Cho vay trực tuyến, ngân hàng thêm cơ hội đẩy mạnh tín dụng bán lẻ
Việc duy trì đồng thời 2 hình thức cho vay điện tử và truyền thống là khá phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Ảnh: TL

Nhiều quy định cụ thể về cho vay trực tuyến

Thông tư 06 là văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là ngân hàng) đối với khách hàng.

Một trong những nội dung đáng chú ý trong Thông tư 06 là quy định về hoạt động cho vay bằng phương thức điện tử. Theo đó, các ngân hàng thực hiện cho vay bằng phương tiện điện tử phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, đặc điểm của khoản vay, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu và bảo mật thông tin phù hợp với quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, giao dịch điện tử, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về quản lý rủi ro và các văn bản pháp luật có liên quan.

Để đảm bảo yêu cầu về trách nhiệm của các ngân hàng khi cho vay, cũng như các yếu tố an toàn trong hoạt động này, NHNN quy định hệ thống thông tin của các ngân hàng thực hiện hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử phải tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên và quy định của NHNN về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng.

Các ngân hàng khi cho vay trực tuyến phải lưu trữ, bảo quản thông tin, dữ liệu theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn, bảo mật và được sao lưu dự phòng đảm bảo tính đầy đủ, toàn vẹn của hồ sơ cho phép truy cập, sử dụng khi cần thiết hoặc để phục vụ công tác kiểm tra, đối chiếu, giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng phải quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ phục vụ hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử, tự chịu rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đáp ứng tối thiểu một số yêu cầu cơ bản.

Cơ hội phát triển tín dụng bán lẻ

Một trong những điểm đáng chú ý trong Thông tư 06 là nội dung quy định dư nợ cho vay đối với một khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống và được nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng không vượt quá 100 triệu đồng Việt Nam tại một tổ chức tín dụng. Với quy định này, dịch vụ cho vay của ngân hàng đối với khách hàng theo hình thức điện tử sẽ rơi vào phân khúc các khoản vay nhỏ.

Theo các chuyên gia, đây là một quy định giới hạn nhằm hạn chế rủi ro đối với hình thức cho vay điện tử. Theo đó, các khách hàng có nhu cầu vay các khoản vay lớn hơn sẽ vẫn thực hiện theo phương thức truyền thống và việc duy trì đồng thời hai hình thức điện tử và truyền thống là khá phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Một số quy định về nhận biết, xác minh thông tin khách hàng

Tổ chức tín dụng phải có giải pháp, công nghệ kỹ thuật để nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng phục vụ hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử; chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh (nếu có).

Trường hợp khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống, đã thiết lập mối quan hệ tại tổ chức tín dụng và hoàn thành việc nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng, tổ chức tín dụng được quyết định việc áp dụng các biện pháp, hình thức, công nghệ để xác minh thông tin nhận biết khách hàng phục vụ cho vay bằng phương tiện điện tử đảm bảo phù hợp với các thông tin đã biết về khách hàng.

Theo TS. Châu Đình Linh - giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, quy định về giới hạn số tiền sẽ khiến cho các ngân hàng chỉ có thể triển khai các món vay nhỏ để đảm bảo khả năng kiểm soát rủi ro cho vay đối với hình thức này.

Tuy nhiên, hình thức này là một "sân chơi" rất rộng cho các ngân hàng phát triển theo chiều rộng. Tức là phát triển nhiều món vay nhỏ sẽ phân tán rủi ro cho ngân hàng đối với mỗi khoản vay, nhưng sẽ tiếp cận được nhiều khách hàng nhỏ lẻ hơn và qua đó, cũng sẽ đóng góp đáng kể cho việc phát triển tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng.

“Ngân hàng qua đó sẽ phát triển mạnh được phân khúc khách hàng cá nhân và các nhóm khách hàng mới có nhu cầu đối với các khoản vay nhỏ, thủ tục đơn giản. Do đó, một trong những ảnh hưởng của việc này có thể sẽ giúp lan tỏa được sự ảnh hưởng của tín dụng chính thống rộng rãi hơn ra xã hội, hạn chế được tín dụng đen” - ông Linh đánh giá.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, một số vấn đề cần đặt ra đối với các ngân hàng trong việc triển khai phát triển mạnh các hình thức cho vay điện tử là việc đầu tư và quản trị hệ thống công nghệ, cũng như quản trị hệ thống hồ sơ dữ liệu khách hàng, đánh giá tín nhiệm khách hàng khi cho vay.

Về vấn đề “làm sạch dữ liệu”, ở cấp độ cơ quan quản lý, thời gian qua NHNN cũng đã hợp tác với Bộ Công an triển khai kết nối, khai thác thông tin dân cư tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân gắn chip, tài khoản định danh điện tử (VNeID). Ngoài ra ở góc độ từng ngân hàng, việc cho vay theo hình thức điện tử được “trao quyền” khá rõ cho các ngân hàng theo nguyên tắc “tự làm tự chịu”.

Theo đó, Thông tư 06 cũng quy định, ngân hàng khi cho vay trực tuyến phải có biện pháp theo dõi, nhận dạng, đo lường và kiểm soát rủi ro; có phương án xử lý rủi ro; phân công trách nhiệm cụ thể từng cá nhân, bộ phận có liên quan trong hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử và trong việc quản lý, giám sát rủi ro./.