Chú trọng thương mại nội khối, tìm dòng vốn FDI mới
Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn để tái định vị chuỗi cung ứng, thu hút dòng vốn FDI từ các doanh nghiệp. Ảnh: LÊ TOÀN

Cơ hội lớn từ thương mại nội khối

Chia sẻ với phóng viên, bà Deborah Elms - Giám đốc chính sách thương mại tại Hinrich Foundation cho biết, Việt Nam được nhắc đến trên báo chí quốc tế trong một thời gian dài, đặc biệt là đối với giới kinh doanh, như một địa điểm đáng mơ ước để kinh doanh với môi trường kinh doanh ngày càng dễ dàng và có nhiều cơ hội hơn. Do đó, thực sự có một nhu cầu rất lớn về kinh doanh tại Việt Nam.

Kết hợp đa dạng hóa thị trường, linh hoạt sản xuất

“Những doanh nghiệp biết xây dựng các chiến lược cân bằng, kết hợp đa dạng hóa thị trường, linh hoạt sản xuất và quản lý tài chính cẩn thận, sẽ có khả năng điều hướng giai đoạn này thành công hơn so với những doanh nghiệp chỉ tập trung duy trì các cách tiếp cận thị trường Hoa Kỳ”- TS. Scott McDonald cho biết.

Cũng theo bà Deborah Elms, thế giới năm 2025 không còn giống năm 2024, đặc biệt là với các chính sách thuế quan của Hoa Kỳ. Với tầm quan trọng ngày càng lớn của thị trường Hoa Kỳ đối với xuất khẩu của Việt Nam và những thay đổi trong chính sách thương mại của nước này, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều tác động đáng kể, đòi hỏi sự điều hướng khéo léo.

“Rõ ràng là Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút FDI trong suốt một thời gian dài và tôi tin rằng, xu hướng này sẽ tiếp tục, thậm chí có thể sẽ tăng tốc trong thời gian tới. Tuy nhiên, cơ cấu nhà đầu tư đang dần thay đổi. Nếu nhìn vào những biến động tại các thị trường lớn – ai đang mua, ai đang bán và mức độ thuận lợi khi thực hiện các giao dịch xuyên biên giới – khi những yếu tố này thay đổi, thị trường nhà đầu tư cũng có khả năng thay đổi theo. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải xem xét và thúc đẩy các mối quan hệ với những nhà đầu tư nước ngoài mà trước đây có thể chưa được xây dựng chặt chẽ, nhưng hiện tại lại cần được tạo điều kiện và phát triển hơn” – bà Deborah chia sẻ.

Theo bà Deborah, thời gian tới sẽ chứng kiến nhiều hơn các hoạt động thương mại nội khối trong khu vực châu Á – tức là sản xuất và tiêu thụ ngay trong châu Á, thay vì tập trung xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ hay châu Âu. Điều này có thể thu hút một nhóm nhà đầu tư hoàn toàn khác, những nhà đầu tư quan tâm đến việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ mang tính địa phương hóa, phù hợp hơn với nhu cầu của từng thị trường châu Á cụ thể.

Giới chuyên gia cho rằng, việc suy nghĩ thấu đáo hơn về những "điểm nóng" cơ hội này sẽ rất quan trọng, không chỉ đối với các nhà đầu tư mà còn cho chính các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm những thị trường đầu ra phù hợp.

Thực tế cho thấy, xu hướng đang thay đổi. Trước đây, Hoa Kỳ luôn là một thị trường lớn và mang lại nhiều lợi nhuận, nhưng có thể trong tương lai, vai trò đó sẽ giảm đi phần nào. Vậy đâu sẽ là những thị trường khác mà các sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh? Bà Deborah Elms tin rằng, có rất nhiều cơ hội, nhưng không phải tất cả đều đã được khai thác, bởi vì khi thị trường Hoa Kỳ mang lại quá nhiều tăng trưởng, thì doanh nghiệp Việt Nam không có nhiều động lực để tìm kiếm thị trường mới. Tuy nhiên, nếu nhu cầu từ thị trường Hoa Kỳ giảm, thì đây chính là thời điểm để các doanh nghiệp Việt Nam và các nhà đầu tư cùng mở rộng tầm nhìn.

Đây là cơ hội để Việt Nam điều chỉnh chiến lược, chủ động tìm kiếm thêm các dòng vốn đầu tư mới, đồng thời xây dựng những cơ chế kết nối hiệu quả hơn giữa nhà đầu tư nước ngoài và các cơ hội kinh doanh trong nước, từ đó tạo ra những kết quả win-win bền vững hơn.

Đa dạng hóa thị trường giúp đa dạng hóa nhà đầu tư

Trước những biến động về thuế quan, chia sẻ với phóng viên, TS. Scott McDonald - giảng viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics (Đại học RMIT Việt Nam) cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam có thể cân nhắc nhiều cách tiếp cận khác nhau để điều hướng môi trường thuế quan mới này.

Theo đó, doanh nghiệp có thể đẩy nhanh nỗ lực đa dạng hóa thị trường để giảm sự phụ thuộc vào hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, giúp giảm thiểu rủi ro từ chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump.

Việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại những giải pháp thay thế tiềm năng. Doanh nghiệp có thể tận dụng các khuôn khổ thương mại hiện có, bao gồm: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cung cấp quyền được ưu tiên tiếp cận các thị trường như Nhật Bản, Canada, Australia và New Zealand. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cung cấp các khoản giảm và miễn thuế quan cho nhiều sản phẩm của Việt Nam khi nhập khẩu vào Liên minh châu Âu. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại với các nước láng giềng ASEAN và các thị trường châu Á khác. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) duy trì quyền tiếp cận ưu đãi vào thị trường Anh...

Khi đẩy nhanh và đa dạng hóa thị trường, tận dụng tối đa lợi ích của các FTA, Việt Nam cũng cho các nhà đầu tư nước ngoài thấy được cơ hội từ quốc gia đã đạt được tăng trưởng kinh tế và phát triển mạnh mẽ nhờ thương mại. Từ đó, thúc đẩy cam kết lâu dài với thị trường Việt Nam với các nhà đầu tư FDI hiện hữu, đồng thời thu hút thêm các nhà đầu tư mới đang tìm kiếm thị trường tiềm năng cho nguồn vốn của mình.

Để làm được những điều này, một số lĩnh vực cần cải thiện để tăng sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó phát triển cơ sở hạ tầng được coi là ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tinh giản thủ tục hành chính; tăng cường tính minh bạch trong thực thi pháp luật./.