DN mà phụ thuộc nhiều vào cơ cấu sản xuất của hai nền kinh tế.

Hoạt động NK từ Hàn Quốc chiếm giá trị lớn, bởi lẽ Việt Nam nhập khẩu rất nhiều máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu dệt may, hóa chất từ Hàn Quốc, trong khi đó Việt Nam XK sang Hàn vẫn chủ yếu là nhóm nông thủy sản (giá trị XK sẽ thấp hơn nhóm hàng công nghiệp) và gần đây có thêm nhóm cơ khí chế tạo.

Tuy nhiên, giá trị NK lớn từ Hàn Quốc phần lớn là nguyên phụ liệu, đặc biệt là máy móc thiết bị phục vụ các dự án đầu tư của Hàn tại Việt Nam. Đó là nền tảng để Việt Nam có thể tăng trưởng sản xuất trong nước và XK sang các nước khác, đóng góp vào kết quả xuất siêu chung của toàn bộ nền kinh tế.

Nhận định về tăng trưởng thương mại song phương Việt - Hàn trong thời gian tới, TS. Park Chulho - Tổng giám đốc Kotra (Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc) tại Hà Nội cho biết, năm 2014, kim ngạch thương mại 2 nước đạt 30 tỷ USD. Nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch thương mại hai nước đã vượt mức 30 tỷ USD và tăng rất nhanh. Do đó, việc có thể đạt kim ngạch song phương 70 tỷ USD, thậm chí 100 tỷ USD vào năm 2020 là điều hoàn toàn trong tầm tay.

Theo TS. Park Chulho, khi vận dụng VKFTA, các DN phải lưu ý nghiên cứu chuẩn bị kỹ các giấy tờ, đặc biệt là giấy chứng nhận xuất xứ C/O. Vì vậy, các DN Việt cần hiểu rõ về VKFTA. Nếu có khó khăn, các DN có thể liên hệ với Cục Xúc tiến thương mại và Kotra để giải đáp các thắc mắc, khó khăn của DN Việt khi thực hiện FTA này.

Còn theo ông Sơn, để tận dụng tốt các cơ hội VKFTA mang lại, các DN Việt cần tìm hiểu kỹ yêu cầu của thị trường để tự hoàn thiện mình, nâng cao chất lượng sản phẩm, thiết kế mẫu mã, tiếp cận thị trường sao cho phù hợp với đặc thù, thị hiếu, nhu cầu của từng thị trường khác nhau. Có như vậy mới đáp ứng được và thâm nhập thành công thị trường Hàn Quốc.

Ông Sơn cho biết, điểm khác biệt nhất của thị trường Hàn Quốc so với thị trường Việt là phải thâm nhập được hệ thống phân phối của thị trường. Hàn Quốc là một trong những thị trường đã phát triển rất lâu năm và họ xây dựng hệ thống phân phối rất tốt, chủ yếu là các DN của Hàn Quốc chi phối thị trường này.

Muốn bán hàng được tại Hàn phải nghiên cứu kỹ để tìm cách thâm nhập vào hệ thống phân phối này. Còn việc tự lập một hệ thống phân phối hay tự lập cửa hàng tại Hàn Quốc là không dễ dàng, chi phi sẽ rất lớn và việc tiếp cận với khách hàng cũng rất khó khăn. Vì vậy, phải tìm hiểu rất kỹ về hệ thống phân phối tại thị trường Hàn và tham gia cùng các chương trình xúc tiến thương mại của các cơ quan chính phủ thực hiện để có thể tham gia được vào chuỗi hệ thống này./.

Vũ Luyện