Sửa Luật Doanh nghiệp: Hạn chế tối đa tình trạng vốn “ảo”, vốn khống Sửa Luật Doanh nghiệp tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân |
Theo các đại biểu, đây là bước hoàn thiện pháp luật quan trọng, thể hiện tinh thần quyết liệt trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong bối cảnh mới, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Sẽ hậu kiểm để xử lý tình trạng "khai vốn ảo"
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) đánh giá cao việc dự thảo Luật bãi bỏ quy định về tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử;
Bỏ quy định về nội dung tài khoản đăng ký kinh doanh là tài khoản được tạo bởi hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cấp cho cá nhân đã thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử, thay vào đó, cho phép cá nhân sử dụng mã số định danh cá nhân để đăng ký thành lập doanh nghiệp.
![]() |
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại tổ. Ảnh: Quochoi.vn |
Sự điều chỉnh trên, theo đại biểu, là phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi không quy định giấy tờ pháp lý của cá nhân bao gồm chứng minh thư nhân dân; sửa đổi quy định về hành vi bị nghiêm cấm là hành vi kê khai giả mạo; sửa đổi theo hướng không tiếp tục quy định nội dung cá nhân đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp phiếu lý lịch tư pháp cho cơ quan đăng ký kinh doanh…
Đánh giá những nội dung này sẽ giúp giảm gánh nặng về thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, song đại biểu cũng lưu ý trong quá trình thực hiện, cơ quan đăng ký kinh doanh cần phải phối hợp với cơ quan quản lý trong trường hợp cần thiết để thẩm tra lý lịch tư pháp với chủ doanh nghiệp, nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh hơn.
Liên quan đến cắt giảm thủ tục hành chính, đại biểu Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang) đề nghị xem xét bỏ các nội dung yêu cầu trong đăng ký doanh nghiệp như: yêu cầu bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên, mà nên sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tránh việc doanh nghiệp mất thời gian, chi phí đi công chứng.
Đồng thời, cân nhắc lại quy định yêu cầu doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi một số nội dung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp như điều lệ, chữ ký của chủ doanh nghiệp…
Theo đại biểu, đây là những nội dung doanh nghiệp có thể thường xuyên thay đổi. Luật hiện hành cũng đã quy định những nội dung chính về điều lệ rất đầy đủ, khi doanh nghiệp thực hiện đăng ký kinh doanh lần đầu đã phải bảo đảm các nội dung này. Do vậy, nên bỏ quy định này để tránh mất thời gian, chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) ghi nhận dự thảo Luật có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung mới, thể hiện rõ quan điểm quản lý doanh nghiệp tiến bộ khi chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, phân cấp cho hội đồng thành viên, cơ quan đại diện chủ sở hữu… trong xử lý một số vấn đề liên quan đến doanh nghiệp.
Đáng chú ý, dự thảo bổ sung quy định về các khái niệm “kê khai khống vốn điều lệ” của doanh nghiệp mới thành lập. Luật hiện hành cho phép doanh nghiệp trong vòng 90 ngày kể từ khi đăng ký thành lập phải kê khai đủ vốn điều lệ đã đăng ký. Thực tiễn cho thấy, nhiều trường hợp doanh nghiệp sau khi thành lập nhưng kê khai không đủ vốn điều lệ như đã đăng ký.
Do vậy, theo đại biểu Trần Anh Tuấn, việc dự thảo Luật bổ sung những quy định xác định hành vi kê khai khống vốn điều lệ sẽ góp phần khắc phục những bất cập về tình trạng “vốn ảo”. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải thực hiện “hậu kiểm” tốt nhằm xác định và xử lý những trường hợp kê khai khống vốn điều lệ.
Để tăng hiệu quả quản lý, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin chủ động giữa các cơ quan hữu quan trong quản lý doanh nghiệp.
![]() |
Đại biểu Trần Anh Tuấn phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn |
Minh bạch hoá và tăng cường niềm tin của nhà đầu tư
Về vấn đề này, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng, việc dự thảo luật xác định rõ hai hành vi kê khai khống là một bước tiến quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt và thanh tra tài chính. Tuy nhiên, cần bổ sung mốc thời gian cụ thể để xác định hành vi không góp đủ vốn điều lệ đã cam kết, thay vì quy định chung chung.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề xuất bổ sung quy định xử lý trường hợp góp vốn bằng tài sản nhưng không bàn giao hoặc định giá không đúng, liệu có được coi là kê khai khống hay không.
Theo quy định mới tại dự thảo luật, doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện trách nhiệm kê khai, thu thập, cập nhật, lưu giữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp. Quy định chủ sở hữu hưởng lợi giúp minh bạch hóa cấu trúc sở hữu và điều hành doanh nghiệp. |
Một nội dung quan trọng trong lần sửa Luật này bổ sung quy định khái niệm về “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp có tư cách pháp nhân là cá nhân”. Tán thành quy định này, đại biểu Nguyễn Thành Trung (đoàn Yên Bái) cho rằng, nếu không quy định rõ ràng về chủ sở hữu hưởng lợi sẽ có rủi ro là thiếu cơ chế xác định và công khai chủ sở hữu hưởng lợi tạo nhiều kẽ hở pháp lý cho các hành vi bất hợp pháp.
Theo nhận xét của chuyên gia, đưa chủ sở hữu hưởng lợi vào Luật Doanh nghiệp sẽ “giúp minh bạch hóa cấu trúc sở hữu, ngăn chặn rửa tiền, trốn thuế và tăng cường niềm tin của nhà đầu tư quốc tế”. Đồng thời, thực hiện được kịp thời cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
![]() |
Các đại biểu thảo luận tại tổ. |
Để hoàn thiện hơn, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật trong việc cập nhật, cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi cho cơ quan quản lý khi có yêu cầu; bổ sung chế tài xử lý nghiêm trường hợp kê khai sai lệch thông tin chủ sở hữu hưởng lợi (xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng) nhằm bảo đảm hiệu lực thực thi.
Việc hoàn thiện các quy định trên sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý minh bạch, đồng bộ, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, giúp doanh nghiệp phát triển an toàn và giúp cơ quan quản lý đạt hiệu quả trong phòng, chống rủi ro tài chính, đại biểu nêu rõ.
Đại biểu Qốc hội Lê Đào An Xuân (Phú Yên) cũng đề nghị lượng hoá rõ các tiêu chí liên quan đến “chủ sở hữu hưởng lợi” và “cá nhân có quyền chi phối doanh nghiệp”, chẳng hạn như quyền quyết định về tài chính, nhân sự chủ chốt hoặc chiến lược hoạt động.
Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về dự án Luật này tại hội trường vào ngày 20/5, và biểu quyết thông qua (nếu đủ điều kiện) vào ngày 16/6. |