PV: Trong năm 2022, nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí giúp doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế. Dưới góc nhìn của một chuyên gia về thuế, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của những chính sách hỗ trợ này?
Ông Phan Hoài Nam |
Ông Phan Hoài Nam: Từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, trải qua 4 làn sóng của đại dịch, kinh tế Việt Nam cũng như cuộc sống của người dân đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề, đặc biệt là tác động tiêu cực từ làn sóng dịch lần thứ 4. Trong bối cảnh khó khăn thời điểm đại dịch bùng phát và cả khi được kiểm soát, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp là rất đáng ghi nhận.
Trong năm 2022, Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành chính sách ưu đãi, miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí hỗ trợ doanh nghiệp để triển khai thực hiện chương trình khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, kiềm chế lạm phát và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ đã mang lại hiệu quả rất tích cực cho nền kinh tế lẫn doanh nghiệp. GDP năm 2022 tăng 8,02%, mức cao nhất trong thập kỷ qua. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh lấy lại đà tăng trưởng, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng mạnh so với năm 2021. Có thể nói, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã mang hiệu ứng “nuôi dưỡng nguồn thu” rất rõ ràng, khi số thu ngân sách bị giảm do các chính sách miễn, giảm thuế đã được bù đắp bằng số tăng thu do doanh nghiệp có điều kiện mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tôi cho rằng, thông qua các giải pháp hỗ trợ đối với cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2022 cũng như các năm trước, Chính phủ đã thể hiện một quyết tâm rõ ràng và nhất quán về việc đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó tạo điều kiện để doanh nghiệp đóng góp trở lại cho nền kinh tế và người dân nói chung.
PV: Bộ Tài chính đã tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vào ngày 31/1/2023. Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến dự thảo nghị định của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Ông đánh giá thế nào về động thái này của Bộ Tài chính?
Các chính sách giảm thuế, phí thời gian qua đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. |
Ông Phan Hoài Nam: Ngay từ năm đầu tiên đại dịch Covid-19 bùng phát, Bộ Tài chính đã tập trung rà soát, chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời có những chính sách đồng bộ về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam có khả năng sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực trước triển vọng không mấy lạc quan của nền kinh tế toàn cầu. Do đó tôi cho rằng, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như đề xuất của Bộ Tài chính sẽ là mấu chốt để Nhà nước và doanh nghiệp cùng nhau sát cánh đương đầu được với khó khăn trước mắt, tiếp tục chinh phục những cột mốc tăng trưởng mới.
Các động thái của Bộ Tài chính trong hai tháng đầu năm 2023 chính là “cánh tay nối dài” của các gói hỗ trợ trong những năm gần đây, qua đó tiếp tục thể hiện quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp để vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển hoạt động kinh doanh.
PV: Là một chuyên gia tư vấn thuế, ông có khuyến nghị gì để chính sách hỗ trợ đi vào cuộc sống nhanh, hỗ trợ kịp thời và thiết thực cho các doanh nghiệp?
Ấn tượng với chính sách giảm thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường “Trong các chính sách hỗ trợ năm 2022, tôi ấn tượng nhất với chính sách giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng cho nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 10% và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn. Các chính sách này vừa giúp giảm giá thành đầu vào cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh; đồng thời góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh áp lực lạm phát và chi phí gia tăng” - ông Phan Hoài Nam |
Ông Phan Hoài Nam: Trong những năm qua, Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời và có hiệu quả cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta còn có thể làm tốt hơn nữa. Khuyến nghị của tôi liên quan đến quá trình xây dựng các chính sách hỗ trợ.
Về phía Nhà nước, Chính phủ cũng như các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh xây dựng các kênh thông tin và các hoạt động nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tham gia góp ý các dự thảo xây dựng chính sách. Các dự thảo cần được công khai và cập nhật một cách liên tục và kịp thời để doanh nghiệp và người dân có cơ hội đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách.
Về phía đối tượng được hỗ trợ, các doanh nghiệp và người dân cũng nên tích cực và chủ động tham gia đóng góp ý kiến xây dựng văn bản pháp luật, nêu lên tiếng nói thực tiễn của mình để các cơ quan có thẩm quyền có điều kiện lắng nghe xem các chính sách hỗ trợ đã sát chưa, còn vướng mắc nào cần phải tháo gỡ hay không, quá trình thực hiện chính sách đã đúng, đã trúng hay chưa.
Việc duy trì và phát triển các kênh đối thoại mở giữa Chính phủ với doanh nghiệp và người dân trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách hỗ trợ là yếu tố quan trọng cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhằm giúp các chính sách hỗ trợ đi vào cuộc sống nhanh, hỗ trợ kịp thời và thiết thực.
PV: Xin cảm ơn ông
Ngành Thuế tiếp nhận hồ sơ giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022 Tổng cục Thuế vừa có Công điện số 01/CĐ-TCT về việc thực hiện Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, để kịp thời triển khai thực hiện các nội dung quy định tại Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thuế đề nghị cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các phòng, chi cục thuế tổ chức tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ nội dung chính sách giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định tại Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg; xây dựng tài liệu hướng dẫn, đăng tải tài liệu hướng dẫn trên trang thông tin điện tử và gửi tài liệu hướng dẫn qua email cho tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước. Công điện cũng yêu cầu cơ quan thuế các cấp xử lý hồ sơ đề nghị giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp người thuê đất, thuê mặt nước đã nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 mà sau khi cơ quan có thẩm quyền xác định và quyết định giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước có phát sinh thừa tiền thuê đất, thuê mặt nước thì được trừ số tiền đã nộp thừa vào tiền thuê đất, thuê mặt nước của kỳ sau, hoặc năm tiếp theo theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và pháp luật khác có liên quan. Trường hợp không còn kỳ phải nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước tiếp theo thì thực hiện bù trả hoặc hoàn trả số tiền nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và pháp luật khác có liên quan. |