Hà Nội linh hoạt và chủ động trong công tác điều hành ngân sách
Trong nửa đầu năm, ngân sách thành phố cơ bản đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là các khoản chi liên quan đến con người. Ảnh tư liệu

Đảm bảo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội

6 tháng đầu năm 2025, công tác điều hành ngân sách và thực hiện thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) của Thủ đô đã đạt được những kết quả cơ bản.

Theo số liệu tổng hợp từ Sở Tài chính Hà Nội, tổng thu NSNN trên địa bàn thực hiện 6 tháng đầu năm là 392.200 tỷ đồng, đạt 77,6% dự toán, tăng 51,4% so với cùng kỳ, chiếm khoảng 29,4% tổng thu của cả nước (1.332,3 nghìn tỷ đồng).

Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi phù hợp với quy định

Thời gian tới, TP. Hà Nội tiếp tục phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; định mức phân bổ ngân sách và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách của thành phố phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2025.

Đạt kết quả này do thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện nhiệm vụ thu NSNN được giao; đồng thời, tiếp tục triển khai các chính sách giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Trung ương, qua đó tạo nguồn thu cho NSNN.

Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm thực hiện 66.895 tỷ đồng, đạt 40,3% dự toán giao đầu năm, đạt 36,5% dự toán sau điều chỉnh và tăng 50,5% so với cùng kỳ.

Đánh giá về công tác điều hành NSNN trong 6 tháng đầu năm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trương Việt Dũng cho biết, ngay từ đầu năm, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã phải kịp thời, phân bổ giao dự toán ngân sách năm 2025 theo quy định của Luật NSNN để các đơn vị triển khai các nhiệm vụ ngay từ đầu năm. Bên cạnh đó, ngân sách các cấp chủ động tổ chức điều hành chi theo dự toán, bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ được giao theo kế hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Ngoài dự toán đã giao đầu năm cho các cơ quan, đơn vị, 6 tháng đầu năm, thành phố đã kịp thời bổ sung kinh phí cho các nhiệm vụ phát sinh trong năm như: Kinh phí chi trả chính sách, chế độ đối với công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy trên địa bàn TP. Hà Nội theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025 của Chính phủ (đợt 2) năm 2025; kinh phí chi thu nhập tăng thêm theo Luật Thủ đô và Nghị quyết số 46/2024/NQ-HĐND ngày 10/12/2024 của HĐND thành phố;...

Như vậy, trong nửa đầu năm, ngân sách thành phố cơ bản đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội theo kế hoạch và nguồn kinh phí cho các sở, ngành, đơn vị và các quận, huyện, thị xã để thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán. Đặc biệt là các khoản chi liên quan đến con người, các khoản chi an sinh xã hội, phòng chống, xử lý, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, giải quyết các vấn đề bức xúc dân sinh và thực hiện các nhiệm vụ quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước theo hướng cân đối, hợp lý

TP. Hà Nội cũng nhận định, tình hình kinh tế, chính trị thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ môi trường quốc tế, nhất là chính sách áp thuế đối ứng của Mỹ, cũng như những vấn đề nội tại của nền kinh tế; ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tài chính – NSNN năm 2025.

Để hoàn thành các mục tiêu dự toán NSNN năm 2025, huy động đảm bảo nguồn lực đầu tư tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên, gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của thành phố, ông Trương Việt Dũng đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể của thành phố triển khai quyết liệt công tác thu NSNN, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa trong lĩnh vực thuế.

Đồng thời, cơ quan thuế, cơ quan hải quan tăng cường quản lý, khai thác các nguồn thu có tính bền vững, mở rộng cơ sở thuế, rà soát các nguồn thu để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh chống thất thu ở các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, còn nhiều rủi ro, nhất là đất đai, kinh doanh bất động sản, xăng dầu, vàng, thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới,...

Các đơn vị tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác quản lý thu, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, trốn thuế, gian lận thương mại; đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời các khoản nợ thuế, khoản phải thu vào NSNN theo kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước.

Cùng với đó, thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp cơ cấu lại thu, chi NSNN theo hướng cân đối hợp lý nguồn thu từ thuế, phí cho chi thường xuyên, góp phần tích lũy nguồn lực cho chi đầu tư phát triển, quản lý chặt chẽ chi NSNN; hạn chế tối đa bổ sung ngoài dự toán được giao, hủy dự toán hoặc chuyển nguồn sang năm sau; thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên NSNN; chủ động cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết và khi nguồn thu dự kiến không đạt dự toán…

Thành phố sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý và sử dụng tài chính - ngân sách; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước gắn với việc huy động các nguồn lực xã hội và sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Tăng cường quản lý, sử dụng tài sản công bảo đảm đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; tập trung vào việc sắp xếp, xử lý tài sản - đặc biệt là nhà, đất gắn với quá trình tổ chức, tinh gọn lại bộ máy…

Kịp thời phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho chính quyền địa phương 2 cấp

Triển khai các nhiệm vụ tài chính – ngân sách khi sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, TP. Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó đã chỉ đạo quyết liệt Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị rà soát, thực hiện xử lý tài sản, tài chính, ngân sách nhà nước trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy...

Trước tiên, điều chỉnh quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi. Để có cơ sở giao lại dự toán ngân sách năm 2025 cho các xã, phường mới đi vào hoạt động từ 1/7, tại kỳ họp chuyên đề 24 của HĐND thành phố tháng 6/2025, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố thực hiện điều chỉnh quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách TP. Hà Nội theo nguyên tắc: Giữ nguyên nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách cấp thành phố và ngân sách xã theo quy định tại Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 8/12/2022 của HĐND thành phố; nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách phường thực hiện theo nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách xã quy định tại Nghị quyết số 22.

Đồng thời, điều chỉnh toàn bộ nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách cấp quận, huyện, thị xã về ngân sách cấp thành phố làm cơ sở giao dự toán ngân sách năm 2025 và giao dự toán ngân sách cấp xã, phường được thuận lợi, đồng bộ. Đối với các nhiệm vụ chuyển giao từ cấp huyện về cấp xã thực hiện, ngân sách cấp thành phố sẽ bổ sung có mục tiêu để đảm bảo nguồn lực cho cấp xã triển khai thực hiện các nhiệm vụ một cách thông suốt, liên tục...