Được vay khoản mới để trả khoản cũ

Sau đợt nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, giới ngân hàng trở lại hoạt động cùng với việc bắt tay chính thức thực hiện các quy định mới của Thông tư số 06, khi văn bản này đã chính thức có hiệu lực.

Ngoài các quy định liên quan đến hoạt động cho vay theo hình thức điện tử, một trong những nội dung đáng quan tâm trong Thông tư 06 là cho phép tổ chức tín dụng (TCTD) được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại TCTD khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống.

Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho biết, quy định này sẽ tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thêm các vốn tín dụng ngân hàng, có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các TCTD khác (nếu có).

Chính thức được “vay khoản mới, trả khoản cũ”, tiếp tục bàn giải pháp thúc đẩy tín dụng
Từ tháng 9/2023, khách hàng được vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác. Ảnh: T.L
Cho vay trực tuyến, ngân hàng thêm cơ hội đẩy mạnh tín dụng bán lẻ Tiếp tục tìm giải pháp khơi thông tín dụng hỗ trợ nền kinh tế

Đơn cử như trường hợp một khách hàng cá nhân đang có dư nợ của khoản vay mua nhà tại một ngân hàng A. Tuy nhiên, khách hàng nhận thấy tại ngân hàng B, cùng khoản vay như vậy nhưng lãi suất thấp hơn, nhiều ưu đãi hơn thì hoàn toàn có thể đển ngân hàng B đề xuất nhu cầu vay vốn để trả nợ trước hạn cho khoản đang vay tại ngân hàng A. Như vậy, khách hàng dễ dàng tiếp cận khoản vay mới với mức chi phí thấp hơn, được tiếp cận và sử dụng thêm các dịch vụ mới.

Chính phủ tiếp tục quan tâm thúc đẩy tín dụng

Một trong những hoạt động đáng quan tâm tuần qua là cuộc họp của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái với lãnh đạo NHNN và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương, ngân hàng thương mại, hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong công tác chỉ đạo điều hành kinh tế nói chung, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn rất quan tâm, trăn trở, cầu thị, lắng nghe ý kiến từ các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp. Qua đó, nhiều giải pháp chỉ đạo sâu sát, kịp thời đang được thực hiện nhằm bảo đảm kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn,… để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, phát triển kinh tế.

Tăng trưởng tín dụng vẫn chậm sau 8 tháng

NHNN cho biết, đến cuối tháng 8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%). Tốc độ tăng trưởng theo đó còn khá xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho cả năm 2023. Trong 3 năm gần đây, tín dụng toàn hệ thống tăng thêm bình quân khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm.

Tại cuộc họp này, lãnh đạo NHNN cho biết, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống TCTD dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng (toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng). Lãi suất cho vay có xu hướng giảm, từ đó TCTD vẫn có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn tín dụng đối với nền kinh tế.

Các chuyên gia tham gia cuộc họp cho rằng, thời gian qua Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, NHNN trong điều hành kinh tế nói chung và điều hành chính sách tiền tệ nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của tổng cầu hiện nay, khả năng hấp thụ vốn thấp nên việc triển khai giản ngân tín dụng chưa được như kỳ vọng.

Góp ý về giải pháp, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, bên cạnh việc giải quyết những vấn đề trước mắt, lúc này cũng phải “bàn chuyện dài hạn”, tính toán xem ngành nào, lĩnh vực nào có thể “kéo 100 triệu dân đi lên” trong thời gian tới để có các giải pháp phù hợp, hiệu quả. Ông Nghĩa cũng nêu các kiến nghị liên quan đến việc mua bán sáp nhập doanh nghiệp để tái cấu trúc nền kinh tế; hỗ trợ ngành dệt may chuyển đổi công nghệ mới, chuyển đổi xanh; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp...

Chính thức được “vay khoản mới, trả khoản cũ”, tiếp tục bàn giải pháp thúc đẩy tín dụng
Vàng miếng trong nước đang thu hút sự quan tâm. Ảnh: T.L

Vàng trong nước bất ngờ “nóng” vào cuối tuần

Giá vàng thế giới vẫn trong trạng thái thăm do trước nhiều yếu tố vĩ mô khác nhau chi phối đến giá vàng. Mặc dù vậy, cuộc khảo sát vừa qua của Bloomberg với các nhà đầu tư gồm quản lý tài sản quốc gia và các quỹ đầu cơ cho thấy, họ đều không giảm lượng vàng nắm giữ mà sẽ duy trì hoặc tăng thêm trong 12 tháng tới. Một số người cho rằng giá vàng sẽ tăng khi kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm” thay vì bước vào thời kỳ suy thoái như các dự báo trước đây.

Giới đầu tư vẫn đang theo dõi thời điểm Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) kết thúc thời kỳ thắt chặt tiền tệ, tín hiệu quan trọng ảnh hưởng đến giá vàng. Chiều ngày 8/9, giá vàng thế giới giao dịch ở mức khoảng 1.925 USD/ounce, cao hơn khoảng 9 USD mỗi ounce so với cuối tuần trước.

Đáng chú ý là sự bùng nổ của giá vàng trong nước, đặc biệt là vàng miếng vào hôm thứ sáu cuối tuần.

Sáng ngày 8/9, giá vàng miếng do Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết bật tăng mạnh tới 450 nghìn đồng mỗi lượng so với hôm trước. Cụ thể, vàng miếng SJC 9999 loại 1 lượng trở lên niêm yết ở mức 68,2 triệu đồng/lượng mua vào và 68,9 triệu đồng/lượng bán ra.

Chiều ngày 8/9, giá vàng miếng đã có chiều hướng điều chỉnh giảm, trở về mức 68,05 triệu đồng/lượng mua và và 68,75 triệu đồng mỗi lượng bán ra. Tuy nhiên, mặt bằng giá này vẫn cao hơn khoảng 300 nghìn đồng mỗi lượng so với sáng 7/9 và cao hơn khoảng 500 nghìn đồng mỗi lượng so với trước đó một tuần. Nhìn lại quãng thời gian dài hơn, giá vàng miếng SJC thời điểm chiều 8/9 đã cao hơn tới 800 nghìn đồng mỗi lượng so với 2 tuần trước.

Hỗ trợ tín dụng chuyển đổi xanh và những ngành hàng có triển vọng

Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thời gian qua việc điều hành và những giải pháp hệ thống ngân hàng đưa ra rất quyết liệt, linh hoạt, đạt được những kết quả khá tích cực.

Đối với Hiệp hội Dệt May, việc sản xuất gặp khó khăn do thiếu đơn hàng và đơn giá thấp. Doanh nghiệp không có cơ hội sản xuất kinh doanh khả dĩ thì không vay tiền để làm gì dù lãi suất có thấp.

Trước mắt, nhu cầu của thị trường hàng dệt may chưa thể một sớm một chiều tăng lên được, tuy nhiên nhìn về lâu dài có rất nhiều cơ hội kinh doanh và nhu cầu vốn rất lớn, nhất là trong “chuyển đổi xanh”.

Đại diện Hiệp hội Dệt may đề xuất nhà nước và ngành ngân hàng nên có chính sách hỗ trợ về đất đai, vốn cho doanh nghiệp dệt may đầu tư chuyển đổi công nghệ, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong tương lai.