Tốc độ giải ngân còn chậm trễ hơn năm ngoái

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, lũy kế 7 tháng, chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 232,1 nghìn tỷ đồng, bằng 34,3% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 34,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này giảm 8,4% (-21,3 nghìn tỷ đồng) so cùng kỳ năm ngoái. Cùng kỳ năm 2023 giải ngân đạt 253,4 nghìn tỷ đồng, bằng 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Chính phủ rốt ráo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Vào đầu năm ngoái, đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc Nam. Ảnh TL mimh hoạ

Tiến độ giải ngân đến thời điểm này là chậm. Căn bệnh cố hữu của công tác giải ngân đó là “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”, nhưng qua nhiều năm, tình trạng này cũng không được cải thiện là mấy.

Nhiều địa phương cam kết phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024

Tại cuộc họp trực tuyến gần đây của Bộ Tài chính với các địa phương, đại diện nhiều địa phương đã báo cáo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và cam kết phấn đấu giải ngân đạt từ 95-100% vốn đầu tư công trên địa bàn, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính hằng tháng tổng hợp tình hình giải ngân vốn đầu tư công và gửi kiến nghị với nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước.

Nguyên nhân giải ngân chậm bấy lâu nay đã được “mổ xẻ” kỹ càng, nhưng vẫn luôn là những nguyên nhân cố hữu. Có thể kể đến, như: Công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án chưa tốt, dẫn đến dự án chưa đủ điều kiện giao vốn; thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư mất nhiều thời gian, nhất là thủ tục phê duyệt thiết kế, đấu thầu, giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, việc cập nhật, rà soát, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng chưa phản ánh kịp thời sự thay đổi của thị trường, giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng tăng cao, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp ảnh hưởng tiêu cực đến công tác đầu tư xây dựng. Hơn thế, những khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm chủ yếu do vướng mắc về xác định giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành... cũng gây chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công.

Đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài giải ngân còn chậm trễ hơn. Điều này có nguyên nhân do thời gian lập đề xuất dự án đến triển khai thực hiện kéo dài, thủ tục gia hạn hiệp định và điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án mất nhiều thời gian. Ngoài ra, năng lực một số nhà thầu tư vấn còn yếu kém dẫn đến chất lượng công tác tư vấn, hồ sơ còn hạn chế.

Địa phương tích cực vào cuộc

Sốt ruột khi tình hình giải ngân không được cải thiện, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 8/8/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, năm 2024 phải là năm bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Chính phủ rốt ráo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tình hình thi công dự án thành phần 2 tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng tại nút giao Lộ Tẻ-Rạch Sỏi (xã Thạnh Tiến, Vĩnh Thạnh, Cần Thơ) ngày 13/7/2024 . Ảnh TL

Việc đẩy nhanh giải ngân sẽ tạo tiền đề thuận lợi hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc.

Để đạt được mục tiêu phấn đấu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai một loạt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư và đấu thầu dự án.

Sát sao hơn nữa, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân từng tháng, quý. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ.

Rõ người, rõ việc, các bộ, ngành, địa phương phải phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án.

Đồng thời, chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án, tổng hợp nhu cầu bổ sung vốn của các dự án và có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định, bảo đảm giải ngân hết số vốn đã được giao.

Thủ tướng cũng yêu cầu không để tình trạng dự án chờ mặt bằng, tiền nằm chờ giải ngân. Đây chính là nút thắt trong triển khai dự án cần phải tập trung tháo gỡ.

Trực tiếp vào cuộc, trong sáng 8/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính- Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chủ trì họp phiên thứ 13 của Ban Chỉ đạo.

Phiên họp được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải trên địa bàn.

Phiên họp nhằm kiểm tra, đôn đốc các công việc sau phiên họp lần thứ 12 và bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các công trình, dự án. Sau 12 phiên họp, Thủ tướng Chính phủ- Trưởng Ban Chỉ đạo đã ban hành 12 kết luận; trên 400 công điện đôn đốc và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án.

Chỉ đạo tại cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn, kỹ sư, công nhân, người lao động tích cực, hăng say, nỗ lực với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "làm việc nào dứt việc đó", "đã cam kết phải thực hiện, đã hứa phải làm", đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm, hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng rốt ráo vào cuộc kiểm tra một số công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố. Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã cho phép thành lập Tổ kiểm tra các công trình trọng điểm trên địa bàn để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy việc triển khai các dự án.

Tại cuộc họp trực tuyến gần đây của Bộ Tài chính với các địa phương, đại diện nhiều địa phương đã báo cáo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và cam kết phấn đấu giải ngân đạt từ 95-100% vốn đầu tư công trên địa bàn, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính hằng tháng tổng hợp tình hình giải ngân vốn đầu tư công và gửi kiến nghị với nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước.

Được biết, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000 km đường cao tốc trên cả nước, trong đó khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải nỗ lực phấn đấu hoàn thành khoảng 600 km hưởng ứng và thực hiện hiệu quả phong trào thi đua "500 ngày đêm cao điểm hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc" để chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước, 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước./.

Hoàn thành 3.000 km đường cao tốc vào năn 2025

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cả nước đã hoàn thành 2 dự án đường bộ cao tốc (với 12 dự án thành phần, gồm 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ) với tổng chiều dài 693 km đi qua 15 tỉnh, thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên khoảng 2.021 km.

Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000 km đường cao tốc trên cả nước, trong đó khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải nỗ lực phấn đấu hoàn thành khoảng 600 km.