Chính sách tài khóa giai đoạn 2020 - 2024 đã hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng chống chịu, vượt qua khó khăn. Ảnh tư liệu. |
PV: Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc xây dựng và triển khai các chính sách tài khóa hơn 4 năm qua để tiếp thêm động lực cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế sớm phục hồi?
TS. Cấn Văn Lực: Với sự nỗ lực và quyết tâm Bộ Tài chính trong việc xây dựng và tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành những chính sách tài khóa giai đoạn 2020 - 2024 đã khẳng định vai trò chủ động, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nâng cao khả năng chống chịu, vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, xung đột địa chính trị, tạo lực đẩy quan trọng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi và phát triển.
Trong đó, quy mô ưu đãi, hỗ trợ chưa từng có “tiền lệ” với tổng giá trị hỗ trợ miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, phí và tiền thuê đất với con số kỷ lục hơn 930 nghìn tỷ đồng, đã kịp thời “khoan sức dân”, tạo nền tảng củng cố, phát triển các nguồn thu bền vững trong trung - dài hạn.
Đồng thời, với kỳ vọng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% cả năm 2024 đạt khoảng 637 nghìn tỷ đồng thì tổng vốn giải ngân đầu tư công giai đoạn 2020 - 2024 cũng sẽ ghi nhận những con số ấn tượng nhất trong vòng 10 năm trở lại đây (tương đương 5,7% GDP/năm), góp phần tạo sự lan tỏa, kích thích đầu tư tư nhân và vốn FDI.
Kết quả là, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2020 - 2024 ước đạt 5,06%, trong đó năm 2022 đạt cao nhất 8,12%, dự báo 2024 có thể đạt 6,7%, thuộc Top 15 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới, các động lực tăng trưởng cả phía cung và cầu phục hồi tích cực.
PV: Có ý kiến cho rằng, chính sách tài khóa đã phát huy rõ nét vai trò của mình trong thời gian qua. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận về việc chính sách tài khóa phải có sự đồng hành của các chính sách khác để cùng “gánh vác” nền kinh tế trong những thời điểm khó khăn. Ông nhìn nhận thế nào về ý kiến trên?
TS. Cấn Văn Lực: Với cách nhìn tổng thể và toàn diện, tôi cho rằng, cùng với vai trò chủ lực, “gánh vác” của chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác cũng đã đồng hành, phối kết hợp chặt chẽ và tích cực cả trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội như cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ giúp doanh nghiệp có thêm thời gian thu xếp tài chính để trả nợ, giảm lãi suất, phí dịch vụ. Chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác đã góp phần giảm chi phí đầu vào, bình ổn giá cả, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp (CPI bình quân 3 - 3,2% trong giai đoạn 2020 - 2024, nằm trong mức mục tiêu 4 - 4,5%), giữ vững ổn định vĩ mô trong bối cảnh giá cả, lạm phát toàn cầu ở mức cao.
Tuy nhiên, do một số chính sách có kết quả thực hiện còn thấp, mức độ thẩm thấu, lan tỏa còn hạn chế như: chương trình hỗ trợ tiền mặt đối với lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cho vay để doanh nghiệp trả lương và duy trì việc làm cho người lao động, gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm, các chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân đầu tư công ở một số dịa phương, bộ ngành còn chậm… Nếu các chương trình cấu phần này được thực hiện tốt hơn, nhanh hơn và kịp thời hơn, thì mức độ lan tỏa, tác động tích cực đến sức khỏe vật chất và tinh thần cho người dân, doanh nghiệp. Ta vẫn thường nói nhất quán, đồng bộ, nhịp nhàng và hiệu quả là như vậy.
PV: Để tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng, cần lưu ý gì trong điều hành chính sách tài khóa thời gian tới, thưa ông?
TS. Cấn Văn Lực: Theo tôi, “Kỷ cương, chủ động và hiệu quả” có lẽ vẫn là phương châm hành động phù hợp với chính sách tài khóa hiện tại và trong vài năm tới. Chủ động để thực hiện sớm các kế hoạch đã đề ra, sáng tạo để nhân rộng các mô hình tốt, linh hoạt, hiệu quả trong ứng phó phù hợp với thay đổi của bối cảnh vĩ mô trong và ngoài nước; phối hợp chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác mới có thể thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Kỷ cương trong tiết giảm hợp lý chi thường xuyên, phân cấp quản lý thu chi NSNN, nợ công và lập kế hoạch tài chính trung - dài hạn.
Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng cơ sở thuế, thu đúng, thu đủ, tiếp tục giải pháp giảm trốn thuế, nợ đọng thuế, đẩy nhanh tiến trình hoàn thuế…, gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số vẫn là những chủ trương, chính sách tài khóa quan trọng thời gian tới.
Ngoài ra, tôi cũng mong chính sách tài khóa “đồng hành, dẫn dắt” phát triển nhiều hơn nữa, nhất là dẫn dắt nắm bắt cơ hội thu hút đầu tư phát triển (nhất là đầu tư tư nhân và FDI), thúc đẩy tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững vì đây là những xu thế tất yếu và đang diễn ra mạnh mẽ, trong đó chính sách tài khóa luôn có vai trò rất quan trọng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Các động lực tăng trưởng phục hồi sẽ tác động tới thu ngân sách TS. Cấn Văn Lực cho biết, theo tính toán, tổng giá trị các gói hỗ trợ tài khóa năm 2024 khoảng 185 nghìn tỷ đồng và giá trị thực tế của việc miễn, giảm, gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất mà doanh nghiệp, người dân được hưởng khoảng hơn 95 nghìn tỷ đồng, tương đương với giai đoạn nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, điểm đáng ghi nhận hơn nữa là việc hỗ trợ tài khóa thông qua giảm thuế có hiệu ứng tích cực đến tâm lý, niềm tin của doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy sự phục hồi đồng đều của các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, thương mại, tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với tăng trưởng GDP dự kiến ở mức 6,7%, khi các động lực tăng trưởng phục hồi tốt hơn, khoản giảm thu từ hỗ trợ thuế, phí, tiền sử dụng đất được bù đắp bởi tăng thu từ xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, phát triển thương mại điện tử, kinh tế số, dự kiến thu từ các khoản này sẽ tăng 10 - 15% so với cùng kỳ, tương đương mức trung bình giai đoạn 2020 - 2023. Theo TS. Cấn Văn Lực, các bộ, ngành, địa phương, thực hiện tốt các chương trình, chính sách hỗ trợ tài khóa đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành, nhất là chương trình giảm thuế giá trị gia tăng 2%, gia hạn thuế, tiền thuê đất hết năm 2024. Chú trọng cải cách thủ tục hành chính, phấn đấu đạt 95% kế hoạch giải ngân đầu tư công và tối thiểu 50% vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tận dụng cơ hội phục hồi của thị trường chứng khoán, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tăng thu ngân sách nhà nước từ thoái vốn, thu hút đối tác chiến lược có tiềm lực… Để có thể tận dụng thời cơ, tôi cho rằng có thể xem xét điều chuyển các cấu phần có tỷ lệ giải ngân thấp còn lại trong Chương trình phục hồi 2022 - 2023 để phát triển các lĩnh vực mới, quan trọng như phát triển công nghệ cao, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, phát triển thị trường tín chỉ carbon, nhà ở xã hội, du lịch bền vững, đào tạo nhân lực số và công nghiệp bán dẫn… Đây chính là cách “mở rộng có chọn lọc” mà nhiều nước cũng đang áp dụng để có thể tiên phong trong một số lĩnh vực có lợi thế và “không bị bỏ lại phía sau” trong lộ trình số hóa, xanh hóa... |