Ngay từ khâu đàm phán vay sẽ phải kiểm soát chặt chẽ khi đi vay nợ nước ngoài.

Ngay từ khâu đàm phán vay sẽ phải kiểm soát chặt chẽ khi đi vay nợ nước ngoài. Ảnh: Đức Minh

Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) về vấn đề này.

P.V: Ông có thể cho biết về những thay đổi trong cơ cấu nợ công hiện nay?

Ông Trương Hùng Long: Về căn bản cơ cấu nợ công của Việt Nam đã và đang thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nếu như năm 2011, tốc độ tăng quy mô nợ công khoảng 18,4%/năm, gấp gần 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế, thì đến giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng quy mô nợ công được đặt ra còn khoảng 9 - 10%. Trong đó, trong 2 năm 2016 – 2017, tốc độ tăng bình quân khoảng 9,7%/năm.

Các chỉ tiêu an toàn nợ công đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội cho phép. Tính theo tỷ lệ tương đối thì nợ công của Việt Nam đang hạ xuống, từ năm 2016 là 63,7% GDP, dự kiến đến cuối năm 2018 ở mức khoảng 61,4% GDP.

Cơ cấu nợ công có sự thay đổi đáng kể. Trước đây, nợ nước ngoài của Chính phủ chiếm khoảng 60%, nợ trong nước chiếm 40%; đến nay cơ cấu này đã đảo ngược. Cơ cấu này thay đổi là bước quan trọng trong giai đoạn hiện nay khi tốt nghiệp IDA, không còn vay ODA nữa (WB kết thúc từ tháng 7/2017, còn của ADB từ tháng 1/2019), Việt Nam sẽ thực hiện vay ưu đãi, vay thị trường, gần sát với thị trường, với các điều kiện lãi suất thả nổi…

Ông Trương Hùng Long

Ông Trương Hùng Long

Điểm thay đổi cũng đáng lưu tâm là thay đổi đối với chi phí vay trong nước. Nếu như năm 2011, chúng ta phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) với lãi suất lên đến 12,3%/năm thì đến năm 2013 lãi suất giảm còn từ 7,43%% đến 8,9%/năm. Đặc biệt ở thời điểm năm 2013, 84% các khoản vay là dưới 3 năm. Đến bây giờ, chúng tôi thực hiện tái cơ cấu và thực hiện phát triển thị trường trong nước, kiểm soát tình hình, các chi phí vay. Cụ thể đến nay, lãi suất phát hành bình quân 4,7% đến 4,8%/năm. Năm 2018, tỷ trọng phát hành TPCP kỳ hạn 10 - 30 năm chiếm trên 70%. Đó là sự thay đổi rất đáng kể.

P.V: Sự thay đổi này ảnh hưởng như thế nào đến cách thức quản lý rủi ro về tăng nợ công đối với nền kinh tế, thưa ông?

Ông Trương Hùng Long: Giai đoạn trước, chúng ta đã vượt qua, vì có một danh mục nợ tốt hơn, dài hơn. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, với chức năng được giao, chúng tôi thấy rằng, còn nhiều việc phải triển khai thực hiện, bởi chúng ta đã không còn vay ODA nữa. Trước năm 2009, chúng ta được vay với lãi suất 0,75%, với kỳ hạn 40 năm và 10 năm ân hạn. Sau năm 2009, chúng ta vay với lãi suất 2%, thời hạn vay là 25 năm và 5 năm ân hạn.

Hiện nay, điều kiện vay như trên không còn nữa. Thay vào đó, chúng ta phải vay với các điều kiện vay cao hơn, sát với điều kiện thị trường, sử dụng lãi suất thả nổi, cộng thêm cả biên độ, đặc biệt thời hạn vay không dài. Đối với một số nước mà chúng ta vay với đồng tiền không mạnh, vay với lãi suất thả nổi,… là chịu rủi ro rất lớn. Đó cũng là lý do trong những năm qua, chúng ta phải tái cơ cấu lại các khoản nợ, để tăng danh mục nợ trong nước lên, giảm khoản nợ nước ngoài.

Tuy nhiên, các khoản nợ nước ngoài vẫn được chúng tôi kiểm soát tốt: Thứ nhất, kiểm soát từ khâu đàm phán để có những điều kiện vay tốt nhất. Thứ hai là lựa chọn các lãi vay, khoản vay phù hợp với tính chất của đồng vốn. Thứ ba, chúng ta đưa vào các công cụ mới để phân tích các khoản nợ cũng như là có những biện pháp dự phòng rủi ro.

P.V: Ông có thể cho ví dụ phân tích về mô hình cách vay nợ để giảm bớt rủi ro?

Ông Trương Hùng Long: Hiện nay, chúng ta có thể vay vốn theo nhiều hình thức khác nhau như: Vay song phương, vay đa phương, vay trên thị trường quốc tế, vay trong nước, vay nước ngoài,… miễn làm sao phù hợp với tính chất sử dụng của mình. Bên cạnh đó, mỗi một nhà tài trợ, mỗi khoản vay, hình thức vay khác nhau lại đòi hỏi các điều kiện khác nhau.

Do vậy, trước khi đi đàm phán thì chúng ta phải có một kịch bản, tính toán được hiệu quả, những yếu tố nào liên quan tới khoản vay của mình. Khi tính được phương án thì tiến hành đàm phán.

Trước đây, không có công cụ phân tích nên chỉ dùng kinh nghiệm, hoặc tính toán thủ công, nay chúng tôi sử dụng “các mô hình phân tích bền vững nợ DSA, mô hình chương trình quản lý nợ trung hạn” do Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế phát triển, được sử dụng rộng rãi bởi gần 80 quốc gia trên thế giới. Các mô hình này sử dụng nhiều thông số thống kê và dự báo về kinh tế vĩ mô, phân tích các kịch bản sốc, từ đó xác định các phương án vay như thế nào, cách thức như thế nào.

Cùng với các yếu tố khác như thành tố ưu đãi, chi phí tài chính và phi tài chính giữa các khoản vay, đây là cơ sở để xác định một khoản vay nào nên vay và khoản vay nào không nên vay.

P.V: Đó là vấn đề của việc đi vay. Vậy còn trong quá trình trả nợ, chúng ta có cách thức nào để quản lý hiệu quả, thưa ông?

Ông Trương Hùng Long: Các mô hình phân tích bền vững nợ DSA và mô hình chiến lược quản lý nợ trung hạn là các mô hình tốt. Thông qua các mô hình này, chúng tôi có thể phân tích được danh mục nợ hiện tại, cơ cấu nợ hiện tại, các rủi ro về đồng tiền, tỷ giá hay lãi suất,… Chúng tôi cũng có thể nhìn thấy được diễn biến ở thời điểm hiện tại, cơ cấu nợ hiện tại cũng như trong tương lai.

Đơn cử, đối với cơ cấu nợ, nếu trong quá khứ chúng ta tập trung vào vay quá nhiều thì đến một thời điểm nào trong tương lai chúng ta nhất định phải trả nợ. Qua công cụ này, chúng ta đều thấy trước được và chủ động sử dụng các biện pháp, các công cụ để xử lý, điều chỉnh các trần nợ ở các thời điểm cao trước đi để dàn đều đỉnh nợ.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Đức Minh (thực hiện)