Chống gian lận thương mại - Cuộc chiến không khoan nhượng
Công chức Hải quan Quảng Ninh tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân khu vực biên giới. Ảnh: Đỗ Quang.

Người tiêu dùng còn thờ ơ

Dạo quanh phố phường, dạo qua thị trường, đâu đâu ta cũng có thể bắt gặp những sản phẩm hàng “lởm”, hàng “fake”, từ viên kẹo, gói bim bim, đồ gia dụng, vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất, hàng hóa xa xỉ đến cả những thứ ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn như thuốc tây, pháo nổ... Người bán cứ bán, người mua cứ mua vì trăm nghìn lý do.

Xây dựng quy định pháp luật chặt chẽ hơn

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế buôn lậu (Bộ Công an), các sàn thương mại chỉ là đơn vị làm thuê. Muốn xử lý hình sự được thông qua các sàn thương mại điện tử rất khó khăn. Có 3 địa phương bắt được 3 kho hàng nhưng không thể xử lý hình sự được. Cần phải xây dựng quy định pháp luật chặt chẽ hơn để có thể xử lý, ngăn chặn, mang tính răn đe hơn.

Sự thờ ơ của người tiêu dùng với vấn nạn hàng gian khiến lực lượng chức năng thêm phần vất vả. Song, nêu cao tinh thần trách nhiệm, kiên quyết đấu tranh với các đối tượng tội phạm, thời gian qua, lực lượng chức năng trên cả nước đã triệt phá nhiều ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Gần đây nhất, vừa đầu tháng 9/2024, lực lượng Biên phòng và Hải quan Quảng Bình đã phối hợp kiểm tra phương tiện nhập cảnh từ Lào về Việt Nam, phát hiện một đối tượng nhập cảnh qua cửa khẩu Cha Lo cất giấu 88 hộp pháo hoa nổ, có khối lượng 111,2 kg trong nắp ca bô xe đầu kéo.

Trước đó, cuối tháng 4/2024, lực lượng chức năng TP. Hồ Chí Minh đấu tranh triệt phá đường dây sản xuất thuốc chữa bệnh giả cực lớn. Tang vật thu giữ là 106.022 chai lọ, vỉ, ống thuốc không hóa đơn chứng từ; hơn 35.000 vỏ hộp, tem nhãn thuốc giả; máy in date, máy ép nhiệt và các dụng cụ khác. Đặc biệt, trong đó có hơn 14.000 viên magnesium B6 - một loại thuốc đã ngừng sản xuất từ năm 2017 do có hoạt chất cấm sử dụng cho người.

Hay đáng kể hơn là vụ chặt đứt hai đường dây buôn lậu vàng xuyên biên giới siêu khủng, gây rúng động dư luận mà tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh mới đưa ra xét xử hồi tháng 7. Tổng số tang vật thu giữ lên tới 6.150 kg vàng, trị giá hơn 8 nghìn tỷ đồng.

Vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả càng trở nên nghiêm trọng hơn khi thương mại điện tử bùng nổ với tốc độ chóng mặt. Nhiều đối tượng sử dụng những tính năng vượt trội của internet, công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội. Vừa qua, lực lượng chức năng nhiều địa phương liên tục bắt giữ các kho hàng khủng phục vụ các đối tượng bán hàng livestream trên các nền tảng mạng xã hội. Như: ngày 5/6/2024, Hà Nội bắt kho hàng khoảng 2.000 chiếc máy tính bảng, điện thoại iPhone và các loại mặt hàng khác như thiết bị điện tử, đồ gia dụng, quần áo. Ngày 18/6/2024, Cà Mau phát hiện và thu giữ 10 tấn hàng phục vụ livestream được ngụy trang bên trong quán tạp hóa diện tích khoảng 300 m2, tất cả đều không rõ nguồn gốc. Ngày 2/11/2023, Bà Rịa Vũng Tàu bắt quả tang Ngọc Quyên Shop bán hàng online rất nhiều các sản phẩm như: nước hoa Gucci, Tom Ford, YSL, Chanel, Louis Vuitton, Dior, Boss, Sauvage, Lancome, Kilian, giày, dép, túi, ví các thương hiệu Chanel, Adidas, Nike, mỹ phẩm các nhãn hiệu Vaseline, Bioderma; các loại thực phẩm chức năng giảm cân cấp tốc trong vòng 7 ngày cùng nhiều mặt hàng là đồ gia dụng, tiêu dùng không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Triển khai nhiều biện pháp đấu tranh, ngăn chặn vi phạm

