Giá thực phẩm tại Hà Nội bắt đầu có dấu hiệu 'hạ nhiệt' Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng 0,45% FAO: Chỉ số giá lương thực thế giới giảm 19% trong tháng 2/2023

Lạm phát có khả năng giảm dần trong các tháng tới

Đây là thông tin được Tổng cục Thống kê cho biết tại cuộc họp báo sáng 29/3. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 giảm 0,23% so với tháng trước, nhưng tăng 0,74% so với tháng 12/2022 và tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chính khiến CPI tháng 3 có xu hướng giảm là do giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; giá xăng dầu, giá gas giảm theo giá nhiên liệu thế giới. Trong mức giảm 0,23% của CPI tháng 3/2023 so với tháng trước, có 6 nhóm hàng giảm giá, 5 nhóm hàng tăng giá. Tính chung quý I/2023, CPI vẫn tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I/2023, thị trường hàng hóa thế giới chịu tác động bởi nhiều yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị. Tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine chưa dừng lại, chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất ở mức cao, tiêu dùng và các hoạt động kinh tế suy giảm trên diện rộng tại nhiều quốc gia có tác động đến giá cả nhiều loại hàng hóa trên thế giới.

Trước bối cảnh đó, tình hình lạm phát thế giới trong những tháng đầu năm 2023 tuy đã hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức cao. Việt Nam không thuộc nhóm nước có mức lạm phát cao khi CPI tháng 3/2023 tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 hạ nhiệt do giá xăng dầu, thực phẩm giảm

Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, CPI 3 tháng đầu năm có mức tăng theo xu hướng giảm dần, trong đó tháng 1 tăng 4,89% so với cùng kỳ năm trước, tháng 2 tăng thấp hơn với mức 4,31%, tháng 3 tăng 3,35%. Bình quân 3 tháng đầu năm, CPI tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước.

Theo dõi biến động CPI so với cùng kỳ năm trước trong vòng 10 năm trở lại đây cho thấy, bắt đầu từ năm 2014, cứ 3 năm lặp lại chu kỳ CPI tăng cao trong những tháng đầu năm, sau đó theo xu hướng giảm dần cho đến hết năm. CPI bình quân cả năm của những năm này đều thấp hơn CPI bình quân của 3 tháng đầu năm. Do đó, nếu không có yếu tố bất thường xảy ra, theo quy luật trước đây thì có khả năng sẽ tiếp tục xu hướng giảm dần trong những tháng tiếp theo.

Lạm phát cơ bản tăng cao nhất trong 10 năm gần đây

Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thống kê cũng lưu ý, trong năm 2023, các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng lạm phát là rất lớn với nhiều khó khăn và thách thức, nhất là giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao.

Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất, nên sẽ nhập khẩu lạm phát, ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, đô la Mỹ tăng giá càng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, do đó sẽ càng gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.

Việc tăng lương, tăng giá điện sẽ kéo theo giá các hàng hóa khác tăng theo. Thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý theo lộ trình như dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục sẽ tác động tới CPI trong năm 2023.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 hạ nhiệt do giá xăng dầu, thực phẩm giảm

Một vấn đề đáng quan tâm nữa là lạm phát cơ bản tháng 3/2023 tăng 0,22% so với tháng trước, tăng 4,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 4,18%) và là mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Theo bà Nguyễn Thu Oanh, nguyên nhân chủ yếu là do cùng thời gian này năm trước dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn để đón khách du lịch quốc tế. Ngoài ra, các chính sách như hỗ trợ thuế giá trị gia tăng, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí… đã hết hiệu lực từ đầu năm 2023 khiến giá cả hàng hóa tăng trở lại.

Chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng cao do giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào trong nước và nhập khẩu hiện vẫn ở mức cao cũng đang được phản ánh vào giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Đồng thời, bình quân giá xăng dầu trong nước quý I/2023 giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI, nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Tuy nhiên, theo nhận định của Tổng cục Thống kê, với kinh nghiệm điều hành giá thành công trong những năm vừa qua của Chính phủ, sự nỗ lực của doanh nghiệp và người dân, lạm phát năm nay sẽ được kiểm soát theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

Chỉ số giá vàng giảm, giá đô la Mỹ tăng

Trong tháng 3, chỉ số giá vàng giảm 0,56% so với tháng trước; giảm 2,36% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I/2023, chỉ số giá vàng trong nước tăng 1,25%. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3 tăng 0,47% so với tháng trước; tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý I/2023, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước tăng 3,45%.