Chủ tịch Quốc hội chủ trì cuộc họp về Chương trình Mục tiêu Quốc gia Đề xuất gia hạn giải ngân 3 chương trình mục tiêu quốc gia đến hết 2024 Tháo gỡ tối đa vướng mắc nhưng không để xung đột pháp luật

Sáng 29/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Còn tình trạng cát cứ, manh mún trong tổ chức thực hiện

Tại nghị quyết này, Quốc hội cơ bản tán thành nội dung Báo cáo số 550/BC-ĐGS ngày 21/10/2023 của đoàn giám sát về kết quả giám sát chuyên đề các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).

Theo đó, việc thực hiện các CTMTQG đã kế thừa, phát huy những thành tựu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số của giai đoạn trước. Đến nay, công tác tổ chức thực hiện các chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định, bám sát mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ, yêu cầu đổi mới về cơ chế, chính sách quản lý trong các nghị quyết của Quốc hội…

Cho phép kéo dài thời hạn giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia sang 2024

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nghị quyết cũng nêu một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể như:

Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn triển khai các CTMTQG thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương còn chậm.

Việc xác định nhu cầu, lập kế hoạch, phân bổ vốn chưa sát thực tế ở nhiều địa phương. Phân bổ vốn trung hạn, giao vốn ngân sách trung ương năm 2022 chậm. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn rất chậm, phải chuyển nguồn, kéo dài, nhất là vốn sự nghiệp sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của các CTMTQG đến năm 2025.

Ở một số địa phương, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo còn cao; việc xây dựng nông thôn mới còn chạy theo thành tích, tiêu chí đạt được chưa bền vững, còn nợ, hụt tiêu chí.

Mặt khác, việc dừng thực hiện các chính sách ưu tiên áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đã gây khó khăn cho đời sống của một bộ phận người dân mới thoát nghèo, cận nghèo.

CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi triển khai chậm, còn lúng túng. Còn tình trạng cát cứ, phân tán, manh mún trong tổ chức thực hiện các CTMTQG.

Xây dựng cơ chế đặc thù cho chương trình mục tiêu quốc gia

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Quốc hội cho phép số vốn NSNN năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và việc thực hiện, giải ngân số vốn được kéo dài nêu trên bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm…

Cho phép kéo dài thời hạn giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia sang 2024
Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua nghị quyết.

Quốc hội cũng giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn. Trong đó, có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn NSNN; xử lý một số kiến nghị của địa phương liên quan đến việc thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đối với việc thu hồi kinh phí, hoàn trả ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các CTMTQG.

Đối với một số nội dung cụ thể, Quốc hội yêu cầu khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo thẩm quyền các quy định, cơ chế, chính sách về nội dung còn thiếu hoặc chưa phù hợp, nhất là các quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền, giảm thủ tục hành chính, đầu tư và sử dụng các nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, kéo dài để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai hiệu quả các CTMTQG.

Quốc hội yêu cầu tập trung giải quyết có hiệu quả những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;…

Các cơ quan chức năng cần tiếp tục đổi mới việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, tăng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để thực hiện các CTMTQG; có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư sản xuất, kinh doanh vào vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị không đưa nội dung cho phép chuyển nguồn số vốn NSNN năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021) chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024 vào nghị quyết, vì Chính phủ chưa có báo cáo Quốc hội về nội dung này. Nghị quyết Quốc hội về dự toán NSNN năm 2024 đã cho phép kéo dài vốn năm 2023, việc cho phép kéo dài số vốn gây lãng phí lớn, tăng chi phí trả lãi và bội chi NSNN.

Báo cáo về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết qua xem xét, phân tích kỹ lưỡng các nguyên nhân khách quan và chủ quan đánh giá tác động đến thu chi NSNN, việc cho phép kéo dài số vốn trên là cần thiết để bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số.

Để việc kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn có hiệu quả, không gây lãng phí, dự thảo nghị quyết đã quy định Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và việc thực hiện, giải ngân số vốn được kéo dài nêu trên bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm; chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện thanh toán, quyết toán vốn NSNN, theo đúng quy định của pháp luật.