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua, các lực lượng đã nâng cao trình độ chuyên môn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, triển khai mọi biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, ngăn chặn và xử lý mọi hành vi, thủ đoạn sai trái trong sản xuất kinh doanh hàng hóa. Đồng thời, tham mưu các ban ngành chức năng tăng cường công tác thanh kiểm tra, hoàn thiện hành lang pháp lý, nghiên cứu công cụ kiểm soát thương mại điện tử nhằm phòng ngừa các thủ đoạn gian lận, tránh thất thu nguồn thuế của Nhà nước.

Bên cạnh việc chủ động phát hiện, những năm qua, lực lượng chức năng đã phối hợp nắm tình hình, kiểm tra, xử lý các vi phạm; thường xuyên trao đổi, cung cấp, chia sẻ thông tin về các tổ chức, đường dây, đối tượng, địa bàn trọng điểm và phương thức hoạt động của các loại tội phạm; tăng cường mở các đợt cao điểm đấu tranh định kỳ và đột xuất.

Theo ông Đặng Văn Dũng – Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, có thể nói, lực lượng chức năng thời gian qua đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ, bắt giữ nhiều vụ việc điển hình có sức răn đe và phòng ngừa cao.

Dù vậy, tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như những chiếc vòi bạch tuộc, vươn dài khắp mọi vùng miền, lũng đoạn thị trường, khiến các doanh nghiệp và nhân dân đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo các chuyên gia, lời giải căn cơ cho bài toán này là người dân phải tự biết bảo vệ mình, đừng quá tin vào những lời quảng cáo, mời chào “mùi mẫn” trên mạng. Hãy nói không với sản phẩm trôi nổi, nhất là các loại thuốc chữa bệnh, thực phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị điện tử.

Đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là cuộc chiến cam go, không được phép lơ là, ngừng nghỉ. Thời gian qua, các biện pháp nghiệp vụ hiệu quả đã được triển khai, từ tuyên truyền pháp luật, tổ chức ký cam kết không buôn bán, kinh doanh hàng hóa nhập lậu đến nắm tình hình, điều tra xác minh; không quản ngại mưa nắng, đêm ngày mưa nắng bám trụ nơi rừng sâu, biên giới, hải đảo, điểm nóng để kịp thời ngăn ngặn, bắt giữ các đối tượng tội phạm đặc biệt này.

Cần sự chung tay của doanh nghiệp, người tiêu dùng

Khi khoa học, công nghệ phát triển giúp các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh ứng dụng để nâng cao năng lực quản lý, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, đây cũng là những điều kiện thuận lợi để các đối tượng áp dụng để sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Hàng vi phạm được rao bán công khai, tràn lan nhưng các cơ quan chức năng rất khó phát hiện nơi kinh doanh, kho chứa trữ hàng hóa của các đối tượng này để xử lý. Nguyên do phần lớn các thông tin này trên website là giả, không đúng sự thật hoặc không có thông tin.

Theo đại diện các doanh nghiệp, những hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ không những gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp mà còn có thể dẫn đến sự phá sản của doanh nghiệp và làm cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước e ngại, hạn chế đầu tư vào Việt Nam hoặc đã đầu tư nhưng không dám mở rộng sản xuất kinh doanh nên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Trước thực trạng trên, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, cần có sự chung tay của doanh nghiệp, người tiêu dùng. Theo các chuyên gia, vai trò tham gia của doanh nghiệp - chủ thể quyền trong thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ là rất quan trọng. Đây là quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ nên doanh nghiệp không được buông lỏng quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hoá, không nên coi việc chống hàng giả là của các cơ quan thực thi pháp luật và phải chủ động phối hợp với cơ quan thực thi để tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đồng thời, tích cực nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ của khoa học, công nghệ vào việc chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; phát triển sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; có kênh phân phối và chính sách hậu mãi chăm sóc khách hàng hiệu quả, nhanh chóng, hiện đại; đáp ứng được nhu cầu và tạo được niềm tin của người tiêu dùng sẽ góp phần không nhỏ vào việc đẩy lùi nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như hiện nay